Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỳ vọng từ các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 

Cập nhật ngày: 22/01/2023 - 01:54

BTNO - Việc xây dựng, đưa vào hoạt động vùng sản xuất NNUDCNC nhằm xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, năng suất, chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao.

Chăm sóc bê sữa ở trang trại bò sữa Vinamilk Bến Cầu (ảnh minh họa).

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) đang là xu thế phát triển tất yếu nhằm tạo bước đột phá để nâng cao sức cạnh tranh của nền sản xuất nông nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế và là bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh.

Theo Đề án vùng sản xuất NNUDCNC vừa được UBND tỉnh ban hành, Tây Ninh định hướng phát triển 20 vùng NNUDCNC. Cụ thể, giai đoạn 2022 - 2025 dự kiến có 9 vùng (5 vùng trồng trọt với diện tích 2.950 ha, 3 vùng chăn nuôi gà thịt với quy mô 972.000 con/lứa và 1 vùng hỗn hợp trồng trọt - chăn nuôi với diện tích 1.646,1 ha).

Giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến có 11 vùng (8 vùng trồng trọt với diện tích 5.714,7 ha; 2 vùng chăn nuôi bò sữa, heo thịt với quy mô 50.000 con/năm và 1 vùng hỗn hợp trồng trọt - chăn nuôi với diện tích 1.000 ha).

Vùng NNUDCNC là nơi sản xuất tập trung, ứng dụng CNC trong nông nghiệp để sản xuất một hoặc một số sản phẩm nông sản hàng hóa có lợi thế của vùng bảo đảm đạt năng suất, chất lượng cao, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường.

Kết quả tính toán hiệu quả mang lại đối với một số sản phẩm chủ lực của tỉnh, có tiềm năng sản xuất NNUDCNC cho thấy, so với sản xuất truyền thống thì lợi nhuận mang lại của việc đổi mới phương thức sản xuất, ứng dụng công nghệ hiện đại giúp tăng sản lượng bình quân lên 28%, sau khi trừ chi phí sản xuất thì lợi nhuận mang lại cao hơn từ 1,1 đến 3,8 lần.

Như vậy, với 20 vùng định hướng các sản phẩm NNUDCNC chủ lực có sức cạnh tranh của tỉnh, dự kiến đến năm 2030, tỉnh có khoảng 9.259,4 ha cây ăn trái, 900 ha mía, 275 ha lúa, 972.000 con gà/năm, 10.000 con bò sữa/năm, 40.000 con heo/năm được sản xuất tập trung, ứng dụng CNC.

Sản lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường trong năm dự kiến đạt 120.000 tấn trái cây, 75.000 tấn mía, 1.650 tấn lúa, 7.400 tấn thịt gà, 45.000 tấn sữa tươi, 9.200 tấn thịt heo. Giá trị mang lại trung bình từ 150 - 180 triệu đồng/ha.

Trang trại bò sữa Vinamilk ở Bến Cầu (ảnh minh họa).

Các vùng sản xuất NNUDCNC là tiền đề thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, bảo quản, hình thành các liên kết theo chuỗi, giải quyết vấn đề sản xuất được mùa mất giá hay ngược lại một cách bền vững. Đặc biệt, kết quả sản xuất NNUDCNC góp phần tăng đáng kể thu nhập cho người sản xuất và doanh nghiệp đến đầu tư tại vùng sản xuất NNUDCNC.

Việc xây dựng, đưa vào hoạt động vùng sản xuất NNUDCNC nhằm xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, năng suất, chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao.

Vùng sản xuất NNUDCNC được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá, chuyển nhanh từ nền nông nghiệp truyền thống dựa vào khai thác các nguồn tài nguyên có giới hạn, quy mô sản xuất nhỏ sang nền nông nghiệp chất lượng, quy mô lớn dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ. Xây dựng vùng sản xuất NNUDCNC còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở các vùng sản xuất, góp phần xây dựng NTM. Quan trọng hơn là sản phẩm NNUDCNC hướng đến các tiêu chí sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Hoạt động sản xuất tinh bột mì ở một nhà máy (ảnh minh họa).

Theo đề án, doanh nghiệp đầu tư vào vùng sản xuất NNUDCNC được hỗ trợ các chính sách của tỉnh; được ưu tiên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp; được tham gia chương trình OCOP…

Để một vùng được công nhận là vùng NNUDCNC cần đáp ứng đủ 5 nhóm tiêu chí như sau:

Tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị; có tổ chức đầu mối của vùng là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong vùng ký hợp đồng thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp của vùng.

Sản phẩm sản xuất trong vùng là sản phẩm hàng hóa có lợi thế của vùng, tập trung vào các nhóm sản phẩm sau: Giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao và khả năng chống chịu vượt trội; sản phẩm nông lâm thủy sản có giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế cao, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, khu vực hoặc quốc gia (VietGAP).

Công nghệ ứng dụng là các công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học trong chọn tạo, nhân giống và phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; công nghệ thâm canh, siêu thâm canh, chế biến sâu nâng cao giá trị gia tăng; công nghệ tự động hóa, bán tự động; công nghệ thông tin, viễn thám, thân thiện môi trường. Công nghệ ứng dụng trên quy mô công nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị của sản phẩm và tăng năng suất lao động.

Vùng NNUDCNC là vùng chuyên canh, diện tích liền vùng, liền thửa trong địa giới hành chính một tỉnh, có điều kiện tự nhiên thích hợp, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh về giao thông, thủy lợi, điện, thuận lợi cho sản xuất hàng hóa, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất nông nghiệp của ngành và địa phương.

Đối tượng sản xuất và quy mô của vùng: Sản xuất hoa có diện tích tối thiểu là 50 ha; sản xuất rau an toàn có diện tích tối thiểu là 100 ha; sản xuất lúa giống có diện tích tối thiểu là 100 ha; nhân giống và sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu có diện tích tối thiểu là 5 ha; cây ăn trái lâu năm có diện tích tối thiểu là 300 ha; cây công nghiệp lâu năm có diện tích tối thiểu là 300 ha; sản xuất giống thủy sản có diện tích tối thiểu là 20 ha và nuôi thương phẩm diện có tích tối thiểu là 200 ha; chăn nuôi bò sữa có số lượng tối thiểu là 10.000 con/năm, bò thịt tối thiểu 20.000 con/năm; chăn nuôi heo thịt có số lượng tối thiểu là 40.000 con/năm và heo giống (nái) tối thiểu 2.000 con/năm; chăn nuôi gia cầm có số lượng tối thiểu là 50.000 con/lứa.

 

An Khang