Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Làn sóng cho con ra nước ngoài tránh Covid-19 

Cập nhật ngày: 02/03/2020 - 09:03

Nghe tin virus lạ lây lan vào tháng 1, Betty Lai Po-man quyết định rời Hong Kong và đưa hai con sang Anh, quê hương của chồng cô.

Đến Anh, Betty đăng ký cho hai con theo học một trường phổ thông tại hạt Suffolk vì trường học tại Hong Kong đã đóng cửa. "Chúng tôi đến Anh không có bất kỳ kế hoạch nào, chỉ vì hạnh phúc của những đứa trẻ. Thay vì để con ở trong nhà nhiều tháng, chúng tôi muốn con được vui chơi, đi học và có cuộc sống bình thường", cô nói, dự định quay về Hong Kong vào mùa hè khi thời tiết đã ấm lên.

Hong Kong đã bốn lần gia hạn nghỉ cho học sinh, sinh viên. Ban đầu, Trưởng đặc khu Carrie Lam thông báo các trường phổ thông sẽ đóng cửa tới ngày 17/2 thay vì 3/2 theo lịch nghỉ Tết Nguyên đán. Trường học các cấp tiếp tục được lùi thời gian quay trở lại học đến 2/3, sau đó đến 16/3 và hiện tại là giữa tháng 4 để đề phòng dịch Covid-19. Đến tối 29/2, Hong Kong ghi nhận 95 trường hợp nhiễm virus, trong đó 2 người tử vong.

 

Betty đưa hai con sang Anh sau khi trường học Hong Kong đóng cửa. Ảnh: Handout.

Trong hàng trăm nghìn phụ huynh Hong Kong, Betty không phải người duy nhất đưa các con ra nước ngoài. Chincia Harvey, 38 tuổi, sống tại Hong Kong đã đưa hai con sang Australia từ cuối tháng 1 và dự định trở về vào cuối tháng 4.

Ban đầu, cô đến Sydney, Australia để thăm gia đình trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán nhưng khi biết trường học Hong Kong đóng cửa, bà mẹ quyết định ở lại. Sau khi hết thời hạn kiểm dịch 14 ngày, Chincia đăng ký cho con gái, 6 tuổi, vào một trường tiểu học địa phương và con trai, 4 tuổi, vào trường mẫu giáo.

"Chúng tôi rất may mắn vì có nơi để đi và theo học tại các trường công lập ở Australia. Nếu không đến đây, các con tôi có thể phải học trực tuyến tại nhà", bà mẹ nói.

Một số cha mẹ gửi con cho họ hàng ở nước ngoài. Khi dịch bắt đầu bùng phát vào tháng 1, Sioban Guilfoyle và chồng Barry gửi con về nhà người thân ở thành phố Auckland, New Zealand trong khi vợ chồng vẫn ở lại Hong Kong làm việc.

"Vào thời điểm đó, chúng tôi không biết chắc đây là Ebola hay chỉ là bệnh cúm nên đưa các con lên máy bay rời đi sớm nhất có thể", cô nói, cho hay hai con đang học trực tuyến từ New Zealand.

Sioban nhận xét việc học từ xa giúp hai con phát triển khả năng làm việc độc lập. Cô không lo lắng các con không theo kịp chương trình học vì công nghệ có mặt ở khắp mọi nơi và có thể truy cập từ bất cứ đâu trên thế giới. Cô dự định đưa con trở về Hong Kong vào tuần tới.

Các chuyên gia cảnh báo về sự xuất hiện làn sóng di cư học sinh từ Hong Kong đến những nơi khác trên thế giới. Ruth Benny, người đứng đầu công ty tư vấn giáo dục Top School, Hong Kong, không chắc chắn về số lượng học sinh rời đi hoặc sẽ rời đi và bao nhiêu trong số đó sẽ quay trở lại. Các trường phổ thông tại Hong Kong yêu cầu phụ huynh phải thông báo quyết định có cho con em quay trở lại học tập sau ngày 20/4 hay không.

Ông dự đoán nếu học sinh không trở về Hong Kong, phụ huynh sẽ rút lại toàn bộ học phí. "Mỗi năm, các trường học có 5-15% học sinh rời trường hoