Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Lược ghi Hội thảo quốc tế về du lịch:
Làm gì để Tây Ninh có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới ?
Thứ tư: 05:55 ngày 02/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tiến sĩ Huỳnh Thế Du cho rằng, Tây Ninh là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Tuy phát triển sau, có phần chậm so với một số tỉnh khác, nhưng Tây Ninh có lợi thế của “kẻ đi sau”. Để du lịch phát triển, Tây Ninh phải nghĩ khác và làm khác, không nên đi theo lối mòn và phải khắc phục cho được vấn đề giao thông.

Thành phố Tây Ninh nhìn từ trên cao. Ảnh: Dương Vĩnh Tuyên

Sáng ngày 31.7, UBND tỉnh tổ chức cuộc hội thảo quốc tế với chủ đề: “Du lịch Tây Ninh - tiềm năng - lợi thế - cơ hội phát triển”. Tham dự hội thảo, ngoài các vị lãnh đạo đại diện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tỉnh uỷ, UBND, HĐND tỉnh còn có nhiều diễn giả, chuyên gia, nhà quản lý về du lịch cả trong và ngoài nước.

Là diễn giả được mời phát biểu đầu tiên, tiến sĩ Huỳnh Thế Du cho rằng, Tây Ninh là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Tuy phát triển sau, có phần chậm so với một số tỉnh khác, nhưng Tây Ninh có lợi thế của “kẻ đi sau”. Để du lịch phát triển, Tây Ninh phải nghĩ khác và làm khác, không nên đi theo lối mòn và phải khắc phục cho được vấn đề giao thông.

Người thứ hai phát biểu tại hội thảo là ông Nguyễn Hữu Thọ- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Ông Thọ gợi ý, có 9 sản phẩm du lịch Tây Ninh cần làm gồm: thành phố xanh, Toà thánh Cao Đài, vườn dược thảo, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tâm linh, nông nghiệp công nghệ cao, văn hoá ẩm thực địa phương, du lịch sinh thái hồ Dầu Tiếng, làng nghề và thành phố sáng tạo.

Theo ông Thọ, không nên xem núi Bà Đen là trung tâm du lịch mà là một điểm nhấn về du lịch của tỉnh. Tây Ninh cần xem Toà thánh Cao Đài như một công trình văn hoá khác biệt với cả thế giới.

Theo khuyến cáo của ông Thọ, Tây Ninh nên hạn chế xây khách sạn từ 3 sao trở xuống, thay vào đó, tập trung xây khách sạn 4 đến 5 sao, vì nếu xây nhiều khách sạn thuộc loại bình dân, đến một lúc nào đó, quỹ đất sẽ cạn kiệt giống như tình trạng của khu du lịch Mũi Né ở miền Trung.

Tiến sĩ Bùi Thành Đông- Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình nhận xét, Tây Ninh và Ninh Bình có nhiều điểm tương đồng, trong đó có lĩnh vực tôn giáo. Tây Ninh có Toà thánh Cao Đài thì Ninh Bình có nhà thờ Phát Diệm. Ông Đông chia sẻ những kinh nghiệm để phát triển du lịch của tỉnh mình.

Theo đó, năm 2001, du lịch Ninh Bình gần như không có gì, năm 2002, chính Ninh Bình đã vào Tây Ninh học hỏi cách làm du lịch. Thế nhưng chỉ 10 năm sau, Ninh Bình đã trở thành một tỉnh phát triển mạnh về du lịch. Khu sinh thái Tràng An đã được công nhận là di sản văn hoá. Một trong những nguyên nhân của sự phát triển nói trên là thu hút được nhà đầu tư lớn- Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường.

Doanh nghiệp này đã đầu tư gần 10 ngàn tỷ đồng để biến cánh đồng hoang Tràng An thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn. Bảy tháng đầu năm 2017, Ninh Bình đón gần 6 triệu lượt khách du lịch. Để quảng bá về du lịch, Ninh Bình đã cùng doanh nghiệp chi 7 tỷ đồng quảng cáo trên kênh truyền hình nổi tiếng CNN. Ninh Bình cũng là địa phương được chọn để quay một số cảnh trong bộ phim bom tấn - “Kong - đảo đầu lâu”.

“Núi Bà Đen có thể phát triển du lịch tâm linh nhưng nếu chỉ có tâm linh thì không có tiền. Chùa Bái Đính của Ninh Bình trước đây cũng như vậy. Nhưng doanh nghiệp đã đầu tư vào đây rất lớn, rất kỳ công và hiện đang thu hút lượng du khách cực lớn”- ông Đông cho biết.

“Bí quyết” để du lịch Ninh Bình cất cánh được ông đúc kết: “Lòng dân ủng hộ, Đảng bộ quyết tâm, phương châm cụ thể, cơ chế rõ ràng”.

Đến từ tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc), ông Hansang Hyub, Giám đốc điều hành Cục Xúc tiến du lịch đã giới thiệu chiến lược marketing về du lịch của tỉnh mình.

Là một địa phương giáp biên giới, tỉnh Gyeonggi đã biến khu phi quân sự Bàn Môn Điếm (nhìn từ phía Hàn Quốc) thành một khu du lịch nổi tiếng. Năm 2016, khu này đón hơn 10 triệu lượt khách.

Ông Hansang Hyub chia sẻ nhiều kinh nghiệm phát triển du lịch, trong đó tập trung làm ra nhiều sản phẩm để phục vụ du khách. Ngay cả các hang động cũng được cải tạo để làm nơi tổ chức lễ hội.

Tỉnh Gyeonggi đã tập trung tiếp cận thị trường bằng cách mời các đoàn làm phim về dựng các bộ phim truyện đặc sắc. Sau khi phim phát sóng, lượng du khách đến đây tăng lên hẳn. Trong hai năm 2015 - 2016, địa phương này đã kết hợp với Đài Truyền hình Việt Nam để quảng bá hình ảnh.

Kết quả, lượng khách Việt Nam đến Gyeonggi tham quan lên đến hàng chục ngàn. Để thu hút du khách, cơ quan phát triển du lịch tỉnh Gyeonggi thường xuyên có chính sách giảm giá đối với du khách. Các doanh nghiệp du lịch tổng hợp, theo dõi nhu cầu mua sắm của du khách.

Từ đó, công ty làm du lịch sẽ xây dựng, phát triển sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của du khách. Nhiều công ty kinh doanh dịch vụ du lịch của tỉnh này đã theo dõi đặc điểm, nhu cầu của du khách Việt Nam và không ngừng làm hài lòng họ.

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, tỉnh Gyeonggi sẽ đặt văn phòng chuyên trách phát triển du lịch của tỉnh này ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Văn phòng này sẽ không dùng người Hàn Quốc mà dùng chính người bản địa để phục vụ cho sự phát triển du lịch.

Cũng theo ông Hansang Hyub, muốn phát triển du lịch, giao thông cần được ưu tiên. Tại Hàn Quốc, hệ thống giao thông phát triển cả đường bộ và tàu điện ngầm, du khách di chuyển đến các khu du lịch rất tiện lợi.

Ông Hansang Hyub: Phải biết tiếp cận thị trường và làm hài lòng du khách.

Bà Corinne Catherine Bourgoin- Chủ tịch Công ty Scazma, một doanh nghiệp chuyên phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp của Cộng hoà Pháp nhận xét, những con số về du lịch Tây Ninh chưa phải là cao; Tây Ninh có nhiều cảnh quan đẹp có thể phát triển du lịch sinh thái, gắn liền với thiên nhiên.

Phát triển du lịch phải có hướng đi phù hợp với thời đại, trong đó có ý thức giữ gìn nông thôn và tính hoang dã, nguyên sơ của thiên nhiên. Đặc biệt, không nên bê tông hoá mọi thứ, vì điều này sẽ rất xấu. Bà cũng khuyến nghị không nên dùng quá nhiều vật liệu gỗ khi xây dựng các cơ sở du lịch, vì làm như vậy là không góp phần bảo vệ môi trường.

Có mặt tại hội thảo, ông Huỳnh Vĩnh Ái- Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nêu rằng, trong số những ý kiến phát biểu đóng góp, lãnh đạo Tây Ninh cần đưa lên bàn cân, lựa chọn kỹ để tìm hướng phát triển.

