Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo thống kê của Sở GTVT, tổng số phương tiện đang quản lý trên địa bàn tỉnh hiện là 903.777 xe, trong đó có 70.194 xe ô tô, 833.583 xe mô tô.
Mua bán lấn chiếm lòng đường tại ngã tư Suối Sâu (cổng rẽ vào KCX Linh Trung 3).
Trong đợt tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh, cử tri một số địa phương có ý kiến về các điểm, nút giao thông thường xảy ra ùn tắc trên địa bàn tỉnh. Đâu là nguyên nhân và giải pháp khắc phục, Báo Tây Ninh đã có các cuộc trao đổi với cơ quan chức năng về vấn đề này.
Phương tiện giao thông tăng nhanh, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng
Theo Sở Giao thông Vận tải (Sở GTVT), hiện nay, trên địa bàn tỉnh, vào những đợt cao điểm, thường xảy ra hiện tượng ùn ứ giao thông cục bộ tại một số nơi. Trong đó, tuyến đường xung quanh Khu du lịch núi Bà Đen vào dịp khai mạc Hội xuân, rằm tháng Giêng... lượng khách đổ về đây tăng đột biến. Trên trục đường QL22, đoạn qua Khu công nghiệp Trảng Bàng, vào các giờ cao điểm công nhân đi làm và giờ tan ca, số lượng phương tiện tham gia giao thông rất đông, xảy ra tình trạng ách tắc giao thông. Tình trạng này cũng xảy ra ở khu vực Toà Thánh Cao Đài vào các dịp lễ hội trong tháng Giêng, tháng tám.
Tại TP.Tây Ninh, ở một số trường, vào giờ tan học, trước cổng thường xảy ra hiện tượng ùn ứ giao thông do cùng lúc tập trung lượng lớn học sinh và phụ huynh đến đón con. Điển hình là các khu vực trước cổng trường THCS Trần Hưng Đạo, TH Lê Văn Tám, THCS Chu Văn An...
Ngoài ra, ùn tắc giao thông còn diễn ra tại các khu chợ tự phát giáp đường giao thông, gần các khu công nghiệp như ngã tư Suối Sâu, gần ngã tư An Bình, ngã tư Hai Châu (thị xã Trảng Bàng), trước cổng chính Khu công nghiệp Phước Đông (huyện Gò Dầu)…
Về nguyên nhân, Sở GTVT nhận định, do số lượng phương tiện giao thông tăng quá nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp. Theo thống kê của Sở GTVT, tổng số phương tiện đang quản lý trên địa bàn tỉnh hiện là 903.777 xe, trong đó có 70.194 xe ô tô, 833.583 xe mô tô. Năm 2022, số lượng phương tiện đăng ký mới là 102.620 xe, gồm 15.042 xe ô tô và 87.578 xe mô tô. Số phương tiện ô tô đăng ký mới tăng trung bình khoảng 15%/năm.
Về hạ tầng, một số tuyến đường trục chính đô thị, tuyến huyết mạch của tỉnh xây dựng cách đây trên 25 năm nhưng chưa được nâng cấp, mở rộng để đáp ứng lưu lượng phương tiện như hiện nay.
Về nguyên nhân xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ trước cổng trường, theo cô Võ Kim Hồng- Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo, trường có hơn 1.700 học sinh, lại giáp QL22 và gần vòng xoay với nhiều ngã rẽ. Khi tan trường, ngoài học sinh còn có rất đông phụ huynh đến đón con dừng đậu ngay trên vỉa hè, lòng đường trước cổng. Số lượng xe ô tô của phụ huynh tập trung trước cổng trường khá nhiều, việc dừng, đỗ và quay đầu xe chưa bảo đảm trật tự, cùng với lượng xe từ các ngã đường đổ về đây gây ùn tắc cục bộ.
Cô Trương Hoàng Thanh Thảo- Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám cho biết, trường nằm ở vị trí gần ngã tư có nhiều xe cộ lưu thông. Cổng trường ngay bên quốc lộ với đoạn đường cong, hẹp và đỉnh dốc Cây Me. Xe chạy đến đây phải lấy trớn leo dốc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, tình trạng buôn bán lấn chiếm phần lề đường hướng đối diện và hai bên cổng trường cũng góp phần làm ùn tắc giao thông.
Trước cổng trường TH Lê Văn Tám giờ tan học.
Cô Thảo kiến nghị cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động những chủ cửa hàng buôn bán gần khu vực cổng trường trả lại lề thông, hè thoáng. Về lâu dài, cơ quan chức năng nên chọn một vị trí khác để chuyển trường, tránh xa quốc lộ tại đoạn đường hẹp có dốc cua, nhằm bảo đảm an toàn giao thông và hạn chế tiếng ồn.
Giải pháp nào để khắc phục?
Theo ông Lương Bá Can- Phó Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh, thực trạng đang đề cập cũng là vấn đề phát sinh tất yếu của quá trình đô thị hoá. Hiện nay, UNBD Thành phố đã chỉ đạo Công an Thành phố phân công CSGT, Cảnh sát trật tự, Công an phường, Bảo vệ dân phố thực hiện điều tiết giao thông vào các khung giờ cao điểm tại những nơi thường xảy ra ùn tắc; tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh, cá nhân kinh doanh buôn bán tại chợ về quy định của Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là quy định về dừng xe, đỗ xe, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ; Ban Giám hiệu các trường học có vị trí thường xảy ra ùn tắc giao thông nghiên cứu tổ chức thực hiện hiệu quả phương án cho phụ huynh điều khiển xe vào sân trường để đón học sinh.
Ông Trần Thông Trực- Trưởng Phòng Quản lý đô thị thị xã Trảng Bàng cho biết, địa phương đã ban hành kế hoạch về việc giải toả lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè trên các tuyến đường giao thông chính; xây dựng văn bản kiến nghị Ban An toàn giao thông tỉnh, UBND tỉnh và Cục Quản lý đường bộ; có tờ trình về việc xin chủ trương cải tạo, bố trí các nút giao thông trên tuyến QL22 đoạn qua thị xã Trảng Bàng; tờ trình xin chủ trương đầu tư xây dựng cầu vượt ngã tư An Bình (nút giao QL22 với đường Cây Dương).
Ngoài ra, chính quyền địa phương còn quan tâm rà soát, khắc phục, bổ sung thêm các biển báo và bảng tuyên truyền giao thông tại các điểm trường và những đoạn đường cua nguy hiểm… Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo lực lượng Công an Thị xã tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm soát, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho người dân, học sinh, công nhân, các hộ dân sinh sống trên địa bàn; tập trung làm tốt công tác giải toả lấn chiếm hành lang an toàn giao thông.
Theo ông Đặng Hoàng Chương- Phó Giám đốc Sở GTVT, trước mắt, trong các đợt cao điểm dịp lễ hội, lực lượng chức năng sẽ phối hợp để điều tiết giao thông tại một số vị trí ùn ứ cục bộ, các điểm nóng về giao thông. Về lâu dài, Sở GTVT đã khảo sát, nghiên cứu, lập đề án “nghiên cứu thiết kế phương án tổ chức giao thông tại các giao lộ đầu mối giao thông và khu vực có tiềm ẩn tai nạn giao thông”.
Trong số các nút giao thông được Sở GTVT khảo sát, có 6 vị trí thuộc địa bàn thị xã Trảng Bàng đã gắn đèn tín hiệu như ngã tư Suối Sâu; nút giao kết nối giữa QL22 với Khu công nghiệp Trảng Bàng, tại vị trí đường số 12; ngã tư An Bình; ngã ba ngân hàng (giao giữa QL22 và ĐT.782); ngã tư Hai Châu; ngã ba tuyến tránh QL22 và đường ĐT.782. Tương tự, trên địa bàn huyện Gò Dầu là tại nút giao ngã tư Nông Trường; nút giao cổng Khu công nghiệp Phước Đông - Bời Lời.
Trên địa bàn thành phố Tây Ninh, Sở GTVT khảo sát tại nút giao thông cửa số 2 Toà thánh; nút giao Trường Nam (giữa đường 30/4, Trưng Nữ Vương, Trần Hưng Đạo, tại đây cũng đã bố trí vòng xoay); ngã tư Quốc tế. Thêm nữa, nút giao tại cầu K13 (huyện Dương Minh Châu) đã được bố trí vòng xoay để điều tiết giao thông. Mỗi nút giao thông nêu trên đều được phân tích, đưa ra nhiều phương án thiết kế, lấy ý kiến và lựa chọn phương án tối ưu, tiết kiệm nhất, ít ảnh hưởng đến người dân.
Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở GTVT còn cho biết về dự kiến ưu tiên triển khai đầu tư một số giải pháp tổ chức giao thông tại các nút quan trọng trên địa bàn thành phố Tây Ninh, huyện Dương Minh Châu, thị xã Trảng Bàng trong giai đoạn 2023-2025, 2026-2030 theo đề án được phê duyệt.
Sở còn kiến nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác điều phối, hướng dẫn giao thông tại những điểm hay xảy ra ùn ứ; kiểm tra, xử lý những bất cập về kết cấu hạ tầng, hệ thống an toàn giao thông thuộc phạm vi quản lý; cân đối nguồn vốn đầu tư công để đầu tư nâng cấp, mở rộng các nút giao thông đầu mối.
Những ngày qua, nhất là ngày cuối tuần, lượng phương tiện đổ về núi Bà Đen khá đông, từ ngã tư Bời Lời đến khu du lịch, xe ô tô nối đuôi nhau di chuyển chậm. Các lực lượng chức năng phải tổ chức phân luồng ngay từ ngã tư Đại Đồng.
Việc bảo đảm giao thông thông suốt trên tuyến đường Bời Lời vào mùa Hội xuân có phần đóng góp không nhỏ của lực lượng Thanh tra giao thông vận tải. Vào những ngày cao điểm, Thanh tra GTVT bố trí đến 10 cán bộ để tăng cường kiểm tra, kiểm soát và nhắc nhở, xử lý các hành vi vi phạm- nhất là hành vi kinh doanh lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ. Nhờ đó, hạn chế tối đa tình trạng người dân lấn chiếm hành lang đường Bời Lời để kinh doanh, bảo đảm mặt đường thông thoáng cho phương tiện lưu thông vào Khu du lịch núi Bà Đen mùa lễ hội.
Thế Nhân
Quốc Sơn