BAOTAYNINH.VN trên Google News

Làm sao quản lý người tâm thần lang thang?

Cập nhật ngày: 01/10/2014 - 02:50

Người đàn ông bệnh tâm thần ngồi trên ghế đá trước một nhà dân gần khu vực cửa 5, chợ Long Hoa.

THƯỜNG XUYÊN LANG THANG TRÊN ĐƯỜNG

Tại khu vực chợ Long Hoa- Hoà Thành, chúng tôi bắt gặp một người đàn ông độ trên 50 tuổi, mặc nhiều bộ quần áo cáu bẩn trên người, bên hông “giắt” một khúc cây, râu tóc tua tủa. Nhiều người không biết ông ta ở đâu, nhân thân ra sao, chỉ biết ông xuất hiện quanh quẩn khu vực chợ Long Hoa hơn nửa năm nay.

Có lúc ông vừa đi vừa rút khúc cây giắt bên hông ra múa lung tung trên đường. Cho dù người bệnh tâm thần này chưa gây nguy hiểm cho ai, nhưng sự có mặt và hành vi bất bình thường của ông đã khiến nhiều người cảm thấy bất an, bởi chẳng ai biết được người điên lên cơn lúc nào.

Trên đường CMT8, thành phố Tây Ninh cũng có một người phụ nữ tâm thần độ 50 tuổi. Người dân cho hay, người phụ nữ này rất hung dữ, sẵn sàng ném đá vào bất kỳ ai dám nói “động” đến bà. Hằng ngày, từ sáng sớm đến chiều tối, người đàn bà điên đi lang thang trên nhiều con đường, trên đầu luôn đội một cái bọc nylon to không biết chứa thứ gì, trên vai gánh 2 cái bọc nylon khác cũng to tướng.

Một chị bán vé số ở gần trụ sở phường Hiệp Ninh cho biết, những cái bọc nylon đó chứa rác thải, bà ta gom lại mang về bỏ cặp hàng rào nội ô Toà thánh Tây Ninh (gần cửa số 2 nội ô). Theo một chị bán trái cây tại cửa số 2, người phụ nữ đó là người Campuchia, không nói được tiếng Việt, ai đến gần đống rác thì sẽ bị bà lấy đá ném nên chẳng ai biết bà bỏ rác ở đó để làm gì.

CƠ QUAN NÀO QUẢN LÝ?

Trên đây chỉ là 2 trong nhiều trường hợp người tâm thần đi lang thang tại thành phố Tây Ninh và huyện Hoà Thành. Theo nhiều người nhận xét, tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng. Ông Hồ Thiên Sơn- Phó trưởng Chi cục Bảo trợ xã hội và chăm sóc trẻ em (BTXH- BVCSTE) thuộc Sở LĐ-TB&XH cho biết, trách nhiệm quản lý người tâm thần thuộc về ngành LĐ-TB&XH. Từ năm 2008, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo thủ trưởng các sở, ngành và chủ tịch UBND các huyện, thị trong tỉnh về xử lý vấn đề này.

Theo đó, Sở LĐ-TB&XH tỉnh có trách nhiệm phối hợp với ngành Công an, các ngành liên quan, UBND các huyện, thị (nay là thành phố) rà soát, lập danh sách người tâm thần lang thang để tập trung lại. Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế tiến hành khám, phân loại đối tượng tâm thần.

Nếu đối tượng còn gia đình thì vận động gia đình đưa về chăm sóc tại nhà; nếu đối tượng không còn gia đình thì gửi vào các bệnh viện tâm thần theo quy định. Ngành Công an chỉ đạo công an các địa phương tổ chức tập trung các đối tượng về địa điểm thích hợp để lập danh sách phân loại.

Đống rác to tướng mà người đàn bà tâm thần gom về để cặp hàng rào Toà thánh (gần cửa số 2 Toà thánh).

Đến tháng 6.2011 và tháng 2.2012, UBND tỉnh tiếp tục có công văn chỉ đạo giải quyết tình trạng người lang thang trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, ngày 25.9.2012, Sở LĐ-TB&XH đã ban hành kế hoạch giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Sở đề nghị UBND các huyện, thị xã chỉ đạo cho Phòng LĐ-TB&XH, UBND các phường, xã, thị trấn có người tâm thần lang thang không rõ nguồn gốc, hoặc có địa chỉ thường trú ngoài địa bàn lập danh sách báo cáo Sở LĐ-TB&XH, đồng thời cử cán bộ đưa những đối tượng này đến bàn giao cho Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh tiếp nhận, thực hiện theo chính sách quy định.

Tuy nhiên, theo ông Sơn thì mỗi khi có văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai thì sự phối hợp của các ngành diễn ra khá tốt, nhưng chỉ một thời gian sau thì các ngành liên quan có lơ là. Trong 9 tháng năm 2014, các huyện, thành phố giao hơn 10 người tâm thần lang thang về Chi cục BTXH-BVCSTE. Sau khi tiếp nhận, Chi cục đã đưa các đối tượng trên đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Tiền Giang và Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Long An để điều trị theo quy định.

Trong thời gian qua, ở tỉnh ta từng xảy ra những vụ án mạng đau lòng mà hung thủ là người bệnh tâm thần. Do đó, việc quản lý chặt chẽ người tâm thần lang thang đang là điều bức thiết, nhằm hạn chế những rủi ro mà người tâm thần có thể gây ra cho người dân, đồng thời giúp người bị bệnh tâm thần có một môi trường sống tốt hơn.

THẾ NHÂN