Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trải qua một thời gian “chịu đựng” những quy định bất cập trong Nghị định 86, Quyết định 767/QĐ-BGTVT về việc công bố các phương án cắt giảm, đơn giản các quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải như thổi một làn gió mới cho hoạt động của doanh nghiệp.
Phương tiện tham gia hoạt động kinh doanh vận tải hành khách tại Bến xe Tây Ninh.
Theo đà phát triển của kinh tế, ở tỉnh ta, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã ra đời, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá cũng như đi lại của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ở lĩnh vực này “đau đầu” vì một số điều kiện kinh doanh vận tải được quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10.9.2014 của Chính phủ (sau đây gọi là Nghị định 86), mà nếu thực hiện đầy đủ sẽ rất khó khăn. Trong đó, có những quy định theo doanh nghiệp là thừa, bất cập, thậm chí là “giẫm chân” lên quy định pháp luật khác.
QUÁ NHIỀU BẤT CẬP
Hiện nay, trong lĩnh vực kinh doanh vận tải bằng ô tô, các doanh nghiệp đang thực hiện theo Nghị định 86. Mặc dù, UBND tỉnh, Sở GTVT đã có nhiều hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi thông qua việc cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp vận tải, tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, Nghị định 86 đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, không phù hợp với thực tế, thậm chí còn “trói buộc” cản trở doanh nghiệp phát triển.
Ông Hoàng Sỹ Hoan- Chủ tịch HTX Dịch vụ vận tải Đồng Tâm và hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh dẫn chứng: theo quy định của Nghị định 86, từ ngày 1 tháng 7 năm 2017, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công - ten - nơ; đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá sử dụng xe đầu kéo rơ-moóc, sơ mi rơ-moóc, xe ô tô vận tải hàng hoá trên hành trình có cự ly từ 300km trở lên phải có số lượng phương tiện tối thiểu, đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc Trung ương từ 10 xe trở lên; đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các địa phương còn lại quy định từ 5 xe trở lên; riêng đơn vị có trụ sở đặt tại huyện nghèo theo quy định của Chính phủ từ 3 xe trở lên.
Như vậy nếu doanh nghiệp vận tải có dưới 5 phương tiện vận tải hàng hoá, theo quy định, thì không được vận chuyển hàng hoá có cự ly từ 300km trở lên, đây là một điều vô cùng bất hợp lý. Bởi nếu doanh nghiệp có phương tiện vận tải tốt, có đơn hàng vận chuyển hàng hoá thì họ có quyền vận chuyển hàng hoá đến địa điểm nào theo yêu cầu của khách hàng chứ không thể bắt buộc họ chỉ được vận chuyển hàng có cự ly dưới 300km.
Ngoài ra, còn nhiều quy định khác, như khi kinh doanh vận tải phải có đủ số lượng phương tiện theo phương án kinh doanh đã được duyệt; đơn vị kinh doanh vận tải bố trí đủ số lượng lái xe theo phương án kinh doanh cũng tạo ra nhiều vấn đề bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải.
Bởi lẽ, theo phương án kinh doanh, doanh nghiệp có 20 phương tiện nhưng trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp có thể thanh lý một số phương tiện hoặc mua thêm phương tiện mới.
Một bất cập khác, Nghị định 86 quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải bố trí đủ số lượng lái xe theo phương án kinh doanh cũng đang gây khó cho doanh nghiệp. Ví dụ, một doanh nghiệp có 100 phương tiện vận tải, nhưng không phải lúc nào cũng hoạt động 100% công suất, do có những lúc không có hàng hoá vận chuyển, xe hư hỏng phải sửa chữa...
Nhưng nếu thực hiện theo quy định trên thì lúc nào doanh nghiệp cũng phải có đủ 100 lái xe và những lúc phương tiện không hoạt động, doanh nghiệp vẫn phải trả lương cho tất cả các tài xế, như vậy sẽ thiệt thòi cho doanh nghiệp. Còn nếu không có đủ số lượng lái xe, thì sẽ chịu phạt nếu bị cơ quan thẩm quyền kiểm tra phát hiện.
Bên cạnh đó là các quy định về nhân sự. Quy định người điều hành vận tải phải có trình độ chuyên môn về vận tải từ trung cấp trở lên hoặc có trình độ từ cao đẳng trở lên đối với các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật khác và một điều kiện kèm theo là người điều hành có thời gian công tác liên tục tại đơn vị vận tải từ 3 năm trở lên.
Theo một giám đốc doanh nghiệp vận tải ở huyện Hoà Thành, đây là quy định không cần thiết, đối với doanh nghiệp vấn đề cần là hiệu quả công việc của người điều hành, chứ không cần thiết có kinh nghiệm 3 năm như quy định.
Rồi một số quy định dư thừa như quy định doanh nghiệp vận tải phải ký hợp đồng lao động với lái xe, nhân viên phục vụ, đóng bảo hiểm xã hội... trong khi vấn đề này đã được quy định trong Bộ luật Lao động. Thậm chí có quy định hết sức “lạc hậu” như quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải trang bị máy tính!
QUYẾT ĐỊNH 767- TĂNG CƯỜNG TÍNH TỰ CHỦ CHO DOANH NGHIỆP
Ông Hoan cho biết, HTX Dịch vụ vận tải Đồng Tâm hiện nay có khoảng 1.000 phương tiện vận tải hàng hoá và hơn 100 phương tiện vận tải hành khách. Thực hiện theo Nghị định 86, HTX kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi phải đăng ký và thực hiện tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách.
Trong hoạt động kinh doanh vận tải, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp vận tải khá “nóng”. Vấn đề chất lượng dịch vụ vận tải hành khách luôn được các doanh nghiệp chú trọng từ phương tiện đến thái độ phục vụ của lái xe, nhân viên, để qua đó, quảng bá cho thương hiệu của mình, tạo niềm tin cho hành khách. Cho nên, ông Hoan đề nghị, chất lượng dịch vụ trong vận chuyển hành khách hãy để doanh nghiệp tự quyết định.
Bên cạnh đó, hiện nay quy định đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có trọng tải thiết kế từ 30 chỗ ngồi trở lên phải có nhân viên phục vụ trên xe. Quy định này không cần thiết, gây lãng phí cho doanh nghiệp khi phải tuyển thêm nhân sự để phục vụ trên xe.
Hiện nay có nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định có phương tiện có trọng tải thiết kế hơn 30 chỗ ngồi. Tuy nhiên các phương tiện này chỉ dừng lại đón khách ở những địa điểm cố định trong tuyến đường, không đón trả khách dọc đường như “ xe dù” trước đây, cho nên không cần phải bắt buộc doanh nghiệp bố trí nhân viên trên xe.
Trải qua một thời gian “chịu đựng” những quy định bất cập trong Nghị định 86, Quyết định 767/QĐ-BGTVT về việc công bố các phương án cắt giảm, đơn giản các quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải như thổi một làn gió mới cho hoạt động của doanh nghiệp.
Theo đó, tỷ lệ cắt giảm, đơn giản các quy định về điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực đường bộ đến 68,5% so với quy định hiện hành.
Trong đó, sẽ cắt bỏ những điều kiện quy định không phù hợp và trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp như quyết định quy mô của doanh nghiệp, như hướng tới bỏ quy định về người điều hành doanh nghiệp vận tải phải có thời gian công tác liên tục tại đơn vị vận tải từ 3 năm trở lên; quy định khi kinh doanh vận tải phải có đủ số lượng phương tiện theo phương án kinh doanh được phê duyệt; doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi phải đăng ký và thực hiện tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách...
Hiện tại, Quyết định 767 mới đưa ra các phương án nên các quy định của Nghị định 86, dù các doanh nghiệp phản ánh là còn nhiều bất cập vẫn phải tiếp tục được thực hiện. Nhưng nhiều người đang bày tỏ sự vui mừng và chờ đợi thời điểm phương án này chính thức có hiệu lực, những quy định điều kiện kinh doanh còn hạn chế, bất cập sẽ sớm được bãi bỏ để “cởi trói” cho doanh nghiệp vận tải hoạt động thuận lợi.
Một đại diện doanh nghiệp vận tải đánh giá, các phương án của Quyết định 767 đưa ra là rất hợp lý, bởi doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được thời gian, tiền bạc để thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định, giải phóng sức sản xuất, doanh nghiệp có thời gian hơn để tập trung cho công việc kinh doanh có hiệu quả như đưa ra phương thức kinh doanh, quy mô kinh doanh đưa doanh nghiệp phát triển.
Hơn nữa, với việc ngành GTVT tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải thì trong thời gian tới, hoạt động vận tải của tỉnh sẽ có những bước phát triển chuyên nghiệp hơn, qua đó đóng góp hiệu quả hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà .
THIÊN TÂM