Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bộ Giao thông Vận tải (GT-VT) đã đề xuất xử lý hình sự đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 100miligam/100ml máu, hoặc vượt quá 04miligam/1lít khí thở.
Lý giải về việc đề nghị xử lý hình sự với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 100miligam/100ml máu hoặc hơi thở vượt quá 04 miligam/1 lít khí thở, Bộ GT-VT đưa ra dẫn chứng những năm qua toàn quốc có 45% số vụ tai nạn mà nguyên nhân xuất phát từ uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
|
Ảnh minh họa |
“Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhận định, để có chế tài phù hợp với hành vi nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người điều khiển phương tiện khi điều khiển xe có nồng độ cồn cao hơn mức quy định, đảm bảo tính răn đe, ngăn chặn, tránh nguy hiểm cho xã hội, cần bổ sung vào Bộ Luật hình sự tội điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định”.
Theo Bộ GT-VT, quy định bổ sung hành vi điều khiển xe trên đường nhưng trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định để tuy cứu trách nhiệm hình sự vào Bộ Luật Hình sự góp phần vào đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới; đảm bảo tính răn đe, ngăn chặn, tránh nguy hiểm cho xã hội.
Bộ GT-VT cũng dẫn ra ví dụ một số quốc gia như Cộng hòa Séc, Rumania, Hungari, Slovakia đã cấm tuyệt đối uống rượu bia khi lái xe; tại Pháp, Thụy Điển đã áp dụng hình thức phạt tù với lỗi uống rượu, bia quá mức.
“Ở Trung Quốc, lái xe có thể bị phạt tới 3 năm tù nếu uống rượu, bia quá nồng độ cho phép. Nước Đức cấm hoàn toàn việc uống rượu bia với lái xe mới nhận bằng, nếu không chấp hành có thể bị phạt tù ngay, muốn lấy lại bằng thì phải thi lại khó hơn.
Tại Anh, người điều khiển xe có nồng độ cồn vượt quá quy định sẽ bị phạt tù từ 6 tháng tới 3 năm, phạt 5.000 bảng, cấm lái xe 1 năm; trường hợp nghiêm trọng dẫn đến chết người mức phạt có thể tới 14 năm tù, cấm lái xe từ 2 năm đến vĩnh viễn”.
Từ những dẫn chứng này, Bộ GT-VT kiến nghị bổ xung áp dụng khoản 4 Điều 202 Bộ Luật Hình sự quy định hình phạt đối với tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông như sau: “Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nguy hiểm nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm” đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 100miligam/100ml máu hoặc vượt quá 04miligam/1 lít khí thở.
Đây không phải lần đầu tiên có đề xuất về tăng hình phạt với lái xe có nồng độ cồn trong máu cao. Trước đó, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đã đưa ra đề nghị về tăng mức xử phạt đối với đối với 4 nhóm hành vi: không chấp hành việc kiểm tra, cố tình bỏ phương tiện, không hợp tác với lực lượng thực thi công vụ trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện; chở quá tải cho phép trên 150%; điều khiển xe cơ giới mà trong cơ thể có nồng độ cồn quá mức cho phép; điều khiển xe môtô, xe gắn máy, xe thô sơ đi vào đường cao tốc…
Trong đó, lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong cơ thể có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép sẽ bị tịch thu xe. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được chấp thuận.
Theo Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng: “Thay vì áp dụng tịch thu phương tiện ngay, các cơ quan chức năng chỉ nên tăng mức xử phạt đối với hành vi điều khiển phương tiện giao thông có vi phạm nồng độ cồn”.
Nguồn VnMedia