Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chính phủ lâm thời hiện đang nắm quyền kiểm soát toàn bộ đất nước, ngoại trừ Osh và Jalalabad.

Hôm 8.4, phe đối lập tại Kyrgyzstan tuyên bố lật đổ chính quyền của Tổng thống Kurmanbek Bakiyev, giải tán quốc hội và thành lập chính phủ lâm thời sau cuộc biểu tình bạo động đẫm máu làm ít nhất 75 người thiệt mạng, gần 1.000 người bị thương. Hãng tin Reuters cho biết, ông Bakiyev đã tháo chạy về quê nhà ở Jalalabad để tìm cách lật ngược thế cờ.
Kyrgyzstan, nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ từng được xem là một trong những thành công của Mỹ khi đã đưa Kurmanbek Bakiyev bước lên đỉnh cao quyền lực sau cuộc Cách mạng hoa uất kim hương (tulip) vào năm 2005. Kyrgyzstan cũng là nơi đặt căn cứ không quân của Mỹ lẫn Nga.
Kể từ đầu tháng 3.2010, đất nước này đã rơi vào tình trạng bất ổn chính trị do tham nhũng tràn lan, giá cả tiêu dùng gia tăng, đặc biệt giá xăng dầu tăng đến 200%.
![]() |
Bà Roza Otunbayeva tuyên bố lực lượng đối lập nắm quyền kiểm soát đất nước sau cuộc biểu tình bạo động đẩm máu tại thủ đô Bishkek. Ảnh: Reuters. |
Lãnh đạo chính quyền lâm thời hiện nay lại là bà Roza Otunbayeva, người đã từng giúp ông Bakiyev lật đổ Tổng thống đầu tiên của Kyrgyzstan thời kỳ hậu Xô viết, Askar Akayev. Bà Otunbayeva yêu cầu ông Bakiyev phải từ chức, trao quyền lực cho nhân dân và cáo buộc những người bị giết hôm 7.4 tại Bishkek chính là nạn nhân của một chế độ độc tài.
Bà Otunbayeva cho biết thêm, chính phủ lâm thời hiện đang nắm quyền kiểm soát toàn bộ đất nước, ngoại trừ Osh và Jalalabad – thành trì của ông Bakiyev. Quân đội và cảnh sát cũng đã bày tỏ thái độ ủng hộ lực lượng đối lập. Chính phủ lâm thời sẽ phải mất ít nhất 6 thánh để bình ổn tình hình, sửa đổi hiến pháp và chuẩn bị tổ chức bầu cử Tổng thống.
Tuy nhiên, đại sứ Kyrgyzstan tại Moscow, ông Raimkul Attakurov cho biết, Tổng thống Bakiyev kiên quyết không chấp nhận từ chức.
Sau một ngày đẫm máu với những vụ đụng độ giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh chính phủ, thủ đô Bishkek tiếp tục chìm trong khói lửa với những vụ đốt xe và các cửa hiệu, đặc biệt là ở khu vực Nhà Trắng – trụ sở chính phủ Kyrgyzstan. Tình trạng cướp phá lan rộng. Tại TP. Osh, hàng trăm người ủng hộ ông Bakiyev ẩu đả với lực lượng đối lập chiếm giữ toà nhà chính quyền địa phương.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi các phe phái tại Kyrgyzstan nên giữ bình tĩnh và cho biết ông sẽ gởi một đặc phái viên đến quốc gia Trung Á này trong thời gian sớm nhất.
Người phát ngôn của Thủ tướng Nga V. Putin cho biết, ông Putin đã gọi điện thoại cho lãnh đạo đối lập Kyrgyzstan, bà Roza Otunbayeva. Thủ tướng Nga nhấn mạnh, Nga sẵn sàng viện trợ nhân đạo nếu Kyrgyzstan yêu cầu.
Đặng Hoàng Thái
(Tổng hợp từ AP/RIAN/Reuters)