Trong quá trình kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào du lịch, giữa địa phương và nhà đầu tư cần có mối quan hệ sòng phẳng, đôi bên cùng có lợi. Ông cũng đề nghị Tây Ninh học theo Ninh Bình về cách làm du lịch và đào tạo nhân lực cho ngành này. Mặt khác, cần tạo ra sự liên kết giữa các tỉnh, thành phố để phát triển du lịch, vì hiện nay, sự liên kết giữa các địa phương còn hạn chế.

Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận về một số vấn đề của ngành du lịch Tây Ninh, trong đó tập trung vấn đề đào tạo nhân lực.

Theo tiến sĩ Mike Turner, quyền Trưởng Khoa quản lý khách sạn và du lịch Trường cao đẳng Broward College Vietnam, chất lượng nguồn nhân lực trong ngành du lịch phải được thể hiện cụ thể bằng khả năng nói tiếng Anh.

Ngôn ngữ đóng vai trò then chốt trong thành công của ngành du lịch, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến phương thức tiếp thị với du khách. Ngoại ngữ có thể giúp khai thác tối đa tiềm năng của ngành du lịch vì giao tiếp thuận lợi, thân thiện, thoải mái với du khách và đặc biệt tăng cơ hội quảng cáo truyền miệng. Nhiều nước trên thế giới đã nhận ra lợi thế ngoại ngữ trong ngành du lịch và đã chuẩn bị công phu, bài bản, biên soạn các bộ quy tắc để phục vụ cho từng nhóm du khách.

Làm thế nào để giữ chân du khách? Tiến sĩ Mike Turner dẫn chứng: tại nước Úc, từng có một địa điểm du lịch chỉ là điểm trung chuyển, tức khách chỉ đi qua mà không ở lại. Chính quyền vùng này đã cho xây một sở thú, phát triển nhiều dịch vụ kèm theo và họ đã thành công trong việc giữ chân du khách. Để phát triển du lịch thành công, có nhiều yếu tố, nhưng vai trò của lãnh đạo địa phương cực kỳ quan trọng.

Tiếp tục phát biểu, ông Bùi Thành Đông cho rằng, đào tạo ngoại ngữ là rất cần thiết nhưng đừng quên khách nội địa; phục vụ đối tượng này cần chuyên nghiệp hoá đội ngũ làm du lịch, trong đó đào tạo nghề là một việc cần thiết.

Theo quan điểm của tiến sĩ Huỳnh Thế Du, chính sách phát triển cần nhất quán, vì nhà đầu tư không thể bỏ ra cả ngàn tỷ đồng để đầu tư ngắn hạn. Ông đề nghị cần mạnh dạn trong việc dùng người theo tinh thần “người nào thổi sáo tốt nhất sẽ được trao cây sáo tốt nhất”, nói khác đi, người tài cần được trọng dụng.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Thọ, không nên quá lo lắng về vấn đề ngoại ngữ, vì nhà đầu tư sẽ biết họ cần phải làm gì, kể cả nhân lực họ cũng có thể tự đào tạo. Vấn đề đặt ra cho lãnh đạo tỉnh là chiến lược phát triển dài hạn cho 20 - 30 năm tới.

Trong phần phát biểu của mình, Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang cung cấp thông tin: đã gần như chắc chắn Tập đoàn Sun Group sẽ đầu tư ở Tây Ninh. Vấn đề đặt ra lúc này là khả năng ngoại ngữ của đội ngũ làm công tác phát triển du lịch, đây là một điểm yếu của ngành du lịch Tây Ninh hiện nay.

Trả lời câu hỏi của đại diện Đà Nẵng về quảng bá hình ảnh, ông thẳng thắn thừa nhận hoạt động này hãy còn manh mún, sau hội thảo, công tác quảng bá hình ảnh sẽ được chuẩn bị bài bản hơn.

Trước đó, phát biểu mở đầu tại phiên làm việc buổi sáng, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân khẳng định: Tây Ninh có tiềm năng về du lịch nhưng những gì đang có chưa tương xứng. Xác định du lịch sẽ là một hướng đi chính để phát triển kinh tế, Chủ tịch UBND tỉnh cam kết tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư.

VIỆT ĐÔNG

(lược ghi)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh