Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Làm thế nào để phát triển nông nghiệp bền vững?
Thứ sáu: 03:00 ngày 14/10/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Trong xu thế hội nhập, chúng ta cần phải đánh giá đúng các cơ hội, cũng như những thách thức, để từ đó mới đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, toàn diện, mang tính đòn bẩy để đưa nền nông nghiệp Tây Ninh phát triển và hội nhập đạt kết quả cao nhất, nếu không sẽ bị trì trệ, rơi lại phía sau cùng với sự lạc hậu.

Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tham mưu Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Đề án này đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo góp ý nhiều lần, và được Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh tổ chức phản biện theo đề nghị của UBND tỉnh. Thấy rằng đây là một vấn đề lớn nên tác giả cũng muốn góp một phần ý kiến nhỏ bé của mình cho đề án.

Đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh Tây Ninh tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại thành phố Đà Lạt. Ảnh: D.N

Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá IX trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 nêu rõ: “Giá trị sản xuất nông-lâm-thuỷ sản tăng bình quân hằng năm 5,5%. Tái cơ cấu nông nghiệp bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định; nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện; ứng dụng khoa học-công nghệ, đẩy mạnh cơ giới hoá vào sản xuất. Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản năm 2015 đạt 86,78 triệu đồng/ha. Chăn nuôi duy trì ở mức ổn định. Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản tăng bình quân hằng năm đạt 11,7%, kinh tế trang trại phát triển theo chiều sâu, tập trung, nâng cao hiệu quả”.

Tuy nhiên, văn kiện Đại hội cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế không nhỏ, đó là: “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh tuy đạt được một số kết quả nhất định song nhìn chung còn chậm. Công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư có mặt hạn chế. Chưa có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, vùng lúa chất lượng cao. Một số loại cây trồng chính (mía, mì, cao su) phát triển chưa đúng định hướng quy hoạch. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp tuy được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ. Tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp chuyển dịch chậm, mới đạt 12,76%. Một số mô hình trồng rừng thiếu sự tham gia của người dân nên kết quả chưa cao. Việc kêu gọi, thu hút và triển khai các dự án đầu tư vào nông nghiệp kết quả còn hạn chế. Tài nguyên đất đai, khoáng sản sử dụng chưa hiệu quả, đóng góp cho ngân sách thấp”.

Từ đánh giá như trên, yêu cầu xây dựng “Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” là hết sức cần thiết, là một bước để cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh; trong đó, những nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên, chủ yếu trong nhiệm kỳ 2015-2020 là phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp-kinh tế nông thôn.

Việc xây dựng đề án này, ngoài việc nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh đồng thời khắc phục những yếu kém mà nền nông nghiệp Tây Ninh gặp phải, bên cạnh đó, trong xu thế hội nhập, chúng ta cần phải đánh giá đúng các cơ hội, cũng như những thách thức, để từ đó mới đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, toàn diện, mang tính đòn bẩy để đưa nền nông nghiệp Tây Ninh phát triển và hội nhập đạt kết quả cao nhất, nếu không sẽ bị trì trệ, rơi lại phía sau cùng với sự lạc hậu.

 Nhìn chung, các mục tiêu trong đề án đưa ra khá chi tiết, có bám theo các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh và có căn cứ vào thực tế của ngành Nông nghiệp Tây Ninh hiện nay.

Tuy nhiên, qua đề án ta thấy những nội dung tái cơ cấu và giải pháp đã nêu có thể không mang lại nhiều hy vọng và mức độ khả thi không cao, dẫn chứng ra mấy vấn đề như sau:

Thứ nhất: Giữa các chỉ tiêu tái cơ cấu với giải pháp thực hiện chưa tương xứng. Cụ thể, về trồng trọt, cây lúa được nêu đầu tiên, trong đó có nội dung như đến năm 2020, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn tỉnh dự kiến đạt 138.120 ha, năng suất bình quân 6 tấn/ha. Phấn đấu đến năm 2020 xây dựng vùng lúa chất lượng cao với quy mô 17.250 ha, ở các huyện Trảng Bàng, Châu Thành, Gò Dầu, Hoà Thành và Dương Minh Châu. Quy hoạch và xây dựng hoàn chỉnh cánh đồng lớn đối với cây lúa. Về cây cao su, dự kiến đến năm 2020 diện tích sẽ giảm còn 85.000 ha. Về cây mì, dự kiến đến năm 2020 diện tích sẽ tăng lên 62.000 ha. Về cây mía, dự kiến đến năm 2020 diện tích khoảng 20.000 ha…

Trong các định hướng và nội dung tái cơ cấu có nêu ra nhiều giải pháp. Những giải pháp này đã được nêu từ lâu, nêu rất nhiều, nhưng làm cách nào để thực hiện, ai chịu trách nhiệm thực hiện thì chưa nói được. Mặt khác, đề án đặt vấn đề tăng giảm diện tích, nhưng không giải quyết được câu hỏi tại sao loại cây trồng này tăng, loại kia giảm, tăng bằng cách nào, giảm bằng cách nào, đề án cũng chưa làm rõ, kể cả việc tăng giảm này có nên đặt thành vấn đề “theo kiểu chủ quan duy ý chí không”. Nên nhớ có 2 yếu tố chính chi phối vấn đề này, đó là chính sách của Nhà nước và cơ chế thị trường; trong khi những giải pháp về vấn đề này lại quá chung chung và nó cần phải được cụ thể hoá trong đề án.

Thứ hai: Còn nhiều nội dung chưa phù hợp, cần xem xét điều chỉnh. Cụ thể, đề án nêu Tây Ninh có 83% đất xám bạc màu và coi đây là “điểm yếu” có vẻ chưa phù hợp lắm. Thực tế, trong quá trình canh tác, đất nào rồi cũng bạc màu. Theo số liệu thống kê được Cục Thống kê Tây Ninh công bố và trong đánh giá hiện trạng sử dụng đất hiện nay, được nêu trong đề án ở một số cây trồng, vật nuôi cho ta thấy, Tây Ninh đã canh tác và cải tạo nhiều cây trồng có năng suất vào tốp đầu của các tỉnh Đông Nam bộ, như năng suất lúa bình quân 5,28 tấn/ha; mì 32,2 tấn/ha; mía 73,3 tấn/ha… Chất lượng cây cao su tốt nhất Đông Nam bộ. Nhiều cây ăn quả cho sản phẩm chất lượng cao như: mãng cầu, xoài tứ quý, ổi, thanh long ruột đỏ. Như vậy, không nên coi đây là điểm yếu, mà phải nói rằng với cấu tạo chất đất của Tây Ninh, cùng với địa hình bằng phẳng, nước tưới, tiêu chủ động, ít có thiên tai bão, lũ... đó là điểm mạnh của Tây Ninh trong phát triển ngành Nông nghiệp hiện tại và tương lai.

Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững, ngoài “nước, phân, cần, giống” thì áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng phương thức quản lý tiên tiến và có đội ngũ lao động, quản lý có tay nghề, có kiến thức là vô cùng quan trọng. Đề án chưa đưa ra được giải pháp cụ thể làm thế nào để thực hiện được các vấn đề trên. Mặt khác, đề án chưa nêu rõ giải pháp chế biến và tiêu thụ; trong đó, thiết nghĩ đề án cần nêu được các vấn đề tương đối cụ thể hơn.

Thí dụ: Về chế biến ưu tiên tập trung cho ngành nào, chẳng hạn như: chế biến cao su, chế biến mía với những sản phẩm tinh, giá trị cao khi xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, hạn chế xuất thô. Muốn vậy cần có chính sách gì để thực hiện giải pháp đó. Đây là vấn đề mấu chốt để nâng giá trị gia tăng, cần phải có sự đầu tư những nhà máy chế biến tại chỗ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến, bảo quản đủ điều kiện xuất khẩu và tiêu thụ trong nước vì hiện nay sản phẩm chế biến của tỉnh còn thô, thiếu tính cạnh tranh trên thị trường; sản xuất sản phẩm sạch, tiêu thụ sản phẩm sạch cũng cần thiết phải đặt ra để làm nền tảng thực hiện an toàn thực phẩm và sản xuất mang tính bền vững.

Đề án cũng đưa ra các phương án về tỷ trọng chăn nuôi, thiết nghĩ Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh đã nêu cụ thể, đề án chỉ bàn giải pháp nào để phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, hiện đại, năng suất, chất lượng cao, mang tính cạnh tranh với trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân, qua đó thực hiện cho được nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, mà không nên đặt ra các con số khác. Ngay cả việc phân vùng phát triển nông nghiệp, thực chất cũng không thể tách bạch một cách chính xác, nên cũng không cần phải phân vùng tách bạch như trong đề án, tạo thêm phức tạp cho công tác quản lý.

Thứ ba: Đề án chưa đề cập đến giải pháp tuyên truyền, nâng cao trình độ người dân để họ chuyển biến về nhận thức, và tổ chức thực hiện. Đây có lẽ là một trong những giải pháp quan trọng để kêu gọi đầu tư, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững. Mặt khác, đề án cũng cần tính đến các yếu tố sẽ tác động kéo theo đến việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tạo niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự đồng thuận xã hội, góp phần củng cố chính quyền nhân dân, giảm tiêu cực và các tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh.

Thứ tư: Ngoài đề án tổng thể với 12 giải pháp như trên, trong đề án còn đề xuất 2 chương trình, 4 dự án, 5 đề án sẽ được ưu tiên đầu tư. Thiết nghĩ cần nghiên cứu cách xây dựng các chương trình, dự án, đề án cho phù hợp, vì chúng ta đã phải tốn kém công sức, tiền của cho một đề án chung như thế này, mà muốn thực hiện lại phải có các chương trình, dự án, đề án cụ thể khác, thế có hợp lý không? Nên chăng tuỳ theo lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thuỷ sản, lâm nghiệp, dịch vụ, chế biến… chúng ta nên nghiên cứu lĩnh vực nào chỉ cần xây dựng chương trình thực hiện, lĩnh vực nào cần phải xây dựng dự án, đề án một cách cụ thể, để rồi bắt tay vào thực hiện thì sẽ tiện lợi, hiệu quả hơn nhiều.

Với mong muốn và với ước vọng là Tây Ninh sẽ nhanh chóng đạt được những thành tựu trên mọi mặt đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nên tác giả mạnh dạn trao đổi một số vấn đề theo suy nghĩ riêng của mình, hy vọng góp một phần bé nhỏ vào đề án của tỉnh.

NGUYÊN KHÔI

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh