Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trong lần làm việc với Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo một trường dạy nghề cho biết, huy động 30% học sinh còn chưa được, nay tăng lên 45% quả thực rất khó.
Học sinh lớp 9 thi vào lớp 10.
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019 - 2025” trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Đề án). Thực tế, hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau giáo dục phổ thông không phải bây giờ mới được đề cập, song để đạt được kết quả như kỳ vọng của Đề án, không phải không có những thách thức.
PHẤN ĐẤU ĐẾN NĂM 2025, 40% HỌC SINH THCS THEO HỌC CÁC TRƯỜNG NGHỀ
Mục tiêu chung của Đề án là nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Đồng thời, phát huy những kết quả đạt được, tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp (GDHN) trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2020, phấn đấu đạt ít nhất 55% trường THCS, 60% trường THPT có chương trình GDHN gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương. Ít nhất 55% trường THCS, 60% trường THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.
Phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; 40% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng. Đến năm 2025, phấn đấu 100% trường THCS và THPT có chương trình GDHN gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; 100% trường THCS và THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng.
Để triển khai Đề án có hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu ngành Giáo dục và các ban, ngành liên quan nâng cao nhận thức về GDHN và định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Trong đó chú ý đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý giáo dục (QLGD) các cấp, các cơ sở giáo dục phổ thông, cha mẹ học sinh, học sinh và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của GDHN và định hướng phân luồng học sinh phổ thông.
Đồng thời đưa nhiệm vụ GDHN và định hướng phân luồng học sinh phổ thông vào chủ trương, kế hoạch chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương. Các cấp, ngành liên quan xây dựng trang thông tin về GDHN và định hướng phân luồng học sinh liên thông; hình thành cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp, thị trường lao động và thông tin, dữ liệu liên quan đến ngành, nghề; mô tả ngành, nghề và thông tin tuyển dụng, sử dụng lao động của từng ngành, nghề tương ứng với từng địa phương; kết nối giữa các trường phổ thông với cơ quan dự báo nhu cầu nhân lực, hội nghề nghiệp, hội doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở GDNN và các doanh nghiệp.
Đề án cũng yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức GDHN trong trường phổ thông; xây dựng mô hình thí điểm các trường THCS và trường THPT về GDHN và định hướng phân luồng học sinh tại một số huyện, thành phổ, trong đó áp dụng phương thức hướng nghiệp tiên tiến, có sự tham gia của các cơ sở GDNN, các doanh nghiệp…
KHÓ NHƯ TRÔNG ĐỢI
“Tôi mới đi dự một lớp tập huấn dài ngày do Bộ GD-ĐT tổ chức. Đợt tập huấn có nhiều nội dung, trong đó có cả vấn đề hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau giáo dục phổ thông. Trong đợt tập huấn, khi đề cập đến chủ trương phân luồng, một chuyên viên cao cấp của Bộ GD-ĐT đã thẳng thắn nói rằng, chủ trương này không sai nhưng kết quả đã, đang và sẽ không được như trông đợi, bởi hàng loạt nguyên nhân khác nhau”- một cán bộ đang làm công tác quản lý trong ngành Giáo dục ở cấp huyện cho biết.
Về phần mình, vị này bày tỏ quan điểm, chủ trương đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và phân luồng nhằm cân đối nguồn lực lao động qua đào tạo, nhưng thời gian qua cho thấy, dù được ủng hộ nhưng việc phân luồng khó thành công. Vị cán bộ phân tích, tâm lý học hành, thi cử, danh hiệu, hình thức, danh vọng… trong đời sống xã hội còn nặng nề. Có thể dễ dàng nhận thấy điều đó, khi gặp nhau, phụ huynh, bạn bè cùng lứa với nhau thường mở đầu bằng câu “con ông làm nghề gì”.
Vị cán bộ cũng bày tỏ quan điểm, chủ trương đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp, phân luồng chỉ là một nội dung cụ thể của các hoạt động giáo dục. Song, động đến vấn đề này sẽ đặt ra hàng loạt vấn đề khác, trong đó, phải nói đến cơ cấu nguồn lao động qua đào tạo, chế độ, thu nhập dành cho từng nhóm ngành nghề. “Một số ngành nghề, cơ sở đào tạo có sức thu hút mạnh người học có nguyên nhân khá đơn giản, vì được bao cấp, bảo đảm có việc làm sau khi ra trường với mức thu nhập khá”- vị cán bộ bày tỏ quan điểm.
Nhìn nhận về giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông, một vị cán bộ khác nhận xét, hoạt động này đã có từ lâu nhưng chỉ có tính hình thức. Mỗi tháng có vài tiết hướng nghiệp nhưng chỉ là những tiết học ngoại khoá, không phải chính khoá trong thời khoá biểu. Tuỳ từng đơn vị, cơ sở giáo dục, có trường giao cho giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm công tác hướng nghiệp, có trường do hiệu trường đảm nhiệm nhưng phần lớn chỉ làm… cho có. Khi được hỏi ý kiến về các con số, tỷ lệ trong giáo viên làm công tác hướng nghiệp được nêu trong Đề án, người này cho rằng, tỷ lệ bao nhiêu không quá quan trọng, điều cần bàn là hiệu quả của công tác hướng nghiệp như thế nào, bởi vì công tác hướng nghiệp trong nhà trường không phải bây giờ mới được nói tới.
Đề án của UBND tỉnh được ban hành trên cơ sở Quyết định 522/QĐ-TTg ngày 14.5.2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”. Tinh thần chính của Quyết định 522 là nâng dần tỷ lệ học sinh sau giáo dục phổ thông vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Quyết định 522 ghi rõ, đến năm 2020, ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 25%; ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.
Năm 2025, ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%; ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%.
Sau khi Quyết định 522 được ban hành, trong một số lần giám sát, khảo sát của cơ quan dân cử đối với ngành Giáo dục, các bản báo cáo, tổng kết, sơ kết, hội nghị, hội thảo... đều thừa nhận, việc nâng tỷ lệ học sinh sau THCS đi học tại các trường nghề là không đạt được. Cần lưu ý, trước khi có Quyết định 522 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2011, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 10, trong đó quy định, đến năm 2020, “phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề”.
Nói như vậy để thấy, câu chuyện phân luồng, giáo dục nghề nghiệp, công tác hướng nghiệp đã được quan tâm từ rất lâu song hiệu quả thu được lại thấp. Chỉ còn một năm nữa là đến năm 2020, theo quy định phải có 30% học sinh THCS đi học nghề, song cho đến năm 2018, tại Tây Ninh, các số liệu ghi nhận chỉ mới có khoảng 5% học sinh sau THCS vào trường nghề.
Trong lần làm việc với Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo một trường dạy nghề cho biết, huy động 30% học sinh còn chưa được, nay tăng lên 45% quả thực rất khó. Việc học sinh không mặn mà với trường nghề có đến hàng chục nguyên nhân, trong đó có ba điều được bàn nhiều. Thứ nhất, học sinh phổ thông không thích học trường trung cấp, cao đẳng nghề.
Đây là điều có thật. Khi các em không thích học, chẳng ai có thể định hướng hay ép buộc. Thứ hai, các cơ sở dạy nghề, không phải trường nào cũng đủ hấp dẫn để thu hút người học. Và cuối cùng, chính sách, quy hoạch phát triển bộc lộ nhiều nghịch lý, mâu thuẫn. Ví dụ, việc tuyển gần hết học sinh sau THCS vào THPT khiến cho cơ sở dạy nghề không còn hoặc còn rất ít nguồn tuyển. Các số liệu từ nhiều năm qua, kể cả gần đây cho thấy, số học sinh sau khi học xong lớp 9 vào học trường nghề rất ít.
Đ.V.T