Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Vấn đề hạt nhân Triều Tiên, vấn đề chủ quyền quốc gia, một loạt điểm nóng trên thế giới từ Syria tới Venezuela là những nội dung được đề cập trong bài phát biểu đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong phiên họp cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra ngày 19/9 tại thành phố New York.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Khác biệt so với nhiều bài phát biểu của các tổng thống Mỹ trước đó, bài phát biểu của Tổng thống Donald Trump tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bắt đầu bằng việc thông báo tình hình kinh tế đang tăng trưởng rất tốt của nước Mỹ kể từ khi ông nhậm chức, như việc thị trường chứng khoán khởi sắc, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử.
Tiếp đến, ông tái khẳng định nguyên tắc "nước Mỹ trên hết" đồng thời nhấn mạnh rằng, nguyên tắc này không chỉ phù hợp với mục tiêu hợp tác quốc tế, mà còn là nền tảng hợp lý cho mỗi quốc gia tham gia quá trình hợp tác, bởi tất cả các quốc gia có chủ quyền đều đặt nhu cầu của người dân lên trên hết.
Bài phát biểu của Tổng thống Mỹ đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề chủ quyền của các quốc gia. Ông kêu gọi thế giới phản đối mọi mối đe dọa đối với chủ quyền tại nhiều quốc gia và khu vực, từ Ukraine tới Biển Đông. Ông nêu rõ: "Chúng ta phải phải tôn trọng luật pháp, tôn trọng biên giới, tôn trọng tương lai và sự can dự hòa bình".
Cũng trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Trump đề cập đến hàng loạt các vấn đề nóng bỏng hiện nay, từ nguy cơ xung đột ở nhiều khu vực, chủ nghĩa khủng bố cho đến vấn đề người tị nạn mà thế giới đang phải gồng mình đối phó. Nhấn mạnh đến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Trump cho rằng, tham vọng theo đuổi vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đang đe dọa toàn bộ thế giới.
Ông kêu gọi tất cả các nước thành viên Liên Hợp Quốc tăng cường sức ép buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ những tham vọng hạt nhân và tên lửa. Ông cảnh báo rằng nước Mỹ sẽ buộc phải sử dụng hành động cứng rắn đối với Triều Tiên nếu "những sức ép ngoại giao không kiềm chế được chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng".
“Mỹ có sức mạnh và sự kiên nhẫn, nhưng nếu nước Mỹ bị buộc phải bảo vệ mình và các đồng minh, chúng tôi không có lựa chọn nào khác là phải hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên”, ông Trump nói.
Bên cạnh vấn đề Triều Tiên, ông Trump cũng nhắc đến Iran khi cho rằng nước Mỹ không thể tuân thủ một hiệp định tạo vỏ bọc cho việc xây dựng một chương trình hạt nhân. Về cuộc chiến tại Syria, lãnh đạo nước Mỹ cho biết đang nỗ lực tìm cách tháo ngòi nổ cho cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này.
Cũng liên quan đến khu vực, ông Trump cho biết, Mỹ và các đồng minh đang phối hợp nhằm truy quét các tàn dư khủng bố và ngăn chặn việc tái hình thành các thiên đường ẩn náu mới cho khủng bố. Ngoài ra, Tổng thống Trump đã nhắc đến tình hình một số nước khu vực Mỹ Latinh, kêu gọi ủng hộ dân chủ và quyền tự quyết của người dân.
Trước đó, phát biểu khai mạc sáng cùng ngày, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng cho rằng, hàng triệu người trên thế giới đang sống trong nỗi khiếp sợ do các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo mang tính khiêu khích của Triều Tiên.
Ông cũng cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân trong bối cảnh căng thẳng như hiện nay.
“Chúng ta không được phép sảy chân vào một cuộc chiến tranh. Khi căng thẳng dâng cao cũng là lúc khả năng tính toán sai lầm tăng lên. Những phát ngôn giận dữ sẽ chỉ dẫn tới những sai lầm chết người”, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cho biết.
Theo ông Guterres, lối thoát cho tình hình căng thẳng hiện nay “phải là giải pháp chính trị” và đã đến lúc cần tới vai trò của các nhà lãnh đạo trong việc giải quyết vấn đề này. Ông cũng kêu gọi sự đoàn kết của Liên Hợp Quốc trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân.
Phát biểu của Tổng Thư ký Guterres được cho là nhằm vào nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump - hai người thường xuyên đưa ra những cảnh báo sắc lạnh nhằm vào nhau trong bối cảnh căng thẳng ngày càng bị đẩy lên cao.
Nguồn chinhphu