Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Làm gì để ngành công nghiệp chế biến khoai mì phát triển bền vững ?
Thứ hai: 08:49 ngày 03/05/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những năm qua, trình trạng thiếu hụt nguyên liệu khoai mì để sản xuất là chuyện “thường ngày ở… tỉnh”, gây khó khăn cho ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ loại cây trồng này như tinh bột, mạch nha…

Tăng bo khoai mì thu hoạch ở đảo Nhím về bờ hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Ð.H.T

Nông dân phấn khởi, nhà máy cuống cuồng tìm nguyên liệu

Anh Bùi Công Ngọc (ngụ xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu)- một nông dân gắn bó nhiều năm với cây mì cho biết, hiện nay, năng suất khoai mì giảm vì bệnh khảm lá, nhưng nhiều người vẫn quyết định trồng do lợi nhuận ổn định hơn so với một số cây công nghiệp ngắn ngày khác.

Mặt khác, các nhà máy chế biến tinh bột khoai mì luôn trong tình trạng thiếu hụt nguyên liệu. Cũng vì lẽ này, không còn cảnh nông dân phải phụ thuộc vào nhà máy, lo ngại chuyện đo chữ bột, đánh giá tạp chất… Chỉ cần rẫy mì của người dân chuẩn bị thu hoạch là nhà máy đã cho người đến hỏi mua với giá cả cạnh tranh.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Nhà nước rất quan tâm đến việc đầu tư hệ thống kênh tiêu. Trước đây, một số nơi thường bị ngập úng vào mùa mưa, người trồng mì trên các khu vực này luôn trong tình cảnh “đánh cược với trời”.

Bây giờ, do có hệ thống kênh tiêu nên một số “điểm  đen ngập úng” trước đây như ấp Hội Thanh, Hội Thành (xã Tân Hội, huyện Tân Châu); các xã Phước Minh, Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu) không còn lo chuyện mưa ngập, bán mì non.

Theo anh Ngọc, thu hoạch mì đủ thời gian chăm sóc, chữ bột cao, trung bình mỗi héc-ta đạt khoảng 25 tấn. Giá hiện nay khoảng 3.200 đồng/kg, sau khi trừ ra chi phí chăm sóc mỗi héc-ta 20 triệu đồng,  nông dân lãi khoảng 30 triệu đồng/ha. Ðó là chưa kể những người có kinh nghiệm chăm sóc thâm canh, năng suất thu hoạch còn cao hơn nữa. Không còn cảnh ngập nước, nên việc đánh giá tạp chất của các nhà máy cũng không còn cao như trước.

Anh Ngô Văn Hải (ngụ xã Thành Long, huyện Châu Thành) cho biết, do giá mì ổn định, nông dân thoải mái lựa chọn nhà máy để tiêu thụ. Thậm chí, các “lò mì gấm” còn đến tận ruộng để lựa khoai mì to, mua với giá cao hơn giá thu mua của các nhà máy. Ðược giá, nên ngày càng nhiều nông dân chuyển sang trồng mì.

Nông dân phấn khởi bao nhiêu, nhà máy sản xuất tinh bột khoai mì lại lo âu bấy nhiêu, cuống cuồng tìm nguyên liệu chế biến. Trước đây, dù nguồn nguyên liệu trong tỉnh không đáp ứng đủ nhu cầu, nhưng các nhà máy không mấy quan tâm, “chăm bẵm” vào nguồn khoai mì nhập khẩu từ Campuchia.

Gần đây, nguồn nguyên liệu nhập khẩu ngày càng ít, nhà máy phải lặn lội tìm mua nguồn nguyên liệu ở các tỉnh lân cận, thậm chí lên tận Tây Nguyên, nhưng cũng chỉ đáp ứng khoảng 50% công suất hoạt động.

Nông dân trong tỉnh thu hoạch khoai mì.

Theo một doanh nghiệp sản xuất tinh bột khoai mì có công suất lớn nằm trên địa bàn xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên, nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Campuchia về mỗi ngày mỗi ít, nên nhà máy phải thu gom khoai mì. Khoảng 3 ngày mới đủ số lượng cho nhà máy hoạt động cầm chừng. Việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu dẫn đến các doanh nghiệp cạnh tranh, đưa giá khoai mì tươi lên cao, ảnh hưởng không ít đến hoạt động sản xuất.

Tuy nhiên, nếu không có giá cả cạnh tranh, doanh nghiệp không có nguyên liệu, nhất là thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 ở Campuchia diễn biến phức tạp, việc nhập khẩu khoai mì càng khó khăn hơn. Thời gian qua, doanh nghiệp đã phải cử nhân viên đến các tỉnh lân cận để thu mua khoai mì.

Khoảng 5 năm trước đây, không có doanh nghiệp sản xuất tinh bột khoai mì nào trong tỉnh có thể tưởng tượng được viễn cảnh phải cực khổ, cuống cuồng đi tìm nguồn nguyên liệu để duy trì hoạt động sản xuất như hiện nay.

Ðại diện một doanh nghiệp tại xã Trường Ðông, thị xã Hoà Thành cho biết, có không ít nhà máy ngưng hoạt động vì thiếu nguyên liệu, giá cả ngày càng cao. Doanh nghiệp này cũng đang hoạt động cầm chừng, chờ nông dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận thu hoạch mì vụ Ðông Xuân để thu mua nguyên liệu.

Doanh nghiệp cần gắn kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, tính đến ngày 9.4.2021, diện tích khoai mì còn trên đồng là 47.447,1 ha, trong đó, diện tích nhiễm bệnh khảm lá còn trên đồng là 40.976 ha, khó đáp ứng nổi nhu cầu về nguyên liệu của hàng chục nhà máy trong tỉnh.

Theo ông Nguyễn Ðình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh có 76 nhà máy chế biến tinh bột mì, nhưng hiện chỉ có 65 nhà máy hoạt động, phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Campuchia.

Riêng Tây Ninh cung cấp khoảng 50% nguyên liệu cho các nhà máy chế biến khoảng 1,8 triệu tấn củ mì tươi/ năm; tổng công suất hoạt động khoảng 5.527 tấn bột/ngày (50 công ty, doanh nghiệp và 15 cơ sở nhỏ); ước khối lượng khoai mì đưa vào chế biến năm 2020 khoảng 3.725.376 tấn. 

Ông Nguyễn Ðình Xuân nhận định, việc cầu vượt cung là do nhu cầu của ngành chế biến thực phẩm, các vật liệu dùng trong y tế, công nghiệp...; nhu cầu về nguyên liệu sản xuất cồn của các nước như Trung Quốc, Thái Lan... ngày càng tăng. Trước đây, dự báo được tình hình thiếu nguyên liệu, ngành NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh  hạn chế, không cho phép đầu tư phát triển các nhà máy mì mới và nâng công suất chế biến; chỉ cho phép nâng công suất các nhà máy chế biến sâu (bột biến tính). Thực tế thời gian qua cho thấy, đã có một số nhà máy mì phải đóng cửa khi quá phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Campuchia.

Nông dân xã Tân Lập, huyện Tân Biên thăm ruộng mì. Ảnh minh hoạ

Ðể ngành công nghiệp chế biến khoai mì phát triển bền vững, ngành NN&PTNT đề xuất, cần tiếp tục phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu công nghệ Hùng Lộc thử nghiệm các loại giống mới tại một số vùng đất của tỉnh, nhằm chọn ra các giống khoai mì mới phù hợp với điều kiện tự nhiên, cho năng suất cao và chất lượng củ tốt hơn đưa vào sản xuất đại trà.

Ðồng thời, thực hiện các giải pháp đồng bộ về giống, kỹ thuật thâm canh, xây dựng một số mô hình canh tác cây khoai mì đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao, bền vững, giới thiệu cho bà con nông dân Tây Ninh triển khai thực hiện. Áp dụng kỹ thuật canh tác cây khoai mì bền vững vào sản xuất; trồng xen, luân canh mì với các cây họ đậu (đậu phộng, đậu xanh...), tăng cường hướng dẫn nông dân sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh nhằm cải tạo đất, tạo điều kiện cho cây mì phát triển tốt, tăng khả năng đề kháng cho cây khoai mì.

Ðiều quan trọng là các nhà máy chế biến cần gắn kết với nông dân, có chính sách đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông nội đồng, vận chuyển...). Ðồng thời thực hiện tốt việc xử lý ô nhiễm môi trường do nhà máy thải ra; chú trọng đầu tư công nghệ chế biến sâu sau tinh bột để sản xuất ethanol; giảm và tiến tới không xuất khẩu mì lát (mì thô) ra thị trường.

Hạn chế cấp phép đầu tư nhà máy chế biến tinh bột; bảo đảm quy mô phù hợp với khả năng phát triển nguyên liệu; khuyến khích các nhà máy ứng dụng và chuyển đổi thiết bị, công nghệ chế biến các loại sản phẩm chế biến tinh bột, phụ phẩm chế biến mì, đáp ứng nhu cầu trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu; tận dụng triệt để các phụ phẩm nhằm giảm giá thành sản xuất.

Thế Nhân

Tại Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống bệnh khảm lá mì trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2021 do Sở NN&PTNT Gia Lai và Cục BVTV tổ chức mới đây, Tiến sĩ Vũ Văn Khuê- Phó Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ cho biết, có thể nhân 2 giống mì HN3 và HN5 đang được trồng phổ biến hiện nay để đẩy mạnh mở rộng sản xuất, bởi 2 giống mì này có khả năng kháng bệnh khảm lá tốt, năng suất và hàm lượng tinh bột tương đương với giống KM140 và KM419.

2 giống mì này đã được trồng trên đồng ruộng, nơi có áp lực bệnh rất cao như Tây Ninh và phát triển tốt, khẳng định được khả năng kháng bệnh khảm lá.

Theo số liệu của Chi cục Hải quan cửa khẩu Xa Mát, trong quý I/2021, số lượng khoai mì tươi nhập khẩu từ Campuchia qua cửa khẩu này là 482.500 tấn; khoai mì lát khô là 488.500 tấn.

 

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh