Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nghề điêu khắc đá được xem là nghề khá vất vả và có phần nguy hiểm. Những người thợ làm nghề này luôn đối diện với môi trường nhiều bụi đá, ẩm ướt. Thế nhưng, bằng đôi tay khéo léo, người thợ vẫn miệt mài cắt, đục, mài đá… để tạo ra các sản phẩm để đời từ nguyên liệu đá vô tri.


Mới đây, chúng tôi có dịp ghé thăm cơ sở điêu khắc đá của ông Tô Ngọc Huệ, cơ sở này đặt tại nơi thưa thớt nhà dân, bên đường 784, thuộc địa phận xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu. Vừa đến nơi, chúng tôi đã nghe nhiều tiếng búa va chạm vào đục, tiếng rít của lưỡi máy cắt ăn sâu vào đá, tiếng máy mài phát ra từ một nhóm thợ đang cặm cụi làm việc.
Có thể thấy, công việc của thợ điêu khắc đá khá vất vả và có phần nguy hiểm. Nhất là trong công đoạn phải sử dụng đến máy cắt và máy mài đá, chỉ cần người cầm máy thiếu tập trung hoặc sơ suất trong từng thao tác là tai nạn lao động có thể xảy ra bất cứ nào.
Ông Phạm Hữu Lợi, thợ điêu khắc cho hay, trong cùng một khối đá có chỗ cứng, chỗ mềm khác nhau, đục đá phải theo thớ mới tách được đá hoặc tạo hình theo ý muốn. Kỹ thuật sử dụng các công cụ liên quan cũng rất quan trọng.
Theo ông Lợi, những người thợ có kinh nghiệm trong nghề ít khi để xảy ra tai nạn lao động. Thế nên, chủ cơ sở luôn ưu tiên tuyển chọn những người thợ lành nghề. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là lượng bụi phát ra khi lưỡi máy cắt, máy mài chạm vào đá, mặc dù khi cắt có kèm ống phun nước để hạn chế bụi nhưng vẫn không hoàn toàn hết bụi, đường hô hấp của người thợ vẫn bị ảnh hưởng.

Qua quan sát, mặc dù nhóm thợ làm việc dưới trời nắng gắt nhưng ai cũng có biểu hiện bị lạnh run vì toàn thân luôn ướt sũng. Ướt do lượng nước phun vào lưỡi máy cắt, máy mài để hãm bụi và từ đó bắn tung toé ra môi trường xung quanh, nước lúc này bao gồm cả bụi đá lẫn lộn. Vất vả là vậy, nhưng các thợ đều tập trung làm việc hết sức nghiêm túc để tạo hình cho đá, làm ra các sản phẩm với nhiều hình thể đặc sắc mang đậm nét tâm linh.
Ông Tô Ngọc Huệ cho biết, nghề điêu khắc đá trên thị trường hiện nay tạo ra nhiều sản phẩm hình tượng phong phú, từ các loại nguyên liệu đá khác nhau. Riêng tại cơ sở của ông Huệ, sản phẩm chủ yếu được tạo ra là bia mộ, nhà mồ và các hình tượng trang trí liên quan để phục vụ cho người dân có nhu cầu làm mồ mả cho người thân qua đời. Nguyên liệu chính dùng để điêu khắc tạo ra sản phẩm là đá granite, được ông Huệ thu mua nguyên khối từ thị trường ngoài tỉnh.

Ông Huệ chia sẻ thêm, do nguồn đá trong tự nhiên ngày càng khan hiếm nên giá thành nguyên liệu đầu vào cao hơn trước đây rất nhiều. Với tình hình như vậy, người thợ phải tính toán đo vẽ chính xác đến từng cm đá trước khi thực hiện các công đoạn cắt, đục, tạo hình, mài, thành phẩm, nhằm tiết kiệm nguyên liệu đến mức có thể. Đây là công việc đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật tạo hình chuẩn xác.
Chủ cơ sở điêu khắc đá tâm sự, nghề này chủ yếu lấy công làm lời, trong năm hầu như chỉ bán được vài bộ bia, mộ vào dịp tiết Thanh minh. Mỗi bộ dao động từ 40 đến 50 triệu đồng, tuỳ theo khách đặt hàng. Sau khi trừ các khoản chi phí, số tiền còn lại lắm khi chỉ vừa đủ để tái duy trì cơ sở và có dư chút ít để trang trải cuộc sống.

“Nguồn thu nhập bấp bênh là vậy, thế nhưng những người làm nghề này phải luôn tuân thủ nguyên tắc là bảo đảm chất lượng, sản phẩm làm ra đạt độ bền, đường nét điêu khắc tinh tế, mẫu mã theo yêu cầu của khách hàng nhưng phải phù hợp với lĩnh vực tâm linh. Các nguyên tắc này cũng được xem là trách nhiệm của người hành nghề, nhằm góp phần làm đẹp ngôi mộ và an ủi vong linh người đã khuất”- ông Huệ trải lòng.
Trường Lộ