Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Trong bất cứ nền kinh tế nào, ngành Cơ khí luôn được xem là ngành quan trọng và then chốt, vì đây là tiền đề thúc đẩy các ngành sản xuất khác cùng phát triển. Trong việc đẩy mạnh công cuộc CNH-HĐH đất nước, ngành Cơ khí càng trở nên quan trọng hơn với chức năng sửa chữa máy móc, tạo ra dây chuyền thiết bị cho các đơn vị sản xuất, các công trình xây dựng... Theo con số thống kê mới nhất của ngành chức năng, Tây Ninh có 2 công ty cổ phần Nhà nước, 15 doanh nghiệp tư nhân, một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và 680 cơ sở cá thể sản xuất cơ khí với đội ngũ công nhân ước tính gần 2.500 người.

|
Công nhân lao động tại xưởng cơ khí của Công ty TNHH Tân Ngọc Lực (ảnh Hoàng Anh).
DOANH NGHIỆP CÓ VỐN NHÀ NƯỚC GẶP KHÓ KHĂN
Trước hết xin được đề cập đến doanh nghiệp Nhà nước duy nhất trên địa bàn hoạt động ngành cơ khí, đó là Công ty TNHH MTV Cơ khí Tây Ninh- cánh chim đầu đàn của ngành cơ khí địa phương suốt ba mươi lăm năm qua. Hiện đơn vị thu hút gần 350 lao động kỹ thuật, trong đó có nhiều kỹ sư cơ khí.
Mặc dù đang khẩn trương triển khai công tác cổ phần hoá theo chủ trương của UBND tỉnh, nhưng Công ty TNHH Cơ khí Tây Ninh vẫn nỗ lực sản xuất, tăng trưởng kinh doanh. Chỉ riêng trong năm 2014, Công ty đã đạt doanh thu xuất khẩu là 156 tỷ đồng, còn tổng giá trị xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2015 đạt 47,3 tỷ đồng. Sản phẩm của Công ty được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Bắc Mỹ.
Tuy vậy, Ban lãnh đạo đơn vị vẫn còn nhiều trăn trở khi nhìn chặng đường trước mắt. Khác với nhiều doanh nghiệp có vốn Nhà nước khác, Công ty cơ khí không gặp khó khăn về vốn lưu động để kinh doanh, mà khó khăn về vốn đầu tư cho các trang thiết bị mới, hiện đại nhằm nâng cao năng lực sản xuất, tạo thế cạnh tranh trên thị trường.
Ông Lê Minh Khiển- Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty cho biết, Công ty đang thực hiện cổ phần hoá và gấp rút triển khai dự án di dời đến Trà Phí (phường Ninh Sơn, TP Tây Ninh) nên còn nhiều khó khăn trong việc đầu tư công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Điều mong mỏi duy nhất hiện nay là có đủ thời gian để công ty di dời toàn bộ nhà xưởng, không ảnh hưởng đến sản xuất.
DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN CŨNG KHÔNG NGOẠI LỆ
Khi đến thăm doanh nghiệp cơ khí Tư Hùng của ông Phạm Văn Hùng ở xã Tân Phú, huyện Tân Châu, chúng tôi thấy không khí sản xuất khá trầm lắng bởi đơn hằng ngày càng ít dần đi. Những năm trước kia, khi ông Tư Hùng ra sức cải tiến nhiều máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, bà con nông dân các huyện Tân Biên, Tân Châu và Châu Thành đến đặt hàng không ngớt.
Mới nhất là dàn phun thuốc đa năng do ông sản xuất, ra đời vào tháng 10.2014, vừa xịt thuốc trừ sâu, vừa có thể hút nước vào bồn chống ngập cho cây trồng, nhưng giá thành chỉ 40 triệu đồng/dàn, phù hợp với thu nhập của bà con nông dân trong tỉnh.
Với kinh nghiệm chuyên môn gần 20 năm, ông Phạm Văn Hùng vẫn luôn trăn trở tìm thị trường, tìm nguồn vốn ưu đãi cải tiến công nghệ với ước mơ đổi mới thiết bị, nông cụ cho bà con nông dân trong tỉnh thâm canh tăng vụ.
Theo ông, nếu Nhà nước tạo được nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp, đồng thời có biện pháp khắc phục tình trạng sao chép máy móc trái phép của ông sản xuất thì cơ sở này mới gượng dậy được.
Ông Võ Văn Lực- Giám đốc Công ty TNHH Tân Ngọc Lực ở phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh cũng có nhiều băn khoăn. Ông Lực tâm sự, nhiều năm trước doanh nghiệp rất mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất. Từ năm 2010 đến nay, doanh nghiệp đã đầu tư gần 15 tỷ đồng cho các thiết bị khá hiện đại như máy cắt tôn băng, máy hàn tự động, máy cắt thép tấm...
Nhưng chính sách đào tạo nguồn nhân lực, thu hút công nhân có tay nghề cao trong ngành Cơ khí vẫn còn nhiều bất cập. Đầu năm 2015, ông Lực kiến nghị Nhà nước cần có chương trình ưu đãi vốn, như chương trình khuyến công hay là Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp địa phương để tạo điều kiện cho ngành Cơ khí Tây Ninh nói chung có điều kiện để vươn lên.
Một trong những vấn đề cần đặt ra cho ngành Cơ khí tỉnh Tây Ninh hiện nay là tìm hướng phát triển và thị trường tiêu thụ cho các doanh nghiệp cơ khí trong tỉnh. Muốn đạt được mục tiêu đó phải có chính sách ưu đãi về tín dụng, tạo điều kiện thuận lơi cho các đơn vị ngành cơ khí đầu tư mở rộng quy mô, hiện đại hoá dây chuyền sản xuất.
Điều này cũng nhằm thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 18.6.2014 về tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2020. Nếu được ưu đãi về vốn với lãi suất thấp, có cơ chế ưu đãi về thuế, được đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao… thì ngành Cơ khí tỉnh nhà sẽ phát triển mạnh hơn.
H.MINH ĐỨC