BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lá vàng rơi 

Cập nhật ngày: 10/03/2017 - 10:28

Đã đến “mùa lá rụng trong vườn”- lá cao su trên những rẫy, vườn rừng khắp Tây Ninh ta đó. Mà thực ra, các vườn rừng cao su đã lai rai lá rụng từ cả tháng nay rồi. Thậm chí có cây còn nhanh nhảu rụng lá từ trước tết.

Rừng cao su thay lá. Ảnh minh hoạ: Đ.H.T

Bạn ở thành phố Tây Ninh ư? Thì chẳng cần phải tìm đâu xa những Cầu Khởi, Chà Là… Chỉ cần ra những con đường thuộc khu phố 1, phường 3- khu quy hoạch mới ấy là đã thấy vàng ửng, vàng ươm những vườn cây lá rụng. Dọc đường Nguyễn Chí Thanh ra Trường THPT Tây Ninh là đã có.

Nhưng muốn ngắm những cánh rừng rộng rinh rang, đường lô chạy hút tầm con mắt thì cứ ngả rẽ phải theo đường Trường Chinh, tới gần trụ sở Công an Thành phố, rừng cao su đã bát ngát một bên đường. Nhưng vào đầu tháng 3 này, thú vị nhất là tới cuối đường Đặng Ngọc Chinh, nơi có vài chục cây cao su đã thuộc hàng cổ thụ. Không còn lác đác vàng rơi như ở những vườn cây mới. Mà ở đây đã có thể gọi các “cụ” cây này là những cây lá đỏ. Đỏ rừng rực khắp thân cây. Đỏ rực lên trong sáng ban mai hoặc nắng chiều tà. Nhìn thấy lòng chợt muốn ngân nga bài ca “Lá đỏ” của Nguyễn Đình Thi một thời kháng chiến: “Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ/ Em đứng, đứng ở bên đường/ Như quê hương/ Vai áo bạc…”. Đưa mắt tìm em mà chẳng thấy em đâu. Bừng tỉnh! Để biết nơi đây đã là khu quy hoạch đầu tiên của thành phố mới. Các em giờ này đã đến trường hay vào xưởng máy, hoặc còn đang tần tảo bán, mua…

Nhưng sao hình ảnh khắc hoạ trong một bài hát năm xưa cứ trở về day dứt mãi. Đã có biết bao cô gái Thanh niên xung phong ra đi mãi mãi. Họ nằm lại ở những Đồng Lộc, Truông Bồn, hang Tám Cô… và dọc dài hàng ngàn cây số những cung đường đất nước. Lời ca ấy đã như một tượng đài về họ- người phụ nữ Việt Nam thời khói lửa chiến tranh.

Ở miền Nam, gọi mùa lá rụng chắc là hơi quá! Chính xác có thể là mùa cây thay lá. Thì lá cũ rụng rơi, cho búp non và những nhành lá mới trồi lên, tiếp tục bền bỉ quang hợp nắng gió ra sao đó, để cây cao su biến hoá dòng dinh dưỡng trong thân mình thành dòng nhựa trắng. Đến đây mới thật sự là vàng- vàng trắng.

Người Tây Ninh có lẽ cần cảm ơn loại cây này, dù là du nhập (nghe đâu cũng từ Nam Mỹ hồi đầu thế kỷ 20). Vì cao su đã trở thành cây thế mạnh của miền đất này. Dẫu có lúc chao đảo vì biến động giá cả nhưng vẫn luôn tồn tại. Và thế là ở Tây Ninh mình, đã qua cả trăm mùa rơi lá cao su.

Lá vàng rơi dây dưa, có lẽ đến mấy tháng trong mùa. Mà ngay ở cùng một thời điểm, một vuông vườn thì mỗi cây mỗi khác. Đầu vườn đằng này lá còn vàng lác đác, đầu kia vườn có thể lá đã rụng rơi gần hết, để lại trên cành toàn mơn mởn những xanh mơ… Đầu tháng 3 đã chang chang nắng, chẳng có gì khiến ta thú vị, mơ màng hơn khi ngắm một vườn cao su đang mùa thay lá.

Đừng hy vọng sẽ có một không gian vàng rực nhé! Cũng không hề có trên mặt đất một thảm lá vàng rơi. Lá rơi xuống thường đã kiệt khô, xơ xác. Cứ vài hôm chủ vườn lại phải quét dồn chúng lại rồi đem đốt. Có thế thì ông Trần Quốc Hải- kỹ sư nông dân nổi tiếng ở Tân Châu mới sáng chế ra cái máy thổi lá cao su; đỡ công của bao người quét lá.

Không gian ấy bỗng choàng tỉnh khi có một cơn gió mạnh. Vô vàn lá khô, lá vàng còn đang nắm níu lấy cành cây bỗng đồng loạt rơi lấp lánh, xiên xiên theo chiều gió. Đấy là vũ điệu tập thể cuối cùng của những chiếc lá. Tôi cứ hồ nghi rằng, không phải vì gió khiến lá rơi mà chúng đã chủ động chọn những cơn gió, để đồng loạt bứt mình ra khỏi cành cây, đồng loạt tham gia điệu nhảy tập thể tưng bừng ấy. Xong rồi! Có hoá thân thành tro bụi cũng chẳng tiếc gì. 

Khi mùa lá vàng đi qua. Rừng cao su lại tràn trề xanh lá. Ta sẽ lại gặp rất nhiều phụ nữ. Họ đi làm từ lúc nào, mà mới tám giờ sáng đã rổn rảng các xô thùng đầy ắp nhựa cao su trắng ở nơi tập trung, trước khi nhập vào các xe bồn chạy về nhà máy. Những nụ cười bừng dậy lúc tan sương. Còn gì đẹp hơn thế nữa, giữa đường lô cao su hun hút buổi bình minh. Không có những “mùa vàng” đã qua kia thì sao có được những “mùa xanh” hớn hở dòng nhựa trắng.

NGUYỄN


 
Liên kết hữu ích