Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Người dân ở khu vực Bến Lầy (giáp với Suối Cao) phản ánh một người có đất đối diện phía bên kia suối dùng máy móc đào ao, lấy đất, đá san gạt mặt bằng... có dấu hiệu lấn chiếm phạm vi lưu không suối.
.
Ông Ché (phía trước) và một hộ dân có đất giáp suối cho rằng việc ông Quang thả đá tảng ra cặp bìa suối như thế này gây cản trở dòng chảy
Theo phản ánh của ông Đặng Văn Ché và một số hộ dân có đất nông nghiệp tại khu vực Bến Lầy (giáp với Suối Cao, thuộc địa bàn ấp 6, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu), cách nay khoảng 5 tháng, ông Nguyễn Hữu Quang, người có đất đối diện phía bên kia suối (ấp 4, xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu) dùng máy móc đào ao, lấy đất, đá san gạt mặt bằng, đắp làm đường đi trên bờ suối.
Ông Quang còn cho đóng trụ bê tông lấn ra lòng suối, thả đá và san gạt đất xuống nhằm cơi nới mặt bằng, cất nhà mát, xây dựng hàng rào trong phạm vi lưu không suối.
Ông Ché và một số hộ dân nói trên cho rằng, ông Quang làm như vậy là vi phạm lưu không suối, gây cản trở dòng chảy tự nhiên. Vào mùa mưa, dòng Suối Cao có lượng nước rất lớn, thuỷ lực mạnh chảy đến đây (nhất là tại những khúc cua) đụng phải công trình đất, đá, trụ bê tông, hàng rào kiên cố sẽ đẩy dòng chảy qua hướng bên kia bờ, nguy cơ sạt lở đất nông nghiệp của người dân. Ông Ché và các hộ dân có đất nông nghiệp giáp suối hướng đối diện kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết, buộc ông Quang trả lại nguyên trạng của dòng suối.
Ngày 23.3, tổ công tác HĐND và UBND xã Bến Củi đến đoạn suối đang đề cập, ghi nhận tình hình sử dụng đất tại vị trí cặp suối thuộc thửa số 30, 78 (tờ bản đồ số 12) đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Nguyễn Hữu Quang và bà Nguyễn Thị Hồng; trước sự chứng kiến của ông Ché và một số hộ dân có đất nông nghiệp giáp bờ suối đối diện.
Tổ công tác và người dân liên quan tại công trình nhà mát của ông Quang bên bờ suối.
Theo biên bản, tổ công tác ghi nhận hàng rào B40 của ông Quang có phần lấn ra lưu không suối; kể cả việc trồng cây dừa, cất nhà mát, để đá tảng cũng có phần vi phạm lưu không suối. Ông Ché nêu ý kiến đề nghị ông Quang di dời đoạn hàng rào B40, đá tảng để cặp bờ suối (kể cả những tảng đá đã rớt xuống lòng suối) và phần diện tích xây dựng nhà mát vi phạm lưu không suối nhằm trả lại nguyên trạng của dòng suối.
Ông Nguyễn Hữu Quang cam kết khắc phục những nội dung vừa nêu trong thời hạn 30 ngày (kể từ ngày lập biên bản). Riêng đoạn bờ suối giáp với nhà mát, ông cho máy móc đất và đóng cừ thụt vào bờ 1m. Vì theo ông Quang, công trình nhà mát này chỉ cất tạm, không ảnh hưởng đến dòng chảy của suối, khi nào Nhà nước buộc tháo dỡ thì ông chấp hành và không yêu cầu bồi thường.
Đại diện HĐND và UBND xã Bến Củi đề nghị ông Nguyễn Hữu Quang nghiêm túc khắc phục các nội dung tại biên bản làm việc. Đối với đoạn bờ suối giáp nhà mát, ông Quang phải móc đất từ mép bờ hiện trạng thụt vào trong đất 1m và không được cắm cừ bằng trụ xi măng. Những người có liên quan tại buổi làm việc đều ký tên vào biên bản.
Qua trao đổi, ông Quang cho hay dòng suối thường xảy ra tình trạng sạt lở, việc người dân đóng cừ để giữ đất là chính đáng, bên phía ông Ché và một số hộ dân đang phản ánh cũng đóng cừ cây sát mép nước nhằm tránh gây sạt lở đất nông nghiệp.
Đối với một số cây trụ bê tông mà trước đó ông Quang đóng cừ có phần lấn ra lòng suối, sau khi được chính quyền nhắc nhở ông đã nhổ bỏ lên bờ. Những cục đá tảng để trên lưu không suối nhằm cho đẹp chứ không cản trở dòng chảy của suối. Do vậy, ông Quang mong muốn bà con thông cảm, cùng nhau đóng cừ giữ đất, tránh gây sạt lở, miễn sao không làm ảnh hưởng đến dòng chảy của suối.
Ông Ché kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ việc ông Quang lấy đất, đá tại dãy đồi để san lấp mặt bằng vi phạm lưu không suối.
Ông Đặng Văn Ché đồng ý với việc người dân đóng cừ tránh gây sạt lở bờ suối, trước đây ông Quang đóng cừ bằng cây thì ông không ý kiến, vì đây là cách làm phổ biến của người dân có đất cặp sông, suối.
Tuy nhiên, từ khi ông Quang chuyển sang đóng cừ bằng trụ bê tông kiên cố, thả đá tảng và san gạt đất như đã diễn ra là có dấu hiệu lấn chiếm phạm vi lưu không suối, đó là phạm vi đất công do Nhà nước quản lý; mặt khác, phát sinh việc “dội” dòng chảy mạnh qua hướng bờ đối diện, dễ gây sạt lở.
Hàng rào B40 của ông Quang có phần lấn ra lưu không suối.
Ông Quang để đá tảng trên lưu không suối.
Ông Nguyễn Thành Đô- Phó Chủ tịch UBND xã Bến Củi cho biết, trước mắt, xã ghi nhận hiện trạng ông Quang sử dụng đất như biên bản đã làm việc. Về việc vi phạm vào lưu không suối với diện tích cụ thể như thế nào thì cần có cơ quan chuyên môn cấp trên hỗ trợ đo đạc, xác định, vì dòng suối trên thực tế có chỗ rộng, chỗ hẹp, bên lở, bên bồi. Trên cơ sở xác định lại dòng suối, sai phạm đến đâu thì tiến hành xử lý và khắc phục đến đó.
Điều 26 Nghị định 36/2020/NĐ-CP ngày 24.3.2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản như sau:
“… 2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi khai thác khoáng sản, khoan, đào, xây dựng công trình, vật kiến trúc trong hành lang bảo vệ nguồn nước gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa.
3. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây mà không có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường, trừ các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi:
a) Xây dựng kho bãi, bến, cảng, cầu, đường giao thông, các công trình ngầm và công trình kết cấu hạ tầng khác.
b) San, lấp, kè bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa nước thủy lợi, thuỷ điện, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo, trừ trường hợp xây dựng công trình cấp bách phục vụ phòng, chống, khắc phục thiên tai, công trình phòng, chống sạt lở, chỉnh trị ở các tuyến sông có đê, công trình phòng, chống thiên tai...
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tháo dỡ công trình vi phạm quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này".
Quốc Sơn