Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Phỏng vấn ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh, ứng cử viên ĐBQH đơn vị 2 tỉnh Tây Ninh.
Những ngày gần đây, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử của các vị ứng cử viên (ƯCV) đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khoá XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, lại thấy nổi lên vấn đề cử tri trong tỉnh băn khăn, tuy đây không phải là “chuyện mới” nhưng lại là một câu hỏi đã được đặt ra khá lâu, người dân vẫn chưa nghe thấy lời đáp một cách thoả đáng, thuyết phục. Đó là vấn đề: “Vì sao Tây Ninh tụt hậu so với các tỉnh thành trong khu vực?”. Báo Tây Ninh đã đặt lại vấn đề này để trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Tiến, một trong hai vị ƯCV được Hội đồng bầu cử Trung ương giới thiệu về ứng cử ĐBQH khoá XIII tại Tây Ninh. Tuy nhiên trước đó ông Nguyễn Mạnh Tiến, một người có học vị Tiến sĩ, đã được Trung ương điều động vào công tác tại Tây Ninh với cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Nội dung cuộc phỏng vấn như sau:
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tiến (người ngồi) trong buổi thử nghiệm hệ thống đối thoại trực tuyến giữa chính quyền và người dân ngày 7.9.2010. Trong ảnh, ông Nguyễn Mạnh Tiến thử kết nối tín hiệu video với lãnh đạo huyện Tân Biên. |
PV: -Thưa ông Nguyễn Mạnh Tiến, sau gần ba năm nhận nhiệm vụ công tác tại Tây Ninh, tham gia hoạt động điều hành nền kinh tế xã hội trong UBND tỉnh, ông có nhận xét thế nào về quá trình phát triển của địa phương này?
Ông Nguyễn Mạnh Tiến: -Phải nói thật là lúc đầu vào Tây Ninh tôi có hơi bị bất ngờ. Vì trước đó tôi chưa có nhiều thông tin về Tây Ninh, và tôi không hình dung được tại sao một tỉnh nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam lại khó khăn như thế, thu không đủ chi, phát triển kinh tế không theo kịp các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai. Nhưng khi vào đây rồi, có điều kiện tiếp cận, thâm nhập thực tế, tôi mới thấy không phải hoàn toàn như thế. Trong hoàn cảnh một địa phương nông thôn, biên giới, điểm xuất phát gần như không có gì do phải chịu đựng nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, kể cả chiến tranh biên giới sau khi miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, đất nước độc lập, hoà bình, mà đã khắc phục được hậu quả, phát triển sản xuất, giải quyết tốt vấn đề đời sống, đặc biệt là thực hiện chính sách an sinh xã hội. Có thể nói Tây Ninh là một trong những tỉnh giải quyết rất tốt vấn đề an sinh xã hội bằng chính nguồn lực của địa phương. Đồng thời, về kinh tế những năm gần đây tỉnh đã bắt đầu thực hiện công nghiệp hoá một cách đúng hướng, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, lại có thể rút kinh nghiệm, tránh được “vết xe” của các địa phương tuy phát triển sớm hơn, nhưng đang phải giải quyết hệ luỵ của việc “phát triển bằng mọi giá”, phát triển theo hướng công nghiệp gia công dựa vào “lợi thế” giá nhân công rẻ…
PV: -Ông có thể nói rõ hơn vấn đề Tây Ninh công nghiệp hoá một cách đúng hướng, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương?
Ông Nguyễn Mạnh Tiến: -Đó là vấn đề Tây Ninh bắt đầu công nghiệp hoá bằng con đường phát triển công nghiệp chế biến, đồng thời song song xây dựng vùng nguyên liệu tập trung cung ứng cho công nghiệp chế biến dựa vào thế mạnh sản xuất nông nghiệp của địa phương. Chẳng hạn như là từ lâu tỉnh ta đã có ngành sản xuất các cây trồng thế mạnh như mía, mì, cao su… chúng ta đã có được những điều kiện tự nhiên rất tốt để xây dựng các vùng chuyên canh, và chúng ta đã xây dựng được những vùng trồng cây nguyên liệu rộng lớn, đồng thời chúng ta đã xây dựng được các nhà máy chế biến mía, mì, cao su, hạt điều với công suất lớn nhất trong nước. Đó chính là sự phát triển đúng hướng, phù hợp nhất trong điều kiện có thể…
PV: -Thế tại sao sự phát triển đúng hướng ấy trong thời gian qua vẫn chưa đem lại hiệu quả cao nhất, giúp Tây Ninh tăng tốc theo kịp các tỉnh, thành bạn trong khu vực, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Tiến: -Đúng, đây là vấn đề băn khoăn không chỉ của những người làm ra nông sản nguyên liệu, thành phần đông đảo nhất ở Tây Ninh, mà những người làm nhiệm vụ lãnh đạo, điều hành kinh tế xã hội của tỉnh cũng hết sức day dứt. Theo tôi thấy, vấn đề là ở chỗ đã qua rồi cái thời mà chúng ta chỉ sơ chế để rồi xuất bán sản phẩm ở dạng thô. Ngày nay hiệu quả kinh tế của công nghiệp chế biến chỉ có thể đem lại bằng những sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao. Chẳng hạn như là đối với ngành sản xuất mía đường, chúng ta chỉ dừng lại ở chỗ sản xuất đường thô, hoặc đường tinh luyện, nhưng cũng chỉ có đường chứ chưa có sản phẩm sau đường có giá trị gia tăng cao như là cồn rượu, bánh kẹo, thực phẩm cao cấp có nguồn gốc từ đường. Hay như đối với cây mì, chúng ta chỉ sản xuất ra tinh bột để xuất khẩu, trong khi nước ta còn đang phải mua lại sorbitol, amidon, tinh bột biến tính để cung ứng cho hàng loạt ngành công nghiệp khác như công nghiệp hoá dược, công nghiệp mỹ phẩm, chất tẩy rửa, công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp thực phẩm cao cấp… Hoặc như đối với cây cao su, chúng ta vẫn đang xuất khẩu cao su thô và phải nhập vô số sản phẩm chế biến từ cao su. Tất cả những cái đó, những thứ mà chúng ta đã và đang chế biến rồi bán đi, thực chất chúng ta cũng vẫn còn đang hưởng “chênh lệch địa tô” với những gì mà chúng ta đã trồng được trên đất, chứ chưa phải là chúng ta làm ra những sản phẩm có giá trị gia tăng, cho nên không thể đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, cũng do cơ cấu hàng xuất khẩu của chúng ta chủ yếu là ở dạng nguyên liệu, nên chúng ta bị lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường, vào khách hàng. Mặt hàng nào xuất được thì giá tăng, xuất không được thì lập tức giá giảm, cho nên chúng ta khó mà bảo đảm cho sản xuất phát triển ổn định, bền vững.
PV: -Vâng, và có lẽ những điều đó tỉnh cũng đã thấy nên thời gian gần đây đã có những hoạt động xúc tiến đầu tư với những ngành công nghiệp công nghệ cao, hy vọng sắp tới tỉnh ta sẽ có bước tăng tốc công nghiệp hoá để có thể tạo ra sự phát triển nhảy vọt. Nhưng có lẽ không chỉ có công nghiệp, mà tỉnh ta cũng đã có những “phác thảo” hướng đi cho những ngành kinh tế khác như dịch vụ, du lịch… thưa ông Phó Chủ tịch?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tiến phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri khối huyện Tân Châu |
Ông Nguyễn Mạnh Tiến: -Như mọi người đã biết, tỉnh ta còn hai thế mạnh nhưng có thể nói là cũng còn ở dạng tiềm năng chưa được khai thác đúng mức. Đó là thế mạnh về kinh tế biên giới, cửa khẩu và kinh tế du lịch. Vì vậy, trong nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX vừa qua, hai vấn đề này đã được đặt ra một cách nghiêm túc với những giải pháp hoàn toàn khả thi. Hiện nay tỉnh ta đang thực hiện nhiều hoạt động để phát triển kinh tế biên mậu, mà vấn đề đầu tiên là việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư vào hai cửa khẩu quốc tế, 4 cửa khẩu quốc gia và 10 cửa khẩu phụ trên toàn tuyến biên giới dài khoảng 240 km đi qua Tây Ninh.
Về du lịch, Tỉnh uỷ, UBND Tây Ninh cũng đã nhiều lần bàn thảo chiến lược phát triển du lịch. Tuy nhiên cái khó nhất vẫn là quy hoạch. Đã có những ý tưởng được nêu ra, những mô hình, phiên bản của một số địa phương được cân nhắc, tham khảo. Tỉnh có thể chọn chiến lược phát triển mang đặc trưng riêng, dựa trên sự kết hợp du lịch tâm linh – sinh thái – lịch sử. Tuy nhiên ở tầm địa phương chúng ta khó có thể thực hiện quy hoạch tổng thể du lịch một cách hiệu quả, bền vững với một tầm nhìn rộng và dài hơi dù Tây Ninh đã có đầy đủ điều kiện để du lịch cất cánh. Do vậy việc Bộ trưởng Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh ứng cử đại biểu Quốc hội tại Tây Ninh là một cơ hội tốt để ông có ý kiến chỉ đạo các đơn vị hữu quan, giúp tỉnh phát triển mạnh mẽ ngành du lịch.
Trong lúc chờ đợi, định hình quy hoạch tổng thể, Tây Ninh đã và đang làm theo cách của mình, cấp phép đầu tư cho những dự án phù hợp với tỉnh. Gần đây tỉnh đã cấp phép cho một doanh nghiệp trong nước đầu tư vào Đảo Nhím. Doanh nghiệp này sẽ xây dựng một phim trường lớn với tổng kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng. Họ đã có bản quy hoạch 1/2.000. Bên cạnh đó đã có những đối tác quan tâm đến việc đầu tư các khu nhà nghỉ cao cấp. Về cơ sở hạ tầng, tỉnh đã kiến nghị với Bộ Giao thông -Vận tải mở các tuyến đường bộ nối TP.HCM đến Mộc Bài, đi Xa Mát, tuyến đường sắt TP.HCM - Mộc Bài và một số vấn đề khác. Ngoài ra sự trợ giúp của các đơn vị tổ chức tour chuyên nghiệp, quảng bá hình ảnh Tây Ninh đến với bạn bè quốc tế cũng cần được tính đến.
PV: -Xin cảm ơn ông Nguyễn Mạnh Tiến đã cung cấp cho bạn đọc Báo Tây Ninh những thông tin rất bổ ích trong buổi trò chuyện thú vị này.
NGUYỄN TẤN HÙNG
(Thực hiện)