Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 1-12, TS – BS Vũ Hữu Vĩnh, Trưởng Khoa Ngoại – lồng ngực, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, lần đầu tiên bệnh viện mình thực hiện thành công ca phẫu thuật hiếm gặp và phức tạp. Ca mổ với cùng bệnh lý tương tự chưa từng được ghi nhận tại Việt Nam.
Bệnh nhân là Tô Thùy T., 48 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân (TP.HCM). Bà T. mang trong mình khối u xương ức suốt 10 năm qua. Ban đầu khối u chỉ nhỏ như quả chanh, khoảng 3 năm gần đây phát triển rất nhanh, đạt tới kích thước khổng lồ (bề rộng tới 30 cm).
Khối u nứt, bể ra, con gái của bệnh nhân kể, phải lấy ly nhựa hứng máu từ vết thương của mẹ.
Khối u xương ức khổng lồ trước khi phẫu thuật.
Khối u quá lớn, chèn ép tim phổi người bệnh. Chồng bệnh nhân đang ở nước ngoài, bà T. được 6 người con thay nhau chăm sóc, đưa đi chạy chữa khắp nơi không kết quả. Tất cả các bệnh viện đều lắc đầu, trả lời không thể phẫu thuật, bởi cắt bỏ xương ức đi sẽ không có bộ phận nào thay thế được.
Cách đây 10 ngày, bà T. nhập Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng mất máu. Bác sĩ Vĩnh và đồng nghiệp vô cùng dè dặt. Bệnh viện đã từng gặp vài bệnh nhân có khối u xương ức to bằng quả cam. Vậy mà khi phẫu thuật, bệnh nhân đã suýt không qua khỏi. Huống hồ đây lại là khối u xương ức khổng lồ, cắt bỏ đi đồng nghĩa phải bỏ hết luôn xương ức.
“Bệnh nhân vẫn trong tình trạng chảy máu. Vào thời khắc quan trọng nhất, tôi đã quyết định mổ, dù đa số thành viên trong cuộc hội chẩn lắc đầu. Ai cũng nghĩ tiên lượng tử vong khi phẫu thuật lên tới 100%, thậm chí gia đình bệnh nhân cũng cho rằng cô ấy không thể qua khỏi”, bác sĩ Vĩnh kể.
Bà T. (tay phải) đã hoàn toàn hồi phục sau ca mổ. Ảnh: Thanh Huyền.
Ca mổ đã kéo dài 5 tiếng đồng hồ. Đầu tiên, các bác sĩ bơm dung dịch để nút hai động mạch chính nuôi xương ức. Lượng máu dự trù cho ca mổ lên tới 30 đơn vị.
Sau đó, khối u được bóc tách ra trọn vẹn. Đây là khối u nhầy xơ lành tính. Xương ức của bệnh nhân cũng bị cắt bỏ hết và thay thế tạo hình bằng hai tấm titan (kích thước 20 cm x 15 cm).
Nếu không có vật liệu tạo hình thay thế xương ức, lồng ngực bệnh nhân không tạo được áp lực âm và phổi không thể thở, hô hấp như bình thường.
Ca mổ đã diễn ra, thành công một cách ngoạn mục, bệnh nhân chỉ phải truyền 1/10 lượng máu dự tính ban đầu.
Tới nay, bà T. có thể đi lại và nói chuyện. Người phụ nữ xúc động bởi không ngờ có ngày quay trở lại được cuộc sống bình thường, tiếp tục chăm sóc cho con cái.
Nguồn Vietnamnet