Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Làm YouTube 'nhảm' kiếm trăm triệu đồng mỗi tháng
Thứ ba: 10:06 ngày 13/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Kênh YouTube của Nguyễn Văn Hưng, Nguyễn Thành Nam, Ngô Bá Khá có doanh thu ước tính hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, chủ yếu tới từ quảng cáo trong video.

Doanh thu của một kênh YouTube có thể đến từ nhiều nguồn, như quảng cáo Google, tài trợ của nhãn hàng, quyên góp từ người hâm mộ, hoặc bán sản phẩm của chính chủ kênh. Trong đó, quảng cáo mà Google đặt trên video là nguồn thu chính của nhiều kênh YouTube.

Theo anh Vũ Khiêm, quản trị viên một cộng đồng người làm YouTube tại Việt Nam, số tiền nhận được từ quảng cáo của Google ít khi được tiết lộ, nhưng có thể ước tính dựa trên số lượt xem mà kênh đó đạt được mỗi tháng.

Anh Khiêm cho biết, chỉ số RPM (doanh thu trên mỗi một nghìn lượt xem) của các kênh YouTube Việt Nam không cao so với thế giới, đồng thời có tính mùa vụ, nhưng một nghìn lượt xem cũng đạt khoảng 0,15 đến 0,2 USD. Như vậy, với một triệu lượt xem, một kênh YouTube có thể thu về 150 đến 200 USD (3,7 - 4,6 triệu đồng). Tuy nhiên, người làm YouTube không thể "ăn trọn" khoản tiền trên. Họ phải chia cho mạng lưới hỗ trợ quản lý và phát triển kênh (Multi-channel Network) khoảng 20 đến 50%. "Kênh càng lớn, thỏa thuận chia sẻ phần trăm sẽ ít hơn", anh Khiêm chia sẻ.

Thống kê của SocialBlade cho thấy Việt Nam có hàng trăm kênh YouTube đạt số lượt xem mỗi tháng từ vài chục triệu đến vài trăm triệu. Với cách ước tính doanh thu trên, nhiều kênh thu về "chục nghìn USD" (trên 200 triệu đồng) sau mỗi 30 ngày.

Theo số liệu từ SocialBlade, kênh YouTube của Nguyễn Văn Hưng, người từng bị phạt 2 lần vì đăng video không phù hợp thuần phong mỹ tục, có lượt xem trung bình khoảng 50 triệu trong vài tháng gần đây. Như vậy, kênh này có thể thu về khoảng 7.500 - 10.000 USD (173 đến 230 triệu đồng) mỗi tháng. "Kênh của Hưng làm các video dài hơn 10 phút, nên YouTube có thể đặt nhiều quảng cáo hơn. Thực tế, chỉ số RPM có thể cao hơn nữa", anh Khiêm nhận định. Theo anh Khiêm, Hưng có thể thu về hàng trăm triệu đồng từ kênh của mình. Tuy nhiên, kênh này hiện đã bị YouTube tắt tính năng kiếm tiền.

Trước khi bị tắt kiếm tiền, kênh của Hưng có thể thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Ngô Bá Khá, chủ sở hữu kênh YouTube Khá Bảnh, từng khai có tháng thu về hơn 400 triệu đồng từ YouTube do có nhiều lượt xem. Trước khi bị xóa, kênh này đạt gần 2 triệu lượt đăng ký. Nguyễn Thành Nam, chủ một kênh YouTube hơn 9 triệu lượt đăng ký, cũng từng tiết lộ nhận được khoảng 22.000 USD cho gần 100 triệu lượt xem trong một tháng, dù nội dung trên kênh bị đánh giá là nhảm nhí.

Một chuyên gia về YouTube cho biết doanh thu từ quảng cáo trên video phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như độ dài, nội dung và hành động trong video, ngôn ngữ, khả năng giữ người xem, thậm chí video có vi phạm bản quyền hình ảnh, âm thanh không. Sau khi xem xét, YouTube mới đưa ra quảng cáo phù hợp với tệp người xem video đó. "Video dài, cuốn hút, nội dung có thể giữ người xem ở lại lâu, nhiều lượt xem..., thu nhập của 'YouTuber' sẽ cao, và ngược lại", chuyên gia này cho biết.

Thu nhập phụ thuộc vào số lượt xem nên các chủ kênh luôn chịu áp lực phải liên tục ra video, hoặc ra video thu hút càng nhiều lượt xem càng tốt. "Áp lực câu 'view' hàng ngày khiến các kênh nội dung này ngày càng nhảm", ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định.

Khi đi theo hướng "nhảm nhí", chủ kênh có thể thu về lượt xem cao, nhưng kênh sẽ đối diện với nhiều vấn đề, như bị xã hội lên án, thậm chí bị cơ quan quản lý phạt. Kênh của Nguyễn Văn Hưng và nhiều YouTuber nổi tiếng khác đã bị YouTube tắt tính năng kiếm tiền, bị cơ quan quản lý yêu cầu xóa video. Trong chia sẻ gần nhất, Hưng cho biết thời gian qua "buồn và áp lực" vì trở thành tâm điểm của chỉ trích sau những video không phù hợp với thuần phong mỹ tục, đồng thời thừa nhận làm vậy vì thiếu hiểu biết.

Ngoài ra, nội dung nhảm cũng khiến kênh bị mất doanh thu từ nguồn tài trợ của các nhãn hàng. Theo tiết lộ từ một đối tác của kênh Nguyễn Văn Hưng, để sản phẩm xuất hiện trên video của kênh, đơn vị này phải trả khoảng 20 triệu đồng cho mỗi video. Tuy nhiên thời gian qua, các video chứa quảng cáo chỉ xuất hiện lác đác trên kênh của Hưng.

Huy Quang, chủ sở hữu một kênh YouTube với hơn 160 nghìn lượt subscribe, cho rằng làm YouTube là nghề nhiều may rủi và không phải ai cũng kiếm tiền được từ nghề này. "Một kênh YouTube với vài trăm nghìn lượt đăng ký khó kiếm tiền đều, trừ khi được các hệ thống lớn hỗ trợ", Quang nói. Anh đã mất hơn 3 năm phát triển kênh video của mình. Mỗi một triệu lượt xem, kênh của anh được YouTube trả 6 đến 9 triệu đồng. Tuy nhiên, để có một triệu lượt xem đó, Quang phải làm cả trăm video, đầu tư máy móc, thiết bị và nội dung liên tục.

"Khó khăn nhất là phải liên tục nâng cao kiến thức để cải tiến nội dung, nếu không sẽ chẳng có người xem. Ngoài ra, còn phải liên tục ra video mới và tuân 'luật chơi' của YouTube. Nếu không có định hướng rõ ràng, kênh rất dễ trở nên nhảm nhí", Huy Quang cho biết.

Mới đây, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công an, nghiên cứu, xử lý các video giật gân trên mạng xã hội. Bộ TT&TT đã xây dựng Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia, Trung tâm lưu chiểu truyền thông số quốc gia, để tìm hiểu thông tin tiêu cực trên không gian mạng và có biện pháp xử lý kịp thời. Ngoài ra, Bộ cũng hợp tác với các nền tảng xuyên biên giới để yêu cầu xử lý các thông tin ảnh hưởng tới cộng đồng.

Nguồn VNE

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục