Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nhìn bàn tay ông điều chỉnh cần gạt mũi khoan lên xuống trên một thanh hoa văn bé xíu khi nông, khi sâu, khi xuyên thẳng qua mới thấy cái sự kỳ công trong đó đến mức nào. Chừng như ông không dám thở mạnh để mũi khoan khỏi bị đi lệch.
Chiếc lồng dần hoàn thiện.
Với quan niệm: chim quý phải ở lồng son, bên cạnh những lồng chim được bán đại trà còn có những chiếc lồng được làm theo đơn đặt hàng của khách với mẫu mã cầu kỳ, đường nét tinh xảo. Ở huyện Hoà Thành, nói về tay nghề làm lồng chim thì giới chơi chim đều nhắc đến ông Tư Thái.
Tôi tìm đến nhà ông Tư Thái ở ấp Long Kim, xã Long Thành Trung. Tên đầy đủ của ông là Hồ Hoàng Thái, năm nay ông 55 tuổi. Khi tôi đến, ông đang tỉ mẩn tạo hình hoa văn để chuẩn bị làm một chiếc lồng chim cho khách.
Ông Tư kể, ông đến với nghề làm lồng chim rất tình cờ. Cách đây gần 20 năm, xóm ông nhà nào cũng làm nghề đóng đồ tre. Nhà ông cũng không ngoại lệ. Lúc đó, ngoài giờ làm, ông còn có thú vui nuôi chim chào mào, chích choè... Sẵn trong nhà có tre trúc, ông tận dụng thử làm lồng cho chim cốt để đỡ tốn tiền mua lồng. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm nên chiếc lồng chim ông làm ra trông… rất xấu, làm xong chỉ dám treo ở sau hè. Nhưng làm riết cũng “lên tay”, ông đã dám treo những chiếc lồng chim tự chế trước sân nhà. Bạn bè tới chơi, thấy được bèn nhờ ông làm giúp.
Nhận thấy làm lồng chim bằng tre phải có máy móc hỗ trợ mới đẹp, trong khi đó mình không có điều kiện đầu tư, ông Tư Thái liền chuyển sang làm lồng bằng gỗ với dáng lồng hình vuông.
Những chiếc lồng chim do ông làm ra ngày càng hoàn thiện. Nó chắc chắn, thanh thoát và đặc biệt là có giá trị cao do được làm từ chất liệu gỗ quý như cẩm lai, giáng hương, căm xe, bênh… trong khi đa số lồng chim bán ngoài chợ chỉ làm từ mây, tre hoặc kim loại, kiểu dáng đại trà như nhau.
Khách hàng nào muốn có một chiếc lồng thật đặc biệt, “không đụng hàng” ông cũng sẵn sàng đáp ứng, tất nhiên giá cả cũng tuỳ theo mẫu mã, chất liệu. Về sau, khi được anh em trong hội chơi chim mời đi tham dự những hội thi chim ở các tỉnh, thành khác, ông Tư Thái được “mục sở thị” nhiều chiếc lồng được làm rất công phu, tỉ mỉ với nhiều hoạ tiết, hoa văn cầu kỳ, tinh xảo.
Ông liền mày mò tìm hiểu và mua một cây cưa lọng cầm tay chuyên dùng trong việc chế tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Với khéo léo vốn có, ông bắt đầu vẽ mẫu hoa văn rồi dùng máy khoan những lỗ tròn nhỏ. Sau đó ông dùng cưa lọng xỏ vào cắt theo từng nét mực vẽ. Với bàn tay tài hoa của mình, ông đã tạo nên những hoa văn tinh xảo, khoan những lỗ xỏ nan thẳng đều tăm tắp.
Nhìn bàn tay ông điều chỉnh cần gạt mũi khoan lên xuống trên một thanh hoa văn bé xíu khi nông, khi sâu, khi xuyên thẳng qua mới thấy cái sự kỳ công trong đó đến mức nào. Chừng như ông không dám thở mạnh để mũi khoan khỏi bị đi lệch. Bởi, nếu để hỏng phải làm lại, tiếc cái công bỏ ra thì ít mà tiếc miếng gỗ mới nhiều.
Với mọi người, những mảnh gỗ vụn thế này chủ yếu dùng làm… củi chụm, nhưng với ông, chúng là nguyên liệu quý, khó kiếm. Gần chục năm trước, khi xe bò được thay thế bằng máy cày, nhiều nhà đã gỡ bánh xe bò bán cho các vựa ve chai, ông Tư Thái lùng mua đem về làm lồng chim. Bánh xe bò được làm từ gỗ quý như cẩm lai, giáng hương. Lúc đó mua được nhiều mà rẻ. Mấy năm nay nguồn nguyên liệu khan hiếm, nên ông phải mua lại gỗ vụn để làm mới có lời.
Phải dùng cưa lọng để cắt.
Hoa văn được làm thủ công.
Lấy mực làm cửa cho lồng chim.
Tự ngắm “thành quả” của mình.
Ngọc Diêu