Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Làm thế nào để mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp bền vững 

Cập nhật ngày: 01/06/2022 - 00:34

BTN - Thời gian qua, tình trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, quy mô nhỏ, tự phát. Người nông dân sản xuất theo kinh nghiệm là chủ yếu mà không tuân thủ theo quy trình, mẫu mã sản phẩm không đúng chuẩn, vì vậy, chất lượng sản phẩm không đạt chuẩn an toàn.

Lúa của ông Phạm Văn Minh chín rục trên đồng (ảnh chụp ngày 28.4)

Bên cạnh đó, việc tiêu thụ hàng nông sản nước ta cũng đang gặp nhiều khó khăn. Trong những năm vừa qua, hàng nông sản nước ta luôn phải gặp tình cảnh “được mùa mất giá”.

Điều này xuất phát từ nguyên nhân lớn nhất là sản xuất nông nghiệp của nước ta chủ yếu tự phát, chưa gắn với thị trường, với chuỗi giá trị ngành hàng. Các doanh nghiệp kinh doanh về lĩnh vực nông nghiệp của nước ta chưa phát triển theo hướng bền vững, chưa mạnh dạn xây dựng các vùng nguyên liệu.

Mối quan hệ giữa người nông dân và doanh nghiệp trong tiêu thụ hàng nông sản chưa có sự gắn kết cao. Người nông dân thường chỉ bán hàng nông sản qua thương lái mà ít làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp nông sản, trong khi đó, một số doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, tìm cách ép giá, thậm chí không thu mua nông sản theo hợp đồng khiến nông dân rơi vào cảnh điêu đứng.

Lúa chín rục do thu hoạch trễ

Đến vụ thu hoạch nhưng doanh nghiệp hẹn lần hẹn lữa rồi cuối cùng thông báo không thu mua, lúa thì chín rục trên đồng, xót của nên ông P.V.M, ngụ ấp Cầu Xe, xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng phải gửi đơn cầu cứu khắp nơi, mong được các cơ quan chức năng hỗ trợ.

Ông M cho biết, vụ lúa Đông Xuân năm 2021-2022, Hợp tác xã dịch vụ thuỷ lợi nông nghiệp Hưng Thuận (gọi tắt là HTX) có ký kết hợp đồng liên kết sản xuất lúa chất lượng cao với Công ty cổ phần sản xuất thương mại LVV (Công ty LVV). Là một thành viên của HTX, ông có đăng ký sản xuất hơn 15 ha lúa ST25, chia làm 5 đợt thu hoạch.

Trong quá trình canh tác lúa, từ lúc gieo sạ đến lúc lúa chín, Công ty LVV cung cấp đầy đủ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời thường xuyên cử nhân viên bám đồng hướng dẫn ông chăm sóc lúa đúng theo quy trình.

Qua 3 đợt thu hoạch đầu, năng suất trung bình khoảng 6,4 tấn/ha và được Công ty thu mua hết. Tuy nhiên, đến đợt thu hoạch lần thứ 4, phía Công ty không cho ông thu hoạch mà để kéo dài đến 9 ngày sau. Khiến cho lúa chín khô trên đồng, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng, cụ thể là với diện tích là 2,2 ha, năng suất còn khoảng 10,5 tấn, độ ẩm là 210 độ, KCS đánh giá loại 1, nhưng thanh toán bằng giá loại 3, do không đủ mẻ sấy.

Trong cả 4 đợt thu mua, Công ty LVV đều thực hiện cấn trừ lần lượt hết số tiền đã đầu tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trước đó. Đến đợt thứ năm, thời gian dự kiến thu hoạch vào ngày 8.4. Tuy nhiên, sau khi cho nhân viên thăm đồng thì phía Công ty LVV không cho ông thu hoạch với lý do là lúa còn xanh, nên yêu cầu ông chờ khoảng 1 tuần nữa để cùng đợt với diện tích lúa ở xã Phước Chỉ để đủ mẻ sấy.

Gần đến thời gian giao hẹn, ông liên hệ với chị T, là nhân viên thu mua của Công ty LVV và được người này trả lời là lúa ở Phước Chỉ chưa chín và yêu cầu ông tiếp tục chờ. Sau một tuần tiếp tục chờ đợi, nóng ruột lúa chín khô trên đồng nên ông tiếp tục liên hệ với chị T để hỏi về thời gian thu hoạch, lần này chị T lấy lý do là lúa của ông sản xuất bị lẫn lộn nhiều và hạt gạo khi xay bị gãy nên trả lời là không thu mua nữa.

Sau đó, ông M đã báo cáo sự việc cho ông Nguyễn Văn Nhỏ- Giám đốc Hợp tác xã Hưng Thuận về việc Công ty LVV “bẻ kèo” không thu mua lúa sau khi trừ hết chi phí đã đầu tư.

Tuy nhiên, phía ông Nhỏ lại yêu cầu ông tự liên hệ với Công ty để “năn nỉ” họ thu mua. Bức xúc với cách làm việc của doanh nghiệp và cách hành xử của Giám đốc Hợp tác xã Hưng Thuận, trong khi thời gian thu hoạch lúa đã trễ gần 20 ngày, cây lúa khô đến tận gốc, nhiều hạt rơi rụng, thiệt hại ngày một lớn nên ông phải gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng, mong tìm được hướng giải quyết.

Lúa chín khô trên đồng vì thu hoạch trễ (ảnh chụp ngày 28.4)

Doanh nghiệp sẽ "chấn chỉnh thái độ, lời nói của nhân viên đối với nông dân"

Bà L.T.M.H đại diện Công ty cổ phần sản xuất thương mại LVV cho biết, với mong muốn xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo chất lượng cao trên địa bàn tỉnh, doanh nghiệp của bà đã triển khai hợp tác với hai hợp tác xã sản xuất lúa giống ST25 tại hai xã Phước Chỉ và Hưng Thuận thuộc thị xã Trảng Bàng, trong đó có HTX dịch vụ thuỷ lợi nông nghiệp Hưng Thuận. Đồng thời, xây dựng nhà máy chế biến lúa gạo chất lượng cao với quy mô lớn tại ấp Thanh Trung, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành.

Theo bà H, phía Công ty LVV có ký hợp đồng với HTX Hưng Thuận sản xuất lúa chất lượng cao với giống ST25, tổng diện tích 96 ha. Trong đó, phía Công ty thực hiện cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho HTX để phân phối cho các thành viên để canh tác lúa, đến cuối vụ sẽ thu mua bao tiêu toàn bộ lúa thu hoạch và cấn trừ vào tiền thanh toán cho nông dân.

Trong quá trình canh tác, phía Công ty thường xuyên cử nhân viên kỹ thuật bám đồng, hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác theo quy trình được xây dựng nhằm bảo đảm chất lượng hạt lúa sau thu hoạch.

Đối với vụ việc ông M viết đơn kêu cứu, với nội dung cho rằng phía Công ty LVV ép giá, không thu mua là không đúng sự thật. Trên thực tế, qua bốn đợt thu hoạch trước, toàn bộ lúa của ông M và các thành viên HTX Hưng Thuận đều được thu mua toàn bộ (trong đó có một số lô lúa dưới chuẩn vẫn được Công ty thu mua).

Việc ông Minh phản ánh Công ty LVV thông báo không thu mua lúa của ông là không chính xác, vì trước khi ông Minh gửi đơn kêu cứu thì bà và Ban Giám đốc Công ty không hề được lãnh đạo HTX Hưng Thuận thông báo về vụ việc, đồng thời, chủ trương của Công ty là thu mua toàn bộ lúa cho nông dân.

Để giải quyết vụ việc, ngay khi nhận được thông tin có đơn kêu cứu, bà đã chỉ đạo cán bộ Công ty đến làm việc và thoả thuận với ông M về thời gian thu hoạch lúa ngay, giảm thiểu thiệt hại, toàn bộ lúa được thu mua với giá loại I, 8.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, ông M không đồng ý với phương án của Công ty đưa ra, mà yêu cầu phải bồi thường thiệt hại. Qua thảo luận, Công ty LVV đồng ý thu mua lúa của ông M với giá lúa loại I và hỗ trợ 16 triệu đồng (tương đương 2 tấn lúa). Đến ngày 2.5, toàn bộ lúa của ông M đã được thu hoạch dứt điểm.

Nói về thông tin ông M phản ánh việc nhân viên thu mua của Công ty thông báo không thu mua lúa của ông M với lý do lúa kém chất lượng, bà H lý giải, trong quá trình thu mua những lần trước đó, nhiều đợt thu hoạch, lúa của ông M đều không đạt chuẩn, khiến hạt gạo sau chế biến không đủ chất lượng, có thể vì lo lắng quá nên bà T đã nói như vậy chứ chưa hề báo cáo lãnh đạo công ty. Do đó, bà sẽ làm việc lại với nhân viên này nhằm chấn chỉnh thái độ, lời nói đối với nông dân.

Minh Dương