Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO)- Kiên trì, bền bỉ, ham học hỏi và đầy sáng tạo là những nét chính để nói về ông Đặng Văn Hùng (SN 1945, ngụ ấp Thanh Xuân, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên), một gương nông dân điển hình về sản xuất giỏi và nhiệt tình làm công tác từ thiện.

Khởi nghiệp trong gian khó
Là một quân nhân, khi xuất ngũ vào năm 1990, vợ chồng ông Hai Hùng (tên thường gọi của ông Đặng Văn Hùng) khăn gói từ huyện Trảng Bàng về vùng đất mới ở xã Mỏ Công, huyện Tân Biên để lập nghiệp.
Với hai bàn tay trắng, sự nghiệp của ông được bắt đầu khi ông phát hiện ra rằng khu vực này đất đai phì nhiêu phù hợp với nhiều loại cây trồng chủ lực của tỉnh như mì, mía, cao su…
![]() |
Ông Đặng Văn Hùng. |
Để làm ăn thì phải có tiền, nhưng lúc này vốn của vợ chồng ông Hai Hùng là con số 0 tròn trĩnh. Vậy nhưng ông vẫn quyết tâm thuê đất của Công ty 22/12 thuộc Tỉnh đội Tây Ninh để trồng mía, mì nhằm cải thiện cuộc sống. Chọn cây mía làm cây kinh tế chủ lực, ông Hùng tiến hành dọn dẹp đất, cày xới để thực hiện ước mơ đổi đời.
Thời gian đầu là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn trong lao động do vừa làm vừa học hỏi, nhưng với bản lĩnh của người lính, ông đã vượt qua mọi gian nan thử thách.
Vào thời điểm này, nhà máy đường Bourbon ra đời nên ông mạnh dạn ký hợp đồng vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp để hiện thực hóa giấc mơ đổi đời từ sản xuất nông nghiệp.
Cần cù, chịu khó và ham học hỏi, ông Hùng đã dần tiếp cận với những kỹ thuật trồng trọt mới để nâng cao hiệu quả trong việc chăm sóc cây mía, từ đó việc làm ăn của ông dần được phát triển, bước đầu đem lại thu nhập cho gia đình.
Đầu năm 1999, vì một số lý do nên ông trả đất lại cho Công ty 22/12. Mặt khác, thời điểm này giá mía không ổn định, bất lợi cho người trồng cũng đã làm kinh tế của gia đình ông Hai Hùng có nguy cơ trở về thời điểm xuất phát.
Một lần nữa, bản lĩnh của người lính giúp ông tiếp tục bám trụ, chuyển đổi mô hình trồng trọt, đầu tư chuyên canh các loại cây ngắn ngày như mía, mì sang trồng cao su bằng cách vay vốn của ngân hàng.
“Tôi đã xác định là sẽ đeo đuổi đến cùng, sẽ làm nên sự nghiệp từ sản xuất nông nghiệp trên mảnh đất quê hương này. Giá mía rẻ thì mình tăng lợi nhuận bằng cách áp dụng nhiều giải pháp, kinh nghiệm, giảm giá thành, tăng năng suất.p
Đồng thời, bên cạnh trồng mía sẽ nghiên cứu trồng thêm cây khác có giá trị kinh tế ổn định, lâu dài, như cây cao su. Hiệu quả kinh tế mang lại sau này đã chứng minh rằng tôi đã chọn đúng đường, đúng hướng đầu tư”, ông Hai Hùng chia sẻ.
Bền bĩ với nghề nông
Vừa làm vừa học hỏi và tích lũy dần, đến năm 2001, vợ chồng ông Hai Hùng đã mua được 40 ha đất để trồng cây cao su. Vì đây là loại cây cần đầu tư lâu dài mới có thể khai thác mủ, thu hồi vốn nên ông mạnh dạn thuê thêm 40 ha đất để tiếp tục trồng mía, mì (là những loại cây ngắn hạn) nhằm cải thiện kinh tế, “lấy ngắn nuôi dài”.
Lam lũ làm ăn, chịu cực chịu khổ, nhưng nhờ biết tích lũy dành dụm và tính toán khoa học trong lao động, gia đình ông Hai Hùng đã dành dụm mua luôn 40 ha đất đã thuê trước đó, tiếp tục canh tác cây mì, cây mía.
Rồi ông lại thuê thêm đất để chăn nuôi heo rừng, trâu… và đạt lợi nhuận khá trong “nghề tay trái này”. Đến nay, việc sản xuất kinh doanh của gia đình ông đã ổn định, cho thu nhập tăng lên theo mỗi năm.
Những năm gần đây, dù giá mủ cao su đã “tuột thê thảm”, sau khi trừ chi phí thì thu nhập bình quân hằng năm của gia đình ông Hai Hùng vẫn còn được hơn 4,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp của gia đình ông đã góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 50 lao động tại địa phương và trên 150 lao động theo thời vụ.
Có được thành quả trên, ông Hùng chia sẻ bí quyết của bản thân là luôn học hỏi áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ở đâu có mô hình, cách làm hiệu quả thì ông đều đi đến học hỏi và nghiên cứu.
![]() |
Ông Hùng trao đổi với phóng viên về kỹ thuật trồng mía cho năng suất cao. |
Tận dụng mọi điều kiện hiện có, ông luôn dành thời gian cho việc tham khảo trên sách báo, internet và những gương điển hình khác trong lao động mà ông biết được để áp dụng cho mình.
Ngoài ra, ông cũng dành thời gian nghiên cứu và sáng tạo thêm cách làm của riêng mình để đạt hiệu quả cao nhất trong lao động và sản xuất.
Nhìn lại những ngày tháng cực khổ và khó khăn, ông Hai Hùng cho biết, đối với ông, không bao giờ có tư tưởng đầu hàng số phận. Mục tiêu nào chưa đạt được thì phải cố gắng học hỏi và quyết tâm làm cho bằng được.
“Kinh nghiệm của tôi là không bao giờ chạy theo phong trào, bởi như thế thì xem như mình cầm chắc thất bại. Từ hai bàn tay trắng, đến nay có thể nói kinh tế gia đình tôi đã ổn định vững vàng. Tuy nhiên, để đạt được điều đó không hề đơn giản và mọi việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ.
Tôi đã từng thất bại vì lý do chủ quan lẫn khách quan. Tuy nhiên, điều quan trọng là mình rút ra được điều gì từ những thất bại đó và có giải pháp nào để đi từ thất bại đến thành công mới là cốt yếu”- ông Hùng nói.
Nhiệt tình với công tác từ thiện xã hội
Xuất thân từ nghèo khó, từng đi làm mướn và “ở đợ” hơn 3 năm trước khi trở thành “đại gia” trong lao động và sản xuất, ông Hai Hùng thấu hiểu và luôn quan tâm chia sẻ trước những khó khăn của người nghèo.
Trong 5 năm gần đây, gia đình ông đã dành gần 1 tỷ đồng để hỗ trợ địa phương xây nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; ủng hộ học sinh nghèo, tặng quà trung thu, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, tặng quà tết cho người nghèo trên địa bàn huyện.
Ngoài ra, gia đình ông cũng dùng phương tiện cơ giới của gia đình để tu sửa khoảng 4,5 km đường giao thông nông thôn, làm mới 4km đường ở xã Suối Dây và Suối Ngô, tự bỏ tiền túi đầu tư hệ thống điện dài 3km…
Ghi nhận những đóng góp trên của gia đình ông Đặng Văn Hùng trong lĩnh vực sản xuất cũng như trong công tác xã hội, các cấp, ngành đã trao tặng ông và gia đình nhiều bằng khen, giấy khen trong thời gian qua.
Đình Chung-Thái Hoà