Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Lần đầu tiên chiếu văn trên đất Trảng
Chủ nhật: 20:28 ngày 21/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tại Ngày hội Văn hoá dân gian, thực hành diễn xướng dân gian hát văn, hầu đồng “Ông Hoàng Mười” do ca nương, Nghệ nhân ưu tú Thanh Nhàn, Nghệ nhân Thành Luân hầu đồng, Nghệ nhân Tuấn Trường đàn nguyệt, Nghệ nhân Duy Đức sáo trúc.

Biểu diễn chầu văn, hầu đồng trong Ngày hội Văn hoá dân gian.

Còn nhớ tháng 12.2022, lần đầu tiên bóng rỗi Tây Ninh biểu diễn trên đất Bắc thì vào trung tuần tháng 1.2024 lần đầu tiên chầu văn, hầu đồng của Bắc bộ biểu diễn tại Tây Ninh trong Ngày hội Văn hoá dân gian do Đoàn phường Gia Bình và Đoàn trường THPT Nguyễn Trãi (thị xã Trảng Bàng) tổ chức.

Trong tín ngưỡng thờ nữ thần, với Bắc bộ còn gọi là đạo Mẫu gắn liền với diễn xướng dân gian hát văn, hầu đồng. Theo chân cuộc Nam tiến, người Việt tiếp nhận nhiều lớp văn hoá, đến Nam bộ tục thờ Bà gắn với diễn xướng dân gian bóng rỗi.

Hát văn, hầu đồng là hình thức diễn xướng dân gian dựa trên cách sử dụng âm nhạc với các lời ca trau chuốt, cùng các nghi lễ nghiêm trang và hình thức múa để con người có thể giao tiếp với thần linh. Khác với ca trù, quan họ cổ hay hát xẩm… hát chầu văn, hầu đồng là sự kết hợp cả dân ca và dân vũ. Hình thức hát văn rất phong phú, gồm hát thờ, hát thi, hát hầu (phục vụ hầu đồng) và hát nơi cửa đền.

Mỗi đội hát văn phục vụ hầu đồng có từ bốn đến bảy người, nhạc cụ để phục vụ hát văn rất phong phú; ngoài nhạc cụ cơ bản đàn nguyệt, trống, phách ra còn có sáo, tiêu, đàn thập lục, đàn nhị…

Nhìn về góc độ văn hoá, hát văn, hầu đồng là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian tổng hợp mang đậm bản sắc của dân tộc Việt Nam trong đó có âm nhạc, văn học, vũ đạo, mỹ thuật… Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã công nhận Nghi lễ chầu văn của người Việt là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia; UNESCO công nhận Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Từ trái sang: Nghệ nhân ưu tú Thanh Nhàn, Nghệ nhân Duy Đức, Nghệ nhân Tuấn Trường.

Tại Ngày hội Văn hoá dân gian, thực hành diễn xướng dân gian hát văn, hầu đồng “Ông Hoàng Mười” do ca nương, Nghệ nhân ưu tú Thanh Nhàn, Nghệ nhân Thành Luân hầu đồng, Nghệ nhân Tuấn Trường đàn nguyệt, Nghệ nhân Duy Đức sáo trúc.

Nghệ nhân ưu tú Thanh Nhàn tên thật Nguyễn Thị Nhàn, sinh ra trong gia đình có nhiều đời gắn bó với chèo cổ, dân ca. Ông ngoại là Nghệ nhân Nguyễn Đình Nghị- một nghệ sĩ tiền bối ở đất Bắc nửa đầu thế kỷ XX, bà và mẹ của cô cũng là những nghệ sĩ trọn một đời cống hiến cho nghệ thuật chèo cổ.

Nghệ nhân Thành Luân là con của Nghệ nhân ưu tú Thanh Nhàn, từ sớm anh đã nối nghiệp gia đình, nối nghiệp của mẹ cần mẫn học tập, rèn luyện để trở thành một nghệ nhân hát văn, hầu đồng cùng theo mẹ đi làm nghề, biểu diễn trong ban nhạc Hoa Mai (TP. Hồ Chí Minh).

Trên chiếu văn tại Ngày hội Văn hoá dân gian, giọng hát đặc trưng của cô ca nương Bắc bộ cất lên mang theo những lời văn hoà cùng âm thanh của các nhạc cụ dân tộc “Cành hồng thấp thoáng trăng thanh/ Nghệ An có đức thánh minh Ông Hoàng Mười/ Gươm thiêng chống đất chỉ trời/ Đánh Đông dẹp Bắc việc ngoài binh nhung/ Thanh xuân một đấng anh hùng/ Tài danh nổi tiếng khắp vùng trời Nam…”.

Chầu văn, hầu đồng Ông Hoàng Mười.

Nội dung trong các giá văn cổ truyền đều ca ngợi những nhân vật tiên thoại, thần thoại, những nữ thần trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, cai quản Tam phủ hay Tứ phủ; những người có công với địa phương, những nhân vật lịch sử đã được trí tưởng tượng dân gian thêu dệt một lý lịch đượm màu sắc huyền bí, siêu nhiên. Các giá văn chính gồm giá văn chầu mẫu, giá văn chầu thánh... tất cả tạo nên một niềm tin tín ngưỡng vô cùng độc đáo.

Gắn với hát văn là hầu đồng, Nghệ nhân Thành Luân trong trang phục hoàng bào tay cầm quạt, cầm cờ… với các điệu múa sinh động, uyển chuyển và sát với vai Ông Hoàng Mười. Các bạn trẻ thích thú với phần Ông Hoàng Mười từ sân khấu bước xuống phát lộc, những phong bao lì xì đỏ được tặng đến mọi người, trong dân gian có câu: “Một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần”.

Nghệ nhân ưu tú Thanh Nhàn chia sẻ: “Được quý vị đại biểu, các cháu đoàn viên, học sinh vỗ tay khen tặng, những nghệ nhân hát văn, hầu đồng rất vui và biểu diễn hết mình. Chúng tôi hát vì tình yêu với hát văn, vì mong muốn được góp một phần nhỏ bé của mình vào việc bảo tồn và phát huy giá trị của hát văn, hầu đồng trong đời sống văn hoá, văn nghệ hiện đại”.

Cùng với hát văn, hầu đồng, tại Ngày hội Văn hoá dân gian còn có diễn xướng dân gian bóng rỗi do Nghệ nhân dân gian Ngọc Phượng, cô bóng Ngọc Diễm, cô bóng Ngọc Trinh, Nghệ nhân dân gian Út Đội thực hành; tái hiện nghi thức xây chầu tại đình làng do ông Lê Thành Tánh- Trưởng Ban Khánh tiết đình An Hoà (thị xã Trảng Bàng), ban nhạc lễ của Nghệ nhân dân gian Đoàn Văn Sang và đoàn viên phường Gia Bình, Trường THPT Nguyễn Trãi thực hiện. Các tiết mục được chọn biểu diễn tại Ngày hội với mong muốn không chỉ bó hẹp trong không gian đình, đền hay miếu, mà cần được phổ biến rộng rãi hơn với công chúng, nhất là giới trẻ.

Tại toạ đàm “Văn hoá dân gian gắn với giáo dục địa phương trong học sinh, thanh niên”, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi chia sẻ: “Tham gia Ngày hội, tôi cảm nhận được các em học sinh, đoàn viên tiếp thu một cách hào hứng đối với các di sản quý của ông cha. Thông qua các hoạt động biểu diễn này, tất cả mọi người, nhất là giới trẻ đã được nghe, được xem và cảm nhận ít nhiều về các loại hình diễn xướng dân gian. Đây là sự vận dụng sáng tạo, cách giáo dục trực quan, sinh động trong giáo dục địa phương, từ đó hun đúc tình yêu quê hương, đất nước cho người trẻ”.

Để bảo tồn, lưu truyền và phát huy các di sản phi vật thể trong văn hoá dân gian, bên cạnh phục vụ nhu cầu tín ngưỡng cần có những hình thức gắn với đời sống hay đưa vào tiết học trải nghiệm thực tế môn giáo dục địa phương. Vì thế, sân khấu hoá các loại hình diễn xướng dân gian cần được quan tâm thực hiện tốt, để đưa các di sản văn hoá đến gần với công chúng hơn, và được hiểu ở những góc độ tích cực hơn.

Phí Thành Phát

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục