Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Lần đầu xem múa rồng nhang
Thứ hai: 01:45 ngày 23/09/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đại lễ Hội yến Diêu Trì cung đạo Cao Đài Tây Ninh được tổ chức đúng dịp Rằm Trung thu (15.8 âm lịch). Đây là một trong các lễ lớn trong năm của Hội thánh Cao Đài Tây Ninh cầu cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an.

Đại lễ được tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn độc đáo như rước cộ bông Cửu vị Tiên nương, múa rồng nhang, múa tứ linh (long, lân, quy, phụng), trưng bày các gian quả phẩm… Là người dân Tây Ninh chính gốc mà trước đây tôi chưa một lần xem múa rồng nhang. Mấy lần cũng muốn xem cho biết nhưng đi “xem người” rồi về. Không nhìn được con rồng. Lần này tôi quyết tâm xem cho bằng được. Vì nghe nói năm nay là kỷ niệm “trăm năm Cao Đài” nên có múa đến hai rồng nhang, chưa từng có trong tiền lệ.

Thế là tôi lên kế hoạch trước cả tuần. Vào chiều 14 âm lịch, tôi dạo một vòng quanh Toà thánh. Bên ngoài nội ô, có các “gian hàng 0 đồng” bán thực phẩm chay gồm cơm, bánh canh, hủ tiếu, nước uống các loại… Nườm nượp người qua lại. Ấy vậy mà vẫn chưa đông bằng bên trong nội ô Toà thánh. Trong khu Trai đường, những người làm công quả nấu nướng phục vụ khách thập phương các món ẩm thực chay. Những dụng cụ nấu ăn rất đặc biệt. Cái chảo nào cũng to. Muốn xào đậu đũa, người ta phải cho vào mấy thúng mới được lưng lưng. Để tương xứng với chảo, người ta dùng xẻng để xào, đảo, trở, múc, thức ăn. Chỉ xem chỗ nấu ăn thôi cũng bao điều lạ. Một điều thú vị của lễ hội này là khách thập phương đến với Toà thánh Cao Đài Tây Ninh dù ghé các gian hàng “0 đồng” bên ngoài hay bên trong nội ô Toà thánh đều được ăn uống hoàn toàn miễn phí.

Dẫu chưa phải là ngày chính thức diễn ra đại lễ, nhưng người ta đã đến rất đông để thưởng lãm những phẩm vật, gồm các đặc sản từng vùng miền mà bà con đạo Cao Đài mang đến lễ hội. Không biết là bao nhiêu tỉnh, thành góp mặt. Nhưng khi lướt qua các gian hàng, không cần phải xem tên cũng biết đấy là của tỉnh nào. Ví dụ họ đạo Lâm Đồng trưng bày hồng treo gió. Họ đạo Đăk Lăk dâng mâm lễ cà phê bài trí cùng những chiếc gùi đặc trưng. Họ đạo Ninh Thuận có nho. Họ đạo Lý Sơn có tỏi…

Đêm Rằm tháng 8 diễn ra đại lễ, có múa rồng nhang. Tôi cùng vài bạn trẻ đi thành nhóm. Sau khi đã gửi xe, chúng tôi đi bộ từ ngoại ô Toà thánh tiến vào trong. Len lỏi qua dòng người đông nghịt. Chúng tôi cũng mướt mồ hôi khi đến được Báo Ân Từ- nơi dâng lễ đức Diêu Trì Kim Mẫu và Cửu vị Tiên nương.

Người người chen nhau ra vào tấp nập xem các mâm lễ chưng rất công phu tỉ mỉ. Những chiếc điện thoại thi nhau quay quay, chụp chụp. Không khí như đặc lại, mồ hôi nhễ nhại. Có lúc tưởng chừng như không nhúc nhích được.

Xa tít phía sân đền thánh, tiếng trống lân thúc giục ngày một tiến lại gần. Mọi người lao xao hướng mắt về phía tiếng trống chờ đợi. Tôi cũng chực sẵn điện thoại chế độ quay video. Cộ Tiên chở đức Phật Mẫu và các vị Tiên nương từ từ xuất hiện. Theo sau là màn múa tứ linh. Đặc biệt hơn mọi năm, năm nay có những hai con rồng thay vì một như trước đây. Nghe ai đó bảo đầu rồng rất nặng, thân dài mấy chục mét, với cả trăm người điều khiển và người dự bị thay thế. Rồng được trang trí màu sắc sặc sỡ, bắt mắt. Trên thân rồng có dòng chữ “Đại lễ Hội yến Diêu Trì cung”. Những ánh đèn chớp tắt được viền trên thân. Rồng vừa đi vừa uốn lượn, lên xuống trong tiếng trống lân xập xình, trong biển người mênh mông như nền mây trên trời cho rồng tung bay thoả thích. Cứ mỗi vài giây rồng nhả ra lửa một lần cho thoả lòng người xem. Khi ấy, mọi người gần như đồng thanh ồ lên tạo ra một không khí lễ hội thật ấn tượng. Rùa và phụng nghịch nhau trên đường diễu hành. Các em thiếu nhi xách lồng đèn đi cùng các cô chú đồng phục áo dài trắng theo sau.

Bọn tôi sợ thất lạc nhau trong khi xem hội nên mặc áo đồng phục cho dễ nhận ra. Nhưng mải xem, chúng tôi mỗi đứa một hướng khi nào không hay. Đến khi rồng nhang đã đi khỏi, tôi mới giật mình “tìm đồng đội”. Thì hỡi ơi, điện thoại đã hết pin từ lúc quay video lưu lại cảnh múa rồng ấn tượng để về khoe người thân, gia đình, Facebook nhằm quảng bá nét đẹp đặc sắc của quê hương gốc đạo Cao Đài. Cũng còn may, lúc chưa lạc nhau, một bạn trẻ trong nhóm có đưa cho tôi chiếc quạt. Nhiều người đi xem hội lâu năm có kinh nghiệm, họ mang theo quạt để dùng khi chen lấn nóng bức, đổ mồ hôi. Chiếc quạt này khá đặc biệt so với những chiếc khác nên tôi dễ dàng tìm lại “đồng bọn” bằng cách giơ cao lên vẫy vẫy vào không trung. Thật ra, đâu phải chỉ có mỗi chúng tôi bị lạc, bằng chứng là đây đó tôi cũng thấy có người giơ chiếc dép lên cao làm “ám hiệu”. Có một con chó cưng của ai đó cũng được bế giơ lên trời. Không biết cho nó đỡ ngộp trong bao la bạt ngàn rừng người, hay người ta giơ nó lên để tìm người thân.

Cuối cùng, chúng tôi cũng thoát ra khỏi đám đông bắt đầu thưa dần. Đi bộ một quãng thì bắt gặp xe nước phục vụ miễn phí. Đang khát khô cả cổ, uống ly nước mát vào thiệt là mát lòng mát dạ. Đúng là chẳng đâu tuyệt vời bằng Tây Ninh mình. Máy điện thoại hết pin, thôi thì mượn thử cầu may mấy anh chị phục vụ nước có sẵn cục sạc dự phòng? Không ngờ, một anh rất nhiệt tình đưa cho mượn, cắm sạc “ké” đủ để mở nguồn điện thoại và gọi về nhà. Không lẽ, mình khen dân xứ mình hoài cũng ngại.

Tối hôm sau, tôi trở lại Toà thánh một lần nữa cho thoả hiếu kỳ trước, trong và sau lễ hội. Mới một đêm thôi, vậy mà bao nhiêu rác đã được dọn sạch sẽ tự bao giờ, trả lại một khuôn viên Toà thánh sạch bong như những ngày bình thường khác.

Thật là một lễ hội đặc sắc có một không hai. Vậy mà cho đến nay tôi mới trọn vẹn thưởng thức lần đầu.

Trần Nhã My

Tin cùng chuyên mục