Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Du lịch nông thôn:
Làm gì để khởi sắc
Thứ hai: 09:49 ngày 01/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những năm qua, du lịch Tây Ninh đã có những bước chuyển mình, lượng du khách ngày càng đông. Thế nhưng, tiềm năng du lịch nông thôn vẫn chưa được đánh thức.

Khách du lịch đến tham quan cách thức làm bánh tráng phơi sương tại làng nghề bánh tráng Lộc Du, thị trấn Trảng Bàng, huyện Trảng Bàng ít và không thường xuyên. Trong ảnh, một hộ tráng bánh ở làng nghề Lộc Du

CÒN MANH MÚN, NHỎ LẺ, TỰ PHÁT 

Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tây Ninh có khí hậu tương đối ôn hoà, chia làm 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Tổng lượng bức xạ dồi dào, nhiệt độ cao và ổn định. Tổng diện tích gieo trồng đạt trên 376 ngàn ha/năm, bao gồm trên 262 ngàn ha trồng cây hằng năm và 114 ngàn ha trồng cây lâu năm, hệ số quay vòng đất 2,8 lần/năm.

Nguồn nước mặt rất dồi dào, đặc biệt có hồ Dầu Tiếng với diện tích 27.000 ha, dung tích 1,5 tỷ m3, tưới cho hơn 48.000 ha đất canh tác và cung cấp nước cho công nghiệp và sinh hoạt. Nguồn nước ngầm khá lớn, tổng lưu lượng nước ngầm có thể khai thác được 50-100.000 m3/giờ; phân bố khá đều, chất lượng nước khá tốt cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Đây là những điều kiện thuận lợi để Tây Ninh tập trung phát triển ngành nông nghiệp gắn với phát triển du lịch.

Về lượng khách du lịch 6 tháng đầu năm 2019, Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, lượng khách lưu trú có 1.246.659 lượt, tăng 12,5% và đạt 42,5% so với kế hoạch; số lượng khách tham quan tại các khu, điểm du lịch đạt 2.213.622 lượt, tăng chỉ 1% nhưng đạt đến 71,4% so với kế hoạch. Tổng doanh thu du lịch trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 545 tỷ đồng, tăng 14,6% và đạt 50% so với kế hoạch.

Bên cạnh đó, Tây Ninh còn có nhiều di tích lịch sử văn hoá, cách mạng với 90 di tích được xếp hạng, trong đó gồm: 1 di tích quốc gia đặc biệt, 25 di tích quốc gia và 64 di tích cấp tỉnh; 4 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia (nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, lễ hội Kỳ yên đình Gia Lộc, múa trống Chhay-Dăm và nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng).

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch nông nghiệp ở Tây Ninh còn mang tính tự phát, manh mún hoặc chỉ mới triển khai mô hình thí điểm, số lượng khách du lịch tham gia loại hình này còn hạn chế. Du khách chỉ dừng lại ở mức độ tham quan với một số mô hình như: sản xuất tráng bánh tráng phơi sương; làng nghề mây tre, nứa; trồng và sản xuất trà; trồng rau sạch; vườn nho rừng...

Phần lớn sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, ăn uống, việc trải nghiệm của du khách cùng với nhà nông ở mức đơn giản, manh mún, nhỏ lẻ mà chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút cũng như tăng khả năng chi tiêu của du khách qua khai thác các dịch vụ bổ trợ khác. Do vậy, nhiều xã, vùng nông thôn có tiềm năng và ưu thế vẫn chưa tạo ra sản phẩm, khu, điểm du lịch nông nghiệp nổi trội, đặc sắc để thu hút du khách. 

Trong tổng số gần 3 triệu lượt khách đến Tây Ninh năm 2018, số lượng du khách đến với các làng nghề còn khá khiêm tốn, thường chỉ dừng chân khu vực huyện Gò Dầu, Trảng Bàng để thưởng thức các món ẩm thực như bánh canh, bánh tráng hoặc mua muối tôm chứ ít khi đi vào các làng nghề tham quan thật sự.

Anh Võ Văn Tiền, sinh năm 1973, ngụ khu phố Lộc Du, thị trấn huyện Trảng Bàng- một hộ dân làm nghề bánh tráng phơi sương lâu năm tại làng nghề Lộc Du chia sẻ, thời gian qua cũng có du khách đến tham quan cách thức làm bánh tráng của gia đình anh, có cả người nước ngoài. Tuy nhiên, lượng khách đến rất thất thường, có lúc do các tiệm bánh canh dẫn vào nhà anh tham quan, hoặc các công ty du lịch thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu.

Theo anh Tiền, lượng khách tham quan không nhiều, không thường xuyên nên anh cũng không nghĩ đến việc làm du lịch mà vẫn tập trung vào công việc làm bánh tráng để bỏ mối cho các tiệm bán bánh canh. Do đó, du khách đến, anh cho tham quan thoải mái rồi về. Hơn nữa, chưa qua lớp học nào về du lịch, anh cũng không biết nói gì với du khách ngoài việc giới thiệu các công đoạn làm bánh tráng.

Một địa điểm khác đang được nhiều người tìm đến tham quan là vườn nho ở xã Trường Đông, huyện Hoà Thành. Thực tế đây chỉ là một quán ăn gia đình kết hợp với vườn nho cho khách tham quan khi đến mùa nho chín. Ngoài thời điểm này ra, vườn không có thêm sản phẩm nào để giữ chân khách.

Chị Đặng Thị Ngọc Hà- chủ vườn cho biết, vào thời điểm nho chín, những ngày cuối tuần, lượng khách có khi lên đến 600-700 người/ngày, có cả khách ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Khách đến vườn tham quan, chụp ảnh miễn phí, nếu muốn mua nho, chị luôn hái để sẵn; khách có nhu cầu ăn uống, nhà vườn phục vụ ở quán bên ngoài.

Tương tự, vườn nho rừng tại xã Phan, huyện Dương Minh Châu thu hút khách đến tham quan và mua các sản phẩm làm từ nho vào mùa thu hoạch. Phần lớn thời gian còn lại vườn nho không thu hút được khách. Hay như các vườn trái cây sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, dâu… tại một số địa phương trong tỉnh cũng chỉ thu hút khách đến tham quan vào mùa trái cây chín.

Chị Đặng Thị Ngọc Hà- chủ vườn nho ở xã Trường Đông, huyện Hoà Thành.

CẦN SỰ HỖ TRỢ

Chị Đặng Thị Ngọc Hà cho biết, hiện nay tham quan của khách ngày càng đông, quán ăn chị xây dựng trước đây có diện tích khá nhỏ không đủ chỗ để phục vụ- nhất là những ngày đông khách. Dù chị rất muốn mở rộng quy mô vườn nho, cũng như điểm phục vụ khách sau khi tham quan nhưng do không có vốn nên chị vẫn còn phân vân, chưa mạnh dạn làm.

Chị cho biết thêm, sau khi vườn nho được nhiều người biết đến, chị nhận được nhiều cuộc điện thoại của khách ở các tỉnh, nhưng quy mô vườn chỉ có 1 ha, việc để nho có trái chín quanh năm cho khách tham quan là vấn đề khó khăn. Do đó, chị rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để có điều kiện phát triển vườn trở thành điểm tham quan du lịch.

Đối với du lịch làng nghề làm bánh tráng, như chia sẻ của anh Tiền, có những thời điểm, khách đến bất ngờ, anh không hề biết trước để tổ chức đón tiếp. Anh cũng không biết làm sao để giới thiệu cho khách về lịch sử làng nghề… vì vậy anh không dám nghĩ đến việc phát triển du lịch làng nghề.

Theo Sở VH,TT&DL, các tour du lịch làng nghề hiện nay chưa được nhiều doanh nghiệp lữ hành thiết kế, quảng bá đến du khách. Việc tham quan làng nghề được lồng ghép vào chương trình tour và cũng chỉ có một số ít điểm được du khách biết đến, đa số là những làng nghề nổi tiếng đã lâu. Do thiếu người thuyết minh có khả năng thoả mãn nhu cầu tìm hiểu của du khách nước ngoài, nên chỉ khi có yêu cầu, các doanh nghiệp lữ hành thiết kế kèm chương trình tham quan làng nghề vào hành trình tour nhằm tạo dấu ấn đối với du khách.

Bên cạnh đó, hoạt động ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh hầu hết mang tính tự phát, quy mô sản xuất nhỏ, mang tính chất hộ gia đình, chủ yếu là lao động thủ công, thiết bị công nghệ sản xuất cải tiến ít, thiếu vốn, thiếu tính liên kết và hợp tác trong sản xuất; sản phẩm hàng hoá ngành nghề nông thôn phần lớn chưa có nhãn hiệu, thương hiệu, chất lượng sản phẩm chưa ổn định, sức cạnh tranh các sản phẩm ngành nghề nông thôn với sản phẩm công nghiệp khác còn hạn chế; đồng thời các sản phẩm ngành nghề nông thôn chưa gắn với du lịch, còn hạn chế việc quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm... Và điều quan trọng, người dân làng nghề chưa nhận thức được giá trị của du lịch nên chưa tham gia nhiều, phong cách phục vụ thiếu chuyên nghiệp.

Được biết, để phát triển du lịch nông thôn, vừa qua, UBND tỉnh đã kiến nghị với Tổng cục Du lịch tăng cường phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện cho các địa phương học tập, chia sẻ kinh nghiệm các địa phương trong nước và quốc tế về phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững để áp dụng vào địa phương mình; tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị lữ hành và nhà cung cấp dịch vụ tư vấn bà con nông dân về định hướng phát triển sản phẩm, xu thế tiêu dùng, tạo thêm nhu cầu cho khách du lịch trải nghiệm… để đưa nông nghiệp thành sản phẩm du lịch; tham mưu Chính phủ có chính sách ưu đãi trong phát triển du lịch ở khu vực nông thôn. 

Để phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng “Đề án phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh”, chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng “Đề án phát triển cụm ngành du lịch tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2019-2021 và định hướng đến năm 2030”.

THẾ NHÂN

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục