Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tình cờ tôi gặp H và T - học trò lớp tôi chủ nhiệm trước đây. Giờ cả hai đều được thăng chức: một là hiệu phó và một là hiệu trưởng. Tôi rất vui và mừng cho các em. Khi tôi hỏi thăm về công việc với vai trò của người lãnh đạo thì cả hai đều than thở.
Cả hai cô đều có con nhỏ. Từ khi nhận chức vụ, công việc ở trường khiến cho hai cô bận rộn không có thời gian chăm sóc cho gia đình một cách chu đáo như khi còn là giáo viên dạy lớp. Ngày cuối tuần cũng phải đến trường.
H kể hôm thứ bảy, mới vừa dắt xe ra cửa thì đứa con gái 3 tuổi ôm chân mẹ rưng rưng nước mắt nói: “Sao mẹ bỏ con hoài vậy? Sao mẹ hổng ở nhà chơi với con?”. Nghe lời nói của con trẻ, lòng H se thắt, cô ôm con vào lòng dỗ dành, hứa chiều mẹ sẽ chở đi chơi. Nghe hai chữ “đi chơi”, con bé mới tươi tỉnh lại.
Còn T, được bổ nhiệm về đơn vị khác công tác. Ðến nơi làm mới, người mới, công việc cũng mới nên bước đầu có khó khăn. Dần dần mọi thứ cũng đi vào quỹ đạo. Bây giờ thì chồng cô hối thúc sinh con thứ hai. Nhưng thời gian tới T còn phải đi học lớp quản lý nên cô vẫn còn phân vân, chưa muốn có con. Thế là bị chồng giận, cả mấy ngày không thèm nói chuyện.
Chị chồng của T cũng vì muốn có thời gian làm tốt vai trò lãnh đạo, phấn đấu để được thăng tiến từ hiệu phó lên hiệu trưởng, nên chị đã thực hiện kế hoạch hoá lâu dài, đến khi muốn sinh đứa thứ hai thì không sinh được nữa. Chồng T không muốn vợ mình bị tình trạng “tịt ngòi” giống như vậy.
Có lúc anh ta nói nửa đùa nửa thật: “Em không chịu đẻ thôi để anh nhờ người khác đẻ thay, cho em rảnh rang lo sự nghiệp!”. Nghĩ chồng nói đùa nhưng trong lòng T cũng phập phồng lo sợ mơ hồ…
Là giáo viên bình thường thì chỉ phải làm nhiệm vụ giảng dạy. Hết giờ dạy thì có thể về nhà chơi với con, lo cơm nước cho chồng. Còn làm lãnh đạo, hầu như ngày nào cũng phải đến trường, bởi có rất nhiều việc phải làm, phải xử lý. Giáo viên chỉ họp các cuộc họp ở trường hằng tháng. Lãnh đạo, ngoài việc chủ trì các cuộc họp ở trường còn phải đi họp ở sở, đi tập huấn ngoài tỉnh…
Ngày thường, giáo viên dạy hết giờ thì được về, còn làm công tác quản lý như H và T, đôi khi phải nán lại trường để giải quyết cho xong công việc. Về được tới nhà đã quá muộn, không còn thời gian chuẩn bị bữa cơm tươm tất cho gia đình, nên lắm khi phải mua thức ăn chế biến sẵn ở ngoài mang về.
Cả H và T đều khẳng định: làm tốt được việc nhà thì khó mà làm tốt việc trường. Và ngược lại, nếu làm thật tốt việc trường thì không thể chu toàn mọi việc trong gia đình. Còn muốn làm tốt cả hai thật khó - nhất là nếu như không có được sự cảm thông của chồng. Không biết các chị em khác có đồng tình như thế không?
TUYẾT ANH