BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lại chuyện Netflix

Cập nhật ngày: 17/03/2023 - 05:12

BTN - Ủa mà tui nhớ đây đâu phải lần đầu tiên công chiếu những bộ phim có thông tin bịa đặt, xuyên tạc nước mình?

Tư nè, hổm rày trên mạng xã hội bàn tán râm ran về bộ phim tài liệu của Netflix - dịch vụ video trực tuyến của Mỹ về vụ mất tích bí ẩn của chiếc máy bay MH370 của Malaysia Airlines trên đường đi từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh vào ngày 8.3.2014. Nghe đâu, những nhà làm phim tài liệu cố tình lập lờ, đánh lận con đen, với mục tiêu chỉ trích Việt Nam, Tư có coi chưa?

- Tui cũng như Năm “Thời sự”, nghe phong thanh là search coi liền. Nói chung là, như nhiều bộ phim tài liệu khác, trong phim MH370: The Plane That Disappeared (Chiếc máy bay biến mất), những nhà làm phim đưa ra những giả thuyết, thông tin đầy bịa đặt, sai sự thực về Việt Nam.

Ví dụ như đầu phim là hình ảnh quay một người phụ nữ là người nhà của nạn nhân MH370 trách cứ: “Tôi mong rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ cử đội tìm kiếm vì Chính phủ Việt Nam không hề chủ động tìm kiếm MH370”.

Nếu Năm “Thời sự” chịu khó tìm lại những thông tin mà báo chí đăng tải, sẽ nắm rõ. Ngay khi mất tín hiệu với MH370, Việt Nam sử dụng các hệ thống radar và các phương tiện tìm kiếm thấp tầng nhằm tìm kiếm và truy vết MH370.

Bên cạnh đó, nước ta đã huy động 11 máy bay vận tải quân sự, trực thăng và tuần thám, gần 10 tàu hải quân và cảnh sát biển kèm theo thông báo hỗ trợ tìm kiếm đến hơn 3.000 tàu đánh cá. Ngoài ra, còn có lực lượng trực chiến, bệnh viện dã chiến lên tới hàng ngàn người sẵn sàng phục vụ nếu phát hiện xác máy bay. Sau này, Thủ tướng Malaysia và cơ quan ngoại giao Trung Quốc đều gửi lời cảm ơn và đánh giá rất cao công tác tìm kiếm của phía Việt Nam.

Chỉ đơn cử một ví dụ nhỏ thôi, đã thấy bộ phim lạo xạo rồi!

- Ủa mà tui nhớ đây đâu phải lần đầu tiên công chiếu những bộ phim có thông tin bịa đặt, xuyên tạc nước mình?

- Mới tháng 10 năm ngoái, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) có công văn yêu cầu Netflix gỡ bộ phim “Little Woman” (tựa Việt: Ba chị em) sau khi phát hiện nội dung bộ phim vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Khoản 4, Điều 9, Luật Báo chí: Xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc.

Bộ phim cũng vi phạm những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh quy định tại Khoản 4, Điều 11 Luật Điện ảnh: Xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

Trước đó, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng đã yêu cầu Netflix gỡ bỏ các phim “Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta - Put Your Head On My Shoulder”, “Bà Ngoại trưởng - Madam Secretary” (năm 2020) hay gần nhất là “Pine Gap” (2021) do vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

- Vấn đề là cần phải có chế tài cụ thể và chặt chẽ đối với các nền tảng xuyên biên giới như Netflix, chứ đợi sau khi người xem phát hiện, phản ứng, cơ quan chức năng mới vào cuộc thì thông tin xuyên tạc, bịa đặt đã lan rộng rồi!

Đ.H.T