BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn:

Làm gì để tháo gỡ ? 

Cập nhật ngày: 10/07/2019 - 07:06

BTN - Một câu hỏi đặt ra là, các sở, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp làm gì để giải quyết những nảy sinh ở các Trung tâm? Chuyện sáp nhập các Trung tâm có lẽ phải tính đến. Vì số học sinh bổ túc văn hoá ngày càng ít, trong khi chức năng dạy nghề, Trung tâm gần như không thể thực hiện.

Trường mầm non án ngữ trước mặt Trung tâm GDNN-GDTX Bến Cầu.

Năm 2017, theo quyết định của các bộ, ngành ở Trung ương, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có hai thay đổi cơ bản, gồm thêm chức năng giáo dục nghề nghiệp và trực thuộc sự quản lý của UBND huyện, thành phố. Báo Tây Ninh ra ngày 5.7 có đăng bài về tình hình đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp của một số trung tâm.

Bài báo vẫn chưa nêu hết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ của các Trung tâm. Vì thế, số báo này cung cấp thêm một số thông tin, những vấn đề đặt ra đối với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Thành phố Tây Ninh: Không mở được lớp nghề nào

Lãnh đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (gọi tắt là Trung tâm) TP. Tây Ninh cho biết, trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm phối hợp với Phòng Lao động -  Thương binh và Xã hội Thành phố để phân lớp dạy nghề. Tuy nhiên, trong năm học 2018-2019 không mở được lớp nào. Trung tâm có phối hợp với các Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Học tập cộng đồng cùng chính quyền địa phương khu phố 4, phường 2 để điều tra nhu cầu người học, mở lớp dạy nghề ngắn hạn, nhưng trong năm học 2018-2019 cũng không mở được lớp nào.

Công tác dạy ngoại ngữ, tin học và liên kết đào tạo, Trung tâm phối hợp với Trường đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh mở được 1 lớp ôn thi ứng dụng tin học căn bản cho học viên trong và ngoài trung tâm. Về  liên kết đào tạo, Trung tâm liên kết với Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh chiêu sinh các lớp vừa làm - vừa học  cho học sinh trường nghề. Sau 3 năm, các em được tốt nghiệp 2 bằng (bằng tốt nghiệp nghề và tốt nghiệp THPT quốc gia).

“Trung tâm tạo điều kiện cho giáo viên khai thác, sử dụng tối đa các thiết bị được cấp để dạy các môn văn hoá, kể cả các thiết bị cấp cho dạy nghề lao động nông thôn nhưng có thể sử dụng cho các bộ môn văn hoá khác như Lý, Hoá, Sinh… Trung tâm thường xuyên kiểm tra, vệ sinh và bảo quản thiết bị hiện có nhằm phát huy tối đa việc sử dụng trang thiết bị và tài sản của trung tâm. Trong số trang thiết bị dạy nghề cho lao động nông thôn được Sở GD-ĐT trang bị, trung tâm sử dụng được thiết bị thuộc nhóm danh mục thiết bị dạy nghề điện dân dụng”- lãnh đạo Trung tâm nói về đầu tư và hiệu quả sử dụng các trang thiết bị.

Nói về các vướng mắc, lãnh đạo đơn vị này cho biết, hiện nay, Trung tâm hoạt động theo mô hình quản lý mới trong khi chưa có các văn bản hướng dẫn mang tính chuyên ngành, nên trong hoạt động đôi lúc còn bị động, khó khăn. Cơ sở vật chất của Trung tâm chưa được đầu tư, các phòng dạy học đều xuống cấp, Trung tâm lại hoạt động 3 ca/ngày và cả thứ bảy, phòng ốc thiếu.

Các danh mục trang thiết bị dạy nghề cho lao động nông thôn đã lạc hậu, không còn phù hợp với việc giảng dạy các nghề hiện nay. Đội ngũ giáo viên chủ yếu dạy văn hoá. Đội ngũ giáo viên dạy nghề lao động nông thôn không có nên phụ thuộc vào giáo viên thỉnh giảng, ảnh hưởng đến công tác, đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt không chủ động được trong kế hoạch đào tạo.

Mặc dù mảng dạy nghề không lấy gì làm sáng sủa, nhưng so với nhiều đơn vị khác trong lĩnh vực dạy văn hoá bổ túc, Trung tâm của TP. Tây Ninh có nhiều người theo học. Thống kê của Trung tâm cho thấy, số lượng người học hằng năm luôn ổn định từ 420 đến 450 người. Năm học 2018-2019, số người theo học môn văn hoá tăng gần 30. Do được xây dựng đã hơn 40 năm, hiện nay, cơ sở vật chất của Trung tâm xuống cấp, chật chội. Lãnh đạo Trung tâm kiến nghị cấp có thẩm quyền đầu tư xây dựng cơ sở mới để đáp ứng nhu cầu người học và hoạt động trung tâm đạt hiệu quả cao hơn.       

Có dấu hiệu lãng phí

Nhìn nhận theo tình hình chung, các Trung tâm đang gặp nhiều khó khăn, nói đúng hơn là thách thức về sự tồn tại và phát triển. Sau khi chuyển giao từ Sở GD-ĐT về UBND huyện, thành phố, có vẻ như bất cập nảy sinh nhiều hơn.

Lãnh đạo Trung tâm của huyện Gò Dầu nêu: “Trung tâm có chức năng nhiệm vụ đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực, nhiều chương trình nhưng đội ngũ còn bất cập về trình độ, chưa đáp ứng được tình hình mới”. Đại diện đơn vị này kiến nghị, các cấp lãnh đạo cần quan tâm hơn về sự phát triển GD-ĐT ở các Trung tâm GDNN-GDTX, đặc biệt mảng hướng nghiệp, dạy nghề, chuyển giao công nghệ. Cần tạo ra sự bình đẳng giữa loại hình trường phổ thông và trung tâm GDNN-GDTX. Sở GD-ĐT có kế hoạch điều phối cán bộ, giáo viên giữa các trường phổ thông và các trung tâm GDNN-GDTX.

Tại Trung tâm của huyện Châu Thành, ngoài những thông tin đã nêu trong số báo ra ngày 5.7, có một số nội dung rất đáng chú ý. Cũng như nhiều Trung tâm khác, tại Châu Thành, việc tuyển sinh đầu vào lớp 10 đã và đang ngày càng khó. “Do hai trường gần nhau nên công tác chiêu sinh gặp nhiều khó khăn, số học sinh dôi ra sau khi các trường THPT xét tuyển là quá ít.

Song song đó, các em còn có xu hướng nghỉ học phụ gia đình hoặc đi làm thuê hoặc đi tìm việc làm từ các khu, cụm công nghiệp để có thu nhập trang trải cuộc sống, vì thế đầu vào lớp 10 của Trung tâm còn rất ít học sinh”- lãnh đạo đơn vị này nêu thực trạng tình hình tuyển sinh các lớp bổ túc văn hoá. Tuy thế, đại diện đơn vị kiến nghị các cấp có thẩm quyền: “Sớm thực hiện dự án xây mới Trung tâm nhằm đáp ứng đủ điều kiện phục vụ tốt trong công tác quản lý và giảng dạy”.

Một trung tâm- bốn cơ quan chủ quản

“Từ tháng 8.2017 trở về trước, Trung tâm giáo dục thường xuyên do Sở GD-ĐT quản lý. Tháng 9.2017, UBND tỉnh ban hành quyết định chuyển đổi Trung tâm giáo dục thường xuyên thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên do UBND huyện quản lý về cơ sở vật chất, tổ chức và bộ máy.

Sở GD-ĐT quản lý về giáo dục thường xuyên.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Sở Giao thông - Vận tải quản lý về ngành nghề giao thông, trong dó có dạy nghề lái xe ô tô”.

(Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH nói về tình hình quản lý nhà nước đối với Trung tâm GDNN-GDTX).

Vấn đề đặt ra ở Trung tâm thuộc huyện Châu Thành là, tại sao việc chiêu sinh ngày càng khó, số học sinh không nhiều nhưng lại đề nghị xây mới? Ban đầu, Trung tâm này được xây dựng với một cơ ngơi vô cùng bề thế. Sau khi đi vào hoạt động một thời gian, Trung tâm hoạt động không hết “công suất thiết kế”, dấu hiệu lãng phí hiện rõ.

Trong khi đó, Trường THPT Châu Thành cơ sở vật chất cũ kỹ, chật chội, cần được xây mới. Một trong những điều cần quan tâm là quỹ đất để xây mới Trường THPT Châu Thành. Trong khi bài toán chưa giải được thì một phương án mới xuất hiện: chuyển Trường THPT Châu Thành về sử dụng cơ sở vật chất của Trung tâm GDNN-GDTX.

Nhất cử lưỡng tiện, phương án này vừa hạn chế sự lãng phí lại vừa không phải tìm đất xây trường mới. Sau khi chuyển về, phần lớn cơ sở vật chất của Trung tâm được giao cho Trường THPT Châu Thành sử dụng. Điều này giải thích vì sao hiện nay, xét về cơ sở vật chất, phòng học, Trung tâm có một số khó khăn, bất cập.

“Tháng 11.2014, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, Trung tâm chia cơ sở vật chất, tài sản cho Trường THPT Châu Thành, gồm một dãy 12 phòng học (1 trệt, 2 lầu), dãy hành chính (1 trệt, 2 lầu), nhà xe giáo viên, học sinh, sân cột cờ, hệ thống điện nước, hệ thống  phòng cháy chữa cháy...

Do vậy, hiện tại, Trung tâm không có phòng học đúng quy cách. Phòng làm việc của ban giám đốc, các tổ, các bộ phận cũng không có, phải tận dụng các phòng chức năng, xưởng thực hành, phòng kho để tổ chức bộ máy làm việc và duy trì công tác giảng dạy theo chức năng của đơn vị”- lãnh đạo Trung tâm nêu. Câu hỏi đặt ra, có nên xây mới Trung tâm GDNN-GDTX huyện Châu Thành hay không?

Tại huyện Trảng Bàng, lãnh đạo Trung tâm cho biết, sau khi bàn giao về cho UBND huyện quản lý, ngoài những thuận lợi, không phải không có những khó khăn bất cập. Theo đại diện đơn vị này, trong công tác thi đua, tất cả giáo viên tại trung tâm chủ yếu dạy cấp THPT, do đó việc xét sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên Trung tâm để phục vụ cho xét chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên gặp khó khăn.

Bởi lẽ, Trung tâm là đơn vị duy nhất dạy cấp THPT do huyện trực tiếp quản lý. Việc tuyển dụng bổ sung giáo viên cấp trung học phổ thông khó thực hiện vì huyện trước đây chỉ tuyển cấp trung học cơ sở. Từ thực tế đó, đại diện Trung tâm kiến nghị giao việc xét thi đua đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên cho Sở Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời giao Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiệm vụ tuyển giáo viên dạy văn hoá và dạy nghề cho các Trung tâm GDNN- GDTX cấp huyện.

Còn tại Bến Cầu, Trung tâm GDNN-GDTX cũng có những vấn đề không thể không quan tâm. Trong khi các lớp nghề không mở được (ngoại trừ một số lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hợp đồng), Trung tâm có rất ít học sinh theo học bổ túc văn hoá. Năm học 2018-2019, tổng số học sinh của Trung tâm chưa quá 20 em, còn số cán bộ, giáo viên, nhân viên là 13 người.

Năm học 2019-2020, Trung tâm cũng được giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 nhưng chưa biết có tuyển được hay không. Trong khi đó, do liên quan đến xây dựng xã nông thôn mới, huyện Bến Cầu quyết định xây trong khuôn viên của Trung tâm một trường mầm non. Phía sau của Trung tâm có một Trung tâm Văn hoá - Thể thao - Học tập cộng đồng. Xét về kinh tế, việc xây dựng trường mầm non trong khuôn viên của Trung tâm tiết kiệm được tiền mua đất hoặc không phải tìm quỹ đất nhưng về kiến trúc, không lấy gì làm đẹp mắt.

Một câu hỏi đặt ra là, các sở, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp làm gì để giải quyết những nảy sinh ở các Trung tâm? Chuyện sáp nhập các Trung tâm có lẽ phải tính đến. Vì số học sinh bổ túc văn hoá ngày càng ít, trong khi chức năng dạy nghề, Trung tâm gần như không thể thực hiện.

VIỆT ĐÔNG

Tin liên quan
  • Ít người học nghề 

    Ít người học nghề

    Mặc dù đã có chuyển đổi, bổ sung chức năng nhiệm vụ (từ chỉ dạy bổ túc văn hoá nay thêm chức năng đào tạo nghề), nhưng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên vẫn kém sức hút đối với người học.