Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Cách nay chưa lâu, Báo Tây Ninh có bài viết phản ánh những bất cập xung quanh chuyện soạn giáo án của giáo viên.
(BTN)- Cách nay chưa lâu, Báo Tây Ninh có bài viết phản ánh những bất cập xung quanh chuyện soạn giáo án của giáo viên. Sau đó, giáo viên ở một huyện cho biết, nơi họ đang công tác bắt đầu cho giáo viên sử dụng lại mẫu giáo án cũ, không làm theo mẫu mới nữa! Nhưng lại có những nơi chẳng những không sửa chữa, điều chỉnh những bất hợp lý mà còn “chế” ra nhiều yêu cầu để buộc giáo viên phải thực hiện.
Dạy được hay không là do trình độ, tâm huyết của thầy cô chứ không phải chỉ là cái giáo án. (ảnh minh hoạ) |
Trong soạn giáo án có một bước quan trọng, đó là bước xác định mục đích yêu cầu của bài học. Dường như thấy cụm từ “mục đích yêu cầu” dùng nhiều đâm ra nhàm chán, ngành Giáo dục đã “đổi mới” bằng cách gọi là “mục tiêu bài học”. Theo chúng tôi, mục đích hay mục tiêu trong trường hợp này đều chỉ cái hướng đến: Sau bài học, học sinh nhận biết được cái gì (về nội dung) và làm được những gì (về kỹ năng). Chưa hết, tại huyện nọ, giáo viên còn được lãnh đạo Phòng Giáo dục quán triệt: Trong mỗi bài học, ngoài mục tiêu chung đã ghi ở bước 1 (phần chuẩn bị), giáo viên còn phải ghi từng mục tiêu cụ thể ở từng tiểu mục trong bài học. Quy định có tính áp đặt này vừa mất thời gian vừa phi khoa học. Bởi vì, trong nhiều môn học, chỉ sau khi dạy và học xong một bài học, học sinh mới có thể nắm được tinh thần chung, tổng quát của bài học ấy. Nếu có bài tập hay câu hỏi, học sinh sẽ bám vào phần lý thuyết (đối với môn khoa học tự nhiên) và tác phẩm, bài học (đối với môn khoa học xã hội) để làm bài. Việc chia tách nhỏ từng mục tiêu trong mỗi bài học vô hình chung làm cho bài dạy của giáo viên trở nên rời rạc, thiếu tính chỉnh thể.
Một thầy giáo dạy trung học phổ thông với gần 30 năm trong nghề thể hiện vẻ bức xúc khi kể lại việc ngành Giáo dục chỉ đạo: Từ nay giáo án không gọi là… giáo án nữa, mà thay vào đó là “kế hoạch bài học”. Theo thầy giáo này, việc thay đổi tên gọi như vậy không cần thiết cho ai. Thứ nhất, dù bên ngoài có ghi “kế hoạch bài học” thì “cái ruột” bên trong vẫn là giáo án. Thứ hai, gọi “kế hoạch bài học” thật sự là không chính xác về từ ngữ, vì giáo viên là người dạy chứ không phải người học. Và điều thứ 3, xét về phương diện tinh thần, tình cảm, khái niệm giáo án, tên gọi giáo án đã có từ bao đời nay, đã ăn sâu vào tâm hồn, lý trí của người giáo viên, thậm chí đã đi vào thơ, nhạc… Vậy hà cớ gì phải thay đổi?
Khi lên lớp, giáo viên bắt buộc phải có giáo án, đó là quy chế chuyên môn. Giáo án rất quan trọng nhưng cũng chỉ là công cụ. Dạy hay, dạy giỏi, dạy có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào trình độ và tâm huyết của người thầy chứ không phải chỉ dựa vào cái giáo án. Vì thế, không nên sửa chữa, điều chỉnh nhiều, đã chẳng mang lại lợi ích gì, lại thêm phiền phức.
HOÀI PHƯƠNG