Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Lại mượn chuyện sách giáo khoa để xuyên tạc, bịa đặt
Thứ tư: 00:15 ngày 01/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã bước sang năm thứ 4. Trong bốn năm qua (tính luôn năm học 2023-2024) đã có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau về chương trình, trong đó phần lớn tập trung vào những sai sót, hạn chế của các bộ sách giáo khoa

Sách giáo khoa lớp 1 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018 không hề có những bài học như nhiều người bịa đặt. Ảnh minh hoạ

Phải khẳng định ngay rằng, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa viết theo chương trình này bộc lộ không ít hạn chế, nhược điểm được dư luận trong và ngoài ngành Giáo dục chỉ ra. Bài viết này đề cập đến một vấn đề không mới nhưng chưa bao giờ cũ và có dấu hiệu ngày càng nguy hiểm: xuyên tạc, bóp méo và bịa đặt về nội dung sách giáo khoa.

A dua

Những ngày cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo buộc phải lên tiếng và đề nghị cơ quan hữu quan điều tra hành vi của các tổ chức, cá nhân xuyên tạc nội dung sách giáo khoa. Chuyện xuyên tạc, bóp méo và ở mức độ cao hơn - bịa đặt về sách giáo khoa không phải lần đầu xảy ra.

Từ khoảng đầu tháng 9 giữa tháng 10 năm nay, nhiều tài khoản cá nhân đăng lên mạng xã hội Facebook rất nhiều bức ảnh chụp những trang sách, những tài khoản cá nhân này khẳng định đây là “sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông 2018”. Có thể liệt kê một số ngữ liệu (bài học, bài tập đọc) dành cho học sinh như sau: Giã gạo thổi cơm, Bắn tung toé, Bạn An dũng cảm, Bé xách đỡ mẹ, Vẽ gì khó…

Trên thực tế, những bài học, bài tập đọc (ngữ liệu) nêu trên xuất hiện trong một số cuốn sách, truyện của các nhà xuất bản khác nhau nhưng không phải là sách giáo khoa hiện hành. Đơn cử, bài Giã gạo thổi cơm trong cuốn Nựng nựng nà nà thuộc bộ Đồng dao cho bé của Nhà xuất bản Kim Đồng; bài Vẽ gì khó hay Bé xách đỡ mẹ nằm trong Tiếng Việt 1 của bộ sách Công nghệ giáo dục do tác giả Hồ Ngọc Đại biên soạn, không được Bộ GD&ĐT phê duyệt sử dụng trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ảnh chụp một số ngữ liệu nêu trên xuất hiện trên mạng xã hội đã thu hút hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn “bình luận” rất tiêu cực về ngành Giáo dục. Họ không tiếc lời mạt sát, chửi rủa, xúc phạm, nhục mạ ngành Giáo dục và đặc biệt những người chịu trách nhiệm về Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong số những bức ảnh chụp ngữ liệu (bài tập đọc, truyện kể) nêu trên có một tấm ảnh chụp bài Bạn An dũng cảm.

Câu chuyện này kể, cô giáo rải một đống phân gà trước lớp và yêu cầu học sinh nếm thử. Ai cũng sợ hãi nhưng được cô giáo động viên, nhân vật An đã nếm thử phân gà. Hành động “dũng cảm” của An sau đó được cả lớp làm theo. Những người đưa câu chuyện này lên mạng đã bịa đặt, bôi nhọ hết sức trắng trợn, vì câu chuyện này hoàn toàn không hề có trong sách giáo khoa. Một số người am hiểu về công nghệ phát hiện ra rằng, tấm ảnh này được chỉnh sửa và chèn nội dung câu chuyện phản giáo dục, phản cảm vào.

Điều đáng nói ở chỗ, nhiều tài khoản cá nhân khẳng định câu chuyện nêu trên có trong sách giáo khoa, bộ Cánh diều, tập 1 của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. “Đốm lửa” của câu chuyện bịa đặt này lan nhanh hơn đám cháy. Như chờ sẵn, những lời bình luận theo kiểu a dua chửi bới, xuyên tạc, bóp méo hoàn toàn nội dung sách giáo khoa và Chương trình giáo dục phổ thông 2018 liên tục được tung lên mạng. Trong số những lời xỉa xói, mạt sát, nhục mạ đó, không ít người được cho là có học vấn, trình độ, thậm chí từng công tác trong ngành Giáo dục hoặc báo chí. Câu hỏi đặt ra, những người xuyên tạc, bịa đặt về sách giáo khoa vô tình hay cố ý?

Câu trả lời là cả hai. Nhóm thứ nhất (đông nhất) gồm những người có tính cách a dua, thấy người khác nói mình cũng nói để ra vẻ ta đây hiểu biết. Nhóm này chỉ biết mạt sát, chửi bới, nhục mạ người khác bằng “phương pháp” bỏ bóng đá người, tấn công cá nhân. Cái gọi là “bình luận” cho thấy họ hầu như không nắm được, không biết gì về chuyên môn trong ngành Giáo dục. Nhóm tiếp theo gồm những người có học hàm học vị, có bằng cấp, nhà thơ, nhà văn có tiếng tăm. Trong nhóm này chắc chắn có người biết về sự bịa đặt, xuyên tạc nội dung sách giáo khoa nhưng họ cũng hùa theo nhóm thứ nhất để chửi rủa nhằm thoả mãn cảm xúc cá nhân. Nhưng, hầu hết trong số đó đột ngột im lặng sau khi Bộ GD&ĐT có văn bản khẳng định những câu chuyện trôi nổi trên mạng trong thời gian gần đây không hề có trong sách giáo khoa và đề nghị cơ quan chức năng điều tra, xử lý những người thông tin sai sự thật.

Tin giả, hậu quả thật

Liên quan đến sách giáo khoa và Chương trình giáo dục phổ thông 2018, có một câu chuyện không muốn nhắc lại trong bài viết này nhưng cũng phải nhắc lại, bởi vì, mới đây, một nhà thơ chia sẻ lại bài viết của mình hai năm trước về câu chuyện “cờ Trung Quốc trong sách giáo khoa lớp 1”. Sự chia sẻ này đã làm chất xúc tác cho hàng trăm người “ào ào chửi bới”.

Giữa tháng 10.2021, trên trang cá nhân của một nhà thơ, nhà phê bình văn học đăng tải một thông tin gây “choáng” cho nhiều người. Theo thông tin trong bài viết của nhà thơ này, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 có in hình lá cờ của Trung Quốc. Kèm theo bài viết có ảnh của trang sách, trong đó có lá cờ màu đỏ, nhiều ngôi sao (dễ dàng nhận thấy đây là quốc kỳ của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa). Thông tin nêu trên được nhà thơ viết ngày 16.10 và chia sẻ trở lại trên trang cá nhân của mình vào ngày 20.11.2021 (Ngày Nhà giáo Việt Nam).

Sự thật, cuốn sách vẽ lá cờ của Trung Quốc không phải sách giáo khoa lớp 1 như nhà thơ kia viết. Cuốn sách này có cái tên “Bé làm quen với chữ cái” (hành trang cho bé vào lớp 1) của tác giả Nguyễn Thị Thuý Hà, sản phẩm do Nhà xuất bản ĐHSP xuất bản.

Trang sách có vẽ lá cờ Trung Quốc nằm trong bài học số 14. Cuốn sách này lưu hành một thời gian ngắn thì bị phát hiện có sai sót. Tại thời điểm đó (năm 2013), trả lời một số tờ báo, ông Đinh Văn Vang- Tổng Biên tập Nhà xuất bản ĐHSP, người chịu trách nhiệm về nội dung các đầu sách của NXB phát hành, nói như sau: “Chúng tôi tiếp nhận từ tác giả Nguyễn Thị Thuý Hà nội dung cuốn sách, gồm cả phần chữ và hình ảnh. Chúng tôi phát hiện trong một bài có vẽ cờ Trung Quốc và đã đề nghị sửa vì không phù hợp khi sử dụng cho đối tượng trẻ em Việt Nam. Hiện tại bản sách chúng tôi phát hành đã in cờ Việt Nam. Chúng tôi đang liên lạc với tác giả để làm rõ chuyện này. Nếu cuốn sách được in ra với bản có “cờ Trung Quốc” thì chắc chắn là bản in mạo danh Nhà xuất bản ĐHSP”.

Cũng tại thời điểm đó, tác giả cuốn sách, bà Nguyễn Thị Thuý Hà trả lời báo chí rằng, những cuốn sách “vẽ cờ Trung Quốc” chỉ là bản in thử được mang gửi ở một số nhà sách. Một tờ báo khác tường thuật: “Giám đốc Nhà xuất bản ĐHSP cho biết nhà xuất bản có lỗi khi chưa phát hiện ra đã cho xuất bản cuốn sách. Lỗi ở đây là do tác giả và đối tác liên kết (Công ty cổ phần in Dịch vụ văn hoá Sư phạm) không kiểm tra kỹ bản thảo trước khi in thử. Bản thảo này tiếp tục đưa về Nhà xuất bản ĐHSP để biên tập, đọc duyệt, tuy nhiên tại đây, người biên tập cũng không phát hiện ra những sai sót này. Trong khi đó, đối tác liên kết đã in thử một số để quảng cáo, tiếp thị, sau khi in thử mới phát hiện ra những sai sót trên và đã cho sửa chữa kịp thời trong bản in sau...”.

Cuối cùng, câu chuyện khép lại khi Nhà xuất bản ĐHSP yêu cầu tác giả Nguyễn Thị Thuý Hà thu hồi toàn bộ cuốn sách “in thử” có vẽ cờ Trung Quốc. Cuốn sách có sai sót trong bản in thử (thông tin đã dẫn) thuộc loại sách tham khảo, không phải sách giáo khoa dành cho lớp 1. Chính nhà thơ kia cũng có những nhận định quy chụp vô căn cứ khi viết: “Nước ta trong năm tháng này, sao lại để cho Trung Quốc khống chế nền giáo dục, khiến sách dạy Tiếng Việt phải in nhiều cờ Trung Quốc cắm trên cổng trường Việt Nam”. Không có quốc gia nào khống chế nền giáo dục Việt Nam cả. Vin vào một sai sót trong cuốn sách tham khảo rồi nói nước này nước nọ khống chế nền giáo dục Việt Nam, không những không đủ sức thuyết phục, ngược lại làm giảm giá trị bài viết cũng như độ tin cậy của bạn đọc dành cho người viết.

Khách quan, tôn trọng sự thật, kiểm chứng thông tin, tôn trọng đối tượng được phê bình là nguyên tắc tối thiểu khi phê bình người khác hoặc phê bình một sự việc nào đó. Ngành Giáo dục đã và đang bộc lộ không ít hạn chế, cần được góp ý, phê bình, nhưng không được lợi dụng đóng góp ý kiến để phá hoại.

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh