Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Lại chuyện lục bình trên sông Vàm
Thứ bảy: 10:27 ngày 13/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong những năm qua, dù tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp khác nhau, nhưng lục bình vẫn trở lại trên sông Vàm Cỏ Đông, ảnh hưởng lớn đến giao thông đường thuỷ, vận chuyển nông sản và đời sống của người dân.

Lục bình dày cứng ở thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông, tàu bè khó di chuyển.

Lục bình trở lại và lợi hại hơn xưa

Những tháng qua, nhiều đoạn sông Vàm Cỏ Đông dày kín lục bình, dồn vào chật cứng đến nỗi xuồng, ghe không thể nào di chuyển ngang mặt sông được. Những lúc nước lớn, nước ròng, lục bình có trôi lên, trôi xuống một ít, nhưng chỉ di chuyển từ đoạn sông này đến đoạn sông khác. Loài thuỷ sinh này thật sự ảnh hưởng rất nhiều đến việc đi lại, sản xuất và vận chuyển hàng hoá trên sông.

Theo ghi nhận vào ngày 9.4, tại khu vực bến Trung Dân (thuộc xã Phước Vinh, huyện Châu Thành), mặt sông phủ kín một màu xanh, ghe, xuồng, vỏ lãi “chết gí” trong bờ. Thỉnh thoảng có một vài chiếc sà lan lớn chở vật liệu xây dựng di chuyển với tốc độ chậm. Là người chuyên kiếm sống bằng nghề vận chuyển máy thu hoạch lúa cho bà con trên cánh đồng xã Hoà Hội và xã Hảo Đước, ông Nguyễn Hữu Hoàng- ngụ ấp Trường, xã Hảo Đước cho biết, lục bình dày đặc gây khó khăn cho việc chở máy móc, nhân công qua sông để thu hoạch lúa. Ông Hoàng mong muốn Nhà nước xử lý lục bình một cách hiệu quả hơn.

Trước đó, ông Lê Văn Hiền- đại diện cho nhiều nông dân ấp Phước Trung, xã Phước Vinh tìm đến các cơ quan thông tin đại chúng nhờ lên tiếng cứu giúp, vì nhiều tháng nay, lục bình nghẹt cứng, trong khi bên kia sông, lúa trổ bông, nhưng thiếu nước, bị sâu rầy phá hoại, mà người dân không thể sang sông để chăm sóc.

Một nông dân khác tên Nguyễn Văn Minh, ngụ ấp Phước Trung có hơn 2 ha lúa đã quá kỳ thu hoạch, nhưng không đem máy phóng qua sông được. Ông Cao Văn Phương, ngụ ấp Phước Hoà, xã Phước Vinh có 3 ha đất nông nghiệp bên kia sông Vàm, năm nay, ông thuê thêm 7 ha đất khác để trồng lúa. Thế nhưng, lúa đã chín mà cha con ông không tài nào qua sông được.

Ông từng thức tới 12 giờ khuya, chờ lục bình dãn rồi giăng dây thừng qua sông, ngăn chúng lại, để sáng ra đưa máy phóng lúa qua sông, nhưng vẫn không được. Anh Nguyễn Tri Phương, ngụ ấp Phước Trung, có 2 ha lúa đang kỳ trổ bông, cần nước tưới. Anh liều mình dùng vỏ lãi chở máy qua sông để bơm nước. Khi trở về, anh bị kẹt cứng giữa dòng, phải mất gần một giờ, anh Minh mới thoát ra được.

Ngoài những người làm lúa, ở xã Phước Vinh còn nhiều người dân kiếm sống bằng nghề khác cũng lao đao vì nạn lục bình. Gia đình bà Lê Thị Cải, ngụ tại bến Trung Dân có 2 chiếc ghe và một chiếc trẹt, chuyên dùng để chở thuê phân tro, máy nông nghiệp cho bà con qua sông. Thời gian gần đây, nhiều lúc đang chở hàng hoá trên sông, gặp lúc lục bình dày đặc, các máy ghe, máy trẹt phải chạy hết công suất.

Từ đó, dẫn đến hầu hết các máy đều bị hư hỏng. Các máy ghe đang được thợ sửa chữa. Chiếc trẹt đang neo đậu phía trên thượng nguồn, cách nhà vài trăm mét và máy của chiếc trẹt này cũng bị hư nặng, vừa sửa chữa xong. “Từ khi lục bình xuất hiện nhiều đến nay, tôi đã tốn 30 triệu đồng cho sửa chữa các máy ghe này” - bà Cải nói.

Trước tình trạng trên, Công ty TNHH Huỳnh Vương- đơn vị hợp đồng xử lý lục bình- đã đẩy nhanh tiến độ xử lý bằng cách điều động 2 tàu vớt lục bình đang làm nhiệm vụ ở hạ lưu sông Vàm lên thượng nguồn để vớt lục bình. Trong đó có một sà lan chở xe múc đất cải tiến thêm để vớt lục bình, một chiếc sà lan khác “ủi” lục bình trên mặt sông vào gần xe cơ giới để dễ trục vớt.

Trung bình, mỗi ngày vớt được 400 tấn lục bình. Công ty cũng đã tăng cường thêm một tổ khác lên thượng nguồn với hy vọng nhanh chóng xử lý lục bình. Tuy nhiên, đến nay, lục bình chỉ giảm bớt phần nào chứ chưa thật sự thông thoáng.

Ý kiến của những người có trách nhiệm

Ông Nguyễn Trọng Hiệp- Phó Chủ tịch UBND xã Phước Vinh đề nghị đơn vị trục vớt lục bình phải tăng cường thêm thiết bị và đẩy nhanh tiến độ hơn nữa, xử lý từ phía thượng nguồn trước, tránh trường hợp lục bình trôi xuống những khúc cua trên sông, gây ùn ứ, khiến bà con nông dân không thể qua sông chăm sóc, thu hoạch lúa.

Ông Hiệp cho biết thêm, một số nông dân đã thu hoạch lúa, nhưng chưa dám làm đất để xuống giống cho vụ Hè Thu. Bà con chờ ngành chức năng xử lý lục bình cho giảm bớt mới dám vào vụ sản xuất mới, vì lo sợ lỡ xuống giống rồi mà không sang sông bón phân, bơm nước, xịt thuốc sâu rầy được, kể như thất mùa.

Ông Ngô Ngọc Thành- Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Châu Thành chia sẻ, những năm trước, ở thượng nguồn, lục bình được xử lý tốt, nên vào mùa khô mặt sông khá thông thoáng, không ảnh hưởng đến việc đi lại, sản xuất của người dân. Năm nay, ở những đoạn cua, từ bến Băng Dung đến bến Cây Ổi (xã Phước Vinh) xuất hiện rất nhiều lục bình.

Đặc biệt, vào thời điểm hiện nay, đang vào mùa thu hoạch nông sản, nhưng nhiều lúc không vận chuyển máy phóng lúa qua sông được nên nông dân khá bức xúc. Tháng 12.2018, tỉnh có tổ chức đoàn khảo sát ở thượng nguồn. Thực tế cho thấy, từ ngã ba Vàm về phía nước bạn Campuchia, mặt sông rất thông thoáng, nhưng từ ngã ba Vàm tới rạch Cái Bắc về phía Đồi Thơ và về hướng huyện Tân Biên thì lục bình dày đặc. Điều đó chứng tỏ, nguyên nhân sâu xa dẫn đến xuất hiện nhiều lục bình là do nước sông bị ô nhiễm.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như hai bên bờ sông có nhiều cọc, chà, làm níu giữ lục bình lại trong mùa mưa, đến mùa khô, khi người dân dỡ chà bắt cá, chúng bị đẩy trôi ra mặt sông. Mặt khác, những năm trước, UBND tỉnh đều có cấp kinh phí cho các huyện ven sông để xử lý lục bình. Nhờ thế, đến mùa khô, lục bình còn lại rất ít.

Năm nay, tỉnh không cấp kinh phí cho các huyện xử lý lục bình nữa. Sở Giao thông Vận tải giao cho một đơn vị là Công ty TNHH Huỳnh Vương chịu trách nhiệm nhưng công ty này không xử lý lục bình trong các kênh, rạch, vì vậy, chúng sinh sôi nảy nở rất nhiều và đến mùa khô, chúng trôi ra đầy cứng mặt sông. Trước tình hình đó, ông Thành đề xuất, nếu vẫn tiếp tục để Công ty Huỳnh Vương xử lý, đề nghị doanh nghiệp chú ý xử lý trong các kênh, rạch, cọc chà và phải tăng cường phương tiện, nhân lực nhiều hơn nữa. Đối với tỉnh, đề xuất cấp kinh phí để xử lý lục bình trong các kênh, rạch.

Ông Trịnh Văn Lo- Phó Giám đốc Sở GT-VT cung cấp thêm thông tin, ngày 24.4.2017, Sở GTVT ký hợp đồng với Công ty TNHH Huỳnh Vương để xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông, đoạn qua tỉnh Tây Ninh, tổng chiều dài 105km và thời gian hợp đồng 5 năm, tổng chi phí hợp đồng là 9,7 tỷ đồng. Bình quân, mỗi năm, công ty được thụ hưởng số tiền hơn 1,9 tỷ đồng.

Theo đó, đơn vị này phải bảo đảm mặt sông ít nhất 50m chiều ngang luôn thông thoáng quanh năm. Về chế độ kiểm tra, Sở thành lập đoàn liên ngành, cứ 3 tháng đi kiểm tra một lần để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của công ty. Công ty sử dụng biện pháp cơ học, cụ thể là cải tiến lại gàu của xe Kobe để vớt lục bình. Cách xử lý, công ty đặt 4 tổ hợp tại những vị trí đoạn cong trên sông- nơi thường xuyên ùn ứ lục bình.

Đồng thời, bố trí một tổ hợp di động, khi đoàn kiểm tra có ý kiến, hoặc công ty phát hiện “điểm đen” thì điều động tổ hợp di động đến để tăng cường xử lý. Ngày 29.3, Sở tổ chức đoàn kiểm tra và ghi nhận tại đoạn cầu Rạch Rễ, có khoảng 1,5km đường sông, lục bình ùn ứ dày đặc, gây cản trở cho việc đi lại của các phương tiện giao thông đường thuỷ. Sở đề nghị Công ty xử lý ngay điểm đen này. Công ty tăng cường 2 phương tiện đến đây xử lý. Sau 7 ngày, kiểm tra lại, đoạn sông này đã thông thoáng.    

Đơn vị tăng cường xử lý lục bình ở những điểm đen, nhưng không ăn thua.

Trong hai năm 2017, 2018, nhận thấy Công ty TNHH Huỳnh Vương thực hiện đúng nội dung hợp đồng. Tuy nhiên, mùa khô năm nay, phát sinh thêm một số tình tiết mới. Thứ nhất, qua quan trắc cho thấy, những năm trước lục bình từ nước bạn Campuchia không có, nhưng năm nay, lục bình lại dồn về rất nhiều tại khu vực ngã ba sông. Thứ hai, trước đây, trong quá trình xử lý, ngành chức năng và địa phương đã vận động người dân làm ăn sinh sống hai bên bờ sông tháo dỡ chà để không níu giữ lục bình.

Năm nay, có hiện tượng người dân tái sử dụng chà, níu giữ lục bình để đánh bắt cá. Bên cạnh đó, dù bà con đẩy đuổi lục bình trong các chi lưu ra sông, để chúng trôi về hạ lưu sông Vàm nhưng chưa triệt để, vì vậy, năm nay, lục bình sinh sôi, nảy nở nhiều. “Chúng tôi đã nhìn thấy những vấn đề phát sinh và sẽ chỉ đạo Công ty TNHH Huỳnh Vương tăng nhân công, tăng phương tiện để kịp thời xử lý tốt hơn”- ông Lo khẳng định.

ĐẠI DƯƠNG

 

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh