Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -

![]() |
Nhà có hai anh em. Anh đã tốt nghiệp đại học và đang làm việc tại một ngân hàng lớn ở thành phố Hồ Chí Minh. Em gái đang học lớp 9 tại một trường trung học cơ sở ở thị xã Tây Ninh. Cha mẹ buôn bán vặt vãnh nên nhà không khá giả gì, nhưng vẫn luôn cố gắng lo cho hai con. Một ngày nọ, cậu con trai lớn đang làm việc ở thành phố nhận được “điện khẩn” của ba mẹ với nội dung: “Khẩn trương về tìm em, nó bỏ nhà đi rồi!”.
Cậu con trai về nhà, bỏ công cùng ba mẹ đi tìm em gái suốt hai ngày nhưng không thấy tăm hơi đâu cả. Cả nhà lo lắng. Mẹ cậu cứ ngồi khóc vừa thương con, vừa tự trách mình. Sau hai ngày tìm kiếm nhưng không thấy, cậu con trai đành phải nhờ người bạn học cũ phụ tìm em cùng với mình, vì còn phải xuống thành phố làm việc, thời gian không còn nhiều. Sau một ngày thăm dò và gặp cô giáo chủ nhiệm để hỏi thăm tình hình, người bạn học kia phát hiện cô em của bạn mình đang ráo riết tìm thuê nhà trọ. Sau khi “mật phục” và tận mắt thấy em gái của bạn đi vào khu nhà trọ, anh này liền báo cho bạn biết nơi cô em gái đang ở. Tuy nhiên, khi anh trai đến nhà trọ để “bắt” em gái về thì lại không thấy em đâu. Hoá ra, khi đến hỏi thuê nhà, cô em này và một cậu bạn cùng lớp khác đã bị chủ nhà trọ từ chối vì tuổi còn quá nhỏ. Chúng đi đâu? Không ai biết được. Cả nhà lại rầu như có đám ma. Mãi bốn ngày sau, cô con gái “mất tích” mới lù lù xuất hiện tại nhà khiến ba mẹ cô vừa mừng, vừa tức giận.
Sau này, cô mới kể với cô giáo: em mến một bạn trai cùng lớp, cả hai đứa dự định sẽ trốn đi thật xa, kế hoạch không thành chỉ vì cả hai… không có đủ tiền. Đứa bạn trai về xin ba mẹ tiền nói dối là đi học thêm, tưởng thật, ba mẹ cậu cũng đưa cho 500.000 đồng. Không ngờ cậu lấy tiền bao “người yêu” hết. Trong vòng gần một tuần lễ, cả hai tiêu hết số tiền ấy. Hết tiền, đói quá, không chịu nổi nên cả hai đành từ bỏ kế hoạch “đi về nơi xa lắm”. Cô bé còn tâm sự với cô giáo rằng: ba mẹ đã làm em quê và sợ nên không dám về. Hỏi “Ba mẹ em đã làm gì khiến em bị quê và sợ?”. Cô bé trả lời: thứ nhất, trong khi em bỏ đi, ba mẹ đến nhà bạn em để hỏi thăm, hăm rằng, nếu tìm thấy sẽ… nện cho một trận (vì lần bỏ đi này không phải là lần đầu). Thứ hai, em được bạn học “mật báo” rằng, ba mẹ nói nếu quá một tuần mà không thấy em về thì sẽ nhắn tin lên báo đài để tìm. Mà khi nhắn tin thì phải khai báo tên thật nên em… sợ quê! Vì thế, em định bỏ đi luôn nhưng do không đủ tiền, bụng lại đói nên em mới phải “đầu hàng”, trở về. Em còn nói thêm với cô giáo của mình rằng, em với cậu bạn cùng lớp cảm thấy cô độc lắm. Ba mẹ ít khi để ý đến con cái, tụi em chán nản rồi kết thân và mến nhau chứ… “chưa làm gì cả”!
Thực ra, cô học trò bỏ nhà đi bụi kia không phải là ai quá xa lạ. Em chính là một trong nhóm sáu người, gồm bốn trai hai gái thường xuyên có mặt tại một quán cà phê ở gần bến xe Tây Ninh, đã được nhắc đến trong bài “Sành điệu như thế để làm gì” mới đăng trên số Báo Tây Ninh gần đây.
Hồi tháng 4.2009, Báo Tây Ninh cũng từng có loạt bài về hiện tượng một số em học sinh ở xã An Cơ, huyện Châu Thành “bỗng dưng mất tích”. Những trường hợp này thường có dạng giống nhau: các nhân vật chính đều còn trẻ, đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng đã sớm nhiễm phải thói hưởng thụ và lệch lạc về nhân cách.
Ngẫm lại các bậc cha mẹ cũng không thể “vô can” trong chuyện này.
V. Đ