Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ngày 29.1, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức hội nghị tổng kết công tác lao động, người có công và xã hội năm 2017. Năm qua, ngành LĐ-TB&XH của tỉnh đạt nhiều kết quả đáng kể, tuy nhiên, những hạn chế, yếu kém vẫn chưa phải đã hết.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân trong buổi lễ bàn giao nhà tình nghĩa cho cựu chiến binh.
VẪN CÒN NGƯỜI CHẾT VÌ TAI NẠN LAO ĐỘNG
Theo báo cáo, năm 2017, Sở LĐ-TB&XH đã tích cực tham mưu Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành 3 nghị quyết, 10 quyết định và 1 kế hoạch giai đoạn 2017-2020 về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Trong công tác quản lý lao động và việc làm, năm vừa qua, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm cho người lao động. Số lao động có việc làm tăng thêm 18.185 người, đạt 107% kế hoạch năm (17.000 lao động). Trong năm đã tổ chức 13 phiên giao dịch việc làm, tư vấn việc làm và học nghề cho 27.800 lao động.
Về quan hệ lao động, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ tranh chấp lao động tập thể dẫn đến lãn công tại 5 công ty với 2.037 lao động tham gia (giảm 7 vụ so với năm 2016). Các vụ đình công được xác định là do người sử dụng lao động không thực hiện tốt những quy định của pháp luật lao động. Tất cả các cuộc đình công trên đều đã được hoà giải thành công. Liên quan đến vấn đề bảo hiểm thất nghiệp, Sở đã thẩm định và quyết định cho 15.022 người hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đối với vấn đề an toàn lao động, toàn tỉnh xảy ra 6 vụ tai nạn lao động tại 6 công ty làm 6 người chết (tăng 1 vụ và 1 người chết so với năm 2016). Về công tác đào tạo nghề, Trường cao đẳng nghề Tây Ninh, Trường trung cấp nghề khu vực Nam Tây Ninh, Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục tuyển sinh và đào tạo nghề theo kế hoạch.
Năm 2017, các cơ sở đào tạo nghề tuyển mới 5.946 người (trong đó, cao đẳng 288 người, trung cấp 1.622 người, sơ cấp 4.036 người). Tỷ lệ người tìm được việc làm sau khi học đạt 80%.
Thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, Sở LĐ-TB&XH và chính quyền các cấp thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ chính sách. Trong đó, chi trả trợ cấp thường xuyên cho 10.775 đối tượng, trợ cấp 1 lần cho 8.010 đối tượng, tổ chức điều dưỡng luân phiên cho 889 người có công với cách mạng tại Nha Trang và điều dưỡng tại gia đình 4.157 đối tượng.
Liên quan vấn đề giải quyết hồ sơ tồn đọng, hiện toàn tỉnh có 5 hồ sơ tồn đọng giải quyết theo quyết định của Bộ LĐ-TB&XH, trong đó có 2 hồ sơ liệt sĩ trình UBND tỉnh xem xét giải quyết theo quy định, 1 hồ sơ thương binh chuyển ngành Quân đội giải quyết, 1 trường hợp tự xin rút hồ sơ không đề nghị giải quyết và 1 trường hợp huyện đang khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
Về chăm sóc tinh thần, vật chất, Sở đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức trang trọng lễ truy điệu và an táng 266 hài cốt liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên; tổ chức lễ phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 24 mẹ; trao 31 Huân chương Độc lập cho thân nhân gia đình liệt sĩ.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, tỉnh Tây Ninh tổ chức đêm ca nhạc gây quỹ đền ơn đáp nghĩa với chủ đề “Tháng 7 tri ân”, vận động được hơn 17 tỷ đồng. Công tác quản lý các nghĩa trang liệt sĩ được thực hiện thường xuyên, tạo điều kiện cho các thân nhân liệt sĩ đến viếng thăm và di chuyển 71 hài cốt liệt sĩ, đồng thời đem 114 mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ đến Cục Người có công để giám định ADN.
XÂY HƠN 1.300 CĂN NHÀ ĐẠI ĐOÀN KẾT
Trên lĩnh vực xã hội, ngành tập trung thực hiện tốt các chương trình, dự án cho người nghèo, hộ nghèo. Cụ thể, đã hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ cận nghèo hơn 6 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải quyết cho 23.906 lượt hộ nghèo và hộ cận nghèo vay vốn.
Toàn tỉnh đã vận động hỗ trợ xây tặng 1.307 căn nhà đại đoàn kết, nhà nhân ái và sửa 285 căn nhà cho hộ nghèo; cấp 25.464 thẻ BHYT cho các đối tượng theo quy định. Hỗ trợ về giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện tốt các quy định miễn, giảm học phí, các khoản đóng góp đúng đối tượng.
Việc cấp học bổng, hỗ trợ dụng cụ học tập đối với học sinh là người dân tộc thiểu số đã góp phần tạo điều kiện để học sinh nghèo và học sinh người dân tộc thiểu số an tâm học tập. Năm qua, ngành Giáo dục đã thực hiện các chính sách giảm nghèo về giáo dục với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng. Dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, tỉnh đã hỗ trợ 12.418 hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn Trung ương và đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh đón tết.
Thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho hơn 30 ngàn đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội; cấp 28.444 thẻ BHYT cho đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng, số đối tượng phát sinh được cấp thẻ theo quy định.
Trong lĩnh vực bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, Sở đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới; triển khai 9 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 1.082 cộng tác viên và người dân về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ cho 41 các tỉnh, thành phố.
Công tác cai nghiện ma tuý, Sở trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma tuý đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; quyết định đổi tên Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội thành Cơ sở cai nghiện ma tuý. Hiện tại, Cơ sở cai nghiện ma tuý đang quản lý 515 học viên, trong đó, cai nghiện ma tuý bắt buộc 476 học viên, cai nghiện tự nguyện 4 học viên, người nghiện ma tuý không có nơi cư trú ổn định 35 học viên.
Kết quả hoạt động của các đơn vị trực thuộc, theo đánh giá của Sở, Trường cao đẳng nghề Tây Ninh, Trường trung cấp nghề khu vực Nam Tây Ninh tuyển sinh năm học 2017-2018 đạt chỉ tiêu đề ra, chất lượng đào tạo ngày càng nâng cao. Trung tâm Dịch vụ việc làm duy trì sàn giao dịch việc làm, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận thị trường lao động; công tác tư vấn việc làm, học nghề được tăng cường. Cơ sở cai nghiện ma tuý tiếp tục củng cố tổ chức và sửa chữa cơ sở vật chất để tiếp nhận người nghiện. Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị thực hiện tốt việc chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng, hỗ trợ dạy văn hoá, dạy nghề cho các cháu.
Đánh giá chung, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH nhìn nhận, ngoài những mặt đã thực hiện tốt, công tác lao động, người có công và xã hội cũng còn những hạn chế. Tỷ lệ giảm nghèo là 0,7%, không đạt so với chỉ tiêu đề ra (giảm 1%). Công tác cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Hoạt động của Tổ công tác cai nghiện ma tuý còn hình thức, không khả thi, khó thực hiện trên thực tế.
Cơ sở cai nghiện ma tuý đang quản lý người nghiện ma tuý không có nơi cư trú ổn định, phần lớn sử dụng ma tuý tổng hợp (ma tuý đá) và đang trong thời gian cắt cơn, giải độc nên tư tưởng chưa ổn định, khó quản lý. Tình hình trẻ em bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục còn xảy ra nhiều, gây bức xúc trong dư luận xã hội do tội phạm đa phần là lợi dụng sự thiếu quan tâm của gia đình các nạn nhân để gây án.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc trao danh hiệu lá cờ đầu cho đơn vị có thành tích xuất sắc.
NĂM 2018: TỶ LỆ HỘ NGHÈO GIẢM 0,5%
Năm 2018, Sở đề ra mục tiêu, giải quyết số lao động có việc làm tăng thêm trong năm 17.000 lao động; tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt 66%; đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt 3.540 người tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,5%; 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ và người có công; tiếp tục chăm sóc tốt hơn đối với các gia đình chính sách và những người có công với đất nước.
Thực hiện đầy đủ chế độ trợ cấp thường xuyên cho đối tượng xã hội tại cộng đồng và đối tượng nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở trợ giúp trẻ em, tạo điều kiện để các đối tượng vươn lên hoà nhập cộng đồng; bảo đảm cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc, tạo môi trường lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện; ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho rằng, lao động, việc làm, người có công và xã hội là một lĩnh vực rất rộng lớn, thực hiện không đơn giản. Ông Nguyễn Thanh Ngọc lưu ý Sở LĐ-TB&XH công tác đào tạo nghề còn nhiều bất cập, hạn chế, trong đó có hoạt động của Trung tâm Giáo dục thường xuyên (mới được bàn giao cho UBND các huyện, thành phố quản lý).
Một lần nữa, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Bến Cầu lại được đề cập đến như một “điển hình” của sự lãng phí, hiệu quả thấp. Về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, lãnh đạo tỉnh cho rằng, kết quả thu được chưa như trông đợi, nhất là công tác cai nghiện ma tuý. Theo lãnh đạo tỉnh, tệ nạn ma tuý không loại trừ ai, kể cả cán bộ, công chức, đoàn viên. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo ngành lưu ý vấn đề nợ đọng bảo hiểm xã hội, đây thực chất là ăn chặn quyền lợi của người lao động. Về quản lý người nghiện ma tuý, lãnh đạo tỉnh đề nghị ngành và UBND các cấp hết sức chú ý đến nhóm đối tượng này.
VIỆT ĐÔNG