Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lại e… bệnh thành tích

Cập nhật ngày: 28/11/2013 - 04:32

Học sinh mầm non xã Hoà Hiệp, Tân Biên

(BTN) - Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa ban hành Quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia (dự thảo lần 2) để lấy ý kiến các cơ sở giáo dục trước khi chính thức thông qua. Với những tiêu chí, chỉ tiêu mà Bộ vừa ban ra, những ai quan tâm đến sự phát triển của ngành giáo dục có lẽ không khỏi lo ngại.

Trường mầm non đạt chuẩn quốc gia được chia làm 2 mức độ- 1 và 2. Mức độ 1 quy định các tiêu chuẩn cần thiết của trường mầm non đạt chuẩn quốc gia để bảo đảm tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục có chất lượng toàn diện phù hợp với mục tiêu giáo dục mầm non. Mức độ 2 quy định các tiêu chuẩn cần thiết của trường mầm non đạt chuẩn quốc gia để bảo đảm tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục có chất lượng toàn diện ở mức cao hơn mức độ 1, tạo điều kiện để tiếp cận với trình độ phát triển của trường mầm non ở các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Một điểm đáng chú ý của bản dự thảo lần thứ 2 là có quy định một số chỉ tiêu về chuyên môn, nghiệp vụ dành cho đội ngũ giáo viên. Theo đó, đối với trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 phải có ít nhất 50% giáo viên đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp trường. Trong số 50% Giáo viên dạy giỏi cấp trường thì ít nhất có 20% đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên.

Ngoài quy định về chuyên môn, trường đạt chuẩn quốc gia phải kéo theo nhiều danh hiệu thi đua. Cụ thể, hằng năm, phải có ít nhất 70% số giáo viên, nhân viên đạt danh hiệu Lao động tiên tiến và Chiến sĩ thi đua từ cấp cơ sở trở lên. Không có cán bộ, giáo viên, nhân viên nào bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên, không có giáo viên yếu kém về chuyên môn nghiệp vụ.

Hằng năm, nhà trường phải có ít nhất 50% số giáo viên đạt loại khá trở lên theo quy định về Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non do Bộ ban hành, trong đó có ít nhất 50% giáo viên đạt loại xuất sắc; không có giáo viên bị xếp loại kém. 

Tính đến tháng 6.2013, Tây Ninh có 123 trường mầm non, trong đó có 17 trường đạt chuẩn quốc gia; hơn 70% giáo viên mầm non vượt chuẩn về văn bằng.

Đối với trường đạt chuẩn quốc gia ở mức độ 2, nhà trường cần phải có ít nhất 60% giáo viên đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp trường, trong đó ít nhất 30% đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên; có ít nhất 80% số giáo viên, nhân viên đạt danh hiệu Lao động tiên tiến.

Nhà trường tuyệt đối không có giáo viên bị xếp loại kém và có ít nhất 70% số giáo viên đạt loại khá trở lên, trong đó có ít nhất 50% đạt loại xuất sắc theo quy định về Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non do Bộ ban hành.

Việc ban hành Quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia là cần thiết. Tuy vậy, sau khi bản dự thảo lần 2 được công bố, đã có ý kiến bày tỏ sự lo ngại trước việc Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định chi tiết về một số chỉ tiêu có liên quan đến các danh hiệu thi đua như đã trình bày ở trên. Trong số các tiêu chí, điều kiện để công nhận trường đạt chuẩn quốc gia như cơ sở vật chất, tỷ lệ trẻ ra lớp, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng… thì tỷ lệ giáo viên dạy giỏi và đạt các danh hiệu thi đua được đánh giá là… dễ thực hiện nhất. Điều này được chứng minh qua thực tế.

Vì việc có bao nhiêu Giáo viên dạy giỏi vòng trường, vòng huyện, tỉnh hay Chiến sĩ thi đua cấp này cấp kia… gần như được quyết định bởi các yếu tố đậm màu sắc chủ quan. Không có gì khó hiểu khi trong hội nghị công chức đầu năm học, các trường đều đưa ra vô số chỉ tiêu.

Khi chỉ tiêu được ghi trong nghị quyết thì chỉ có một cách- bằng mọi giá phải “hiện thực hoá” cho được các chỉ tiêu đó. Và như thường thấy, tổng kết cuối năm học, phần lớn các trường đều đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra.

Cách nay chừng 3 năm, trong một bài phỏng vấn dành cho Báo Tây Ninh, lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh nhà cũng đã thừa nhận có không ít giáo viên trình độ thật chưa tương xứng với danh hiệu mà họ có. Căn bệnh chạy theo thành tích, chạy theo chỉ tiêu trong ngành giáo dục e rằng khó mà chấm dứt.

Đ.V.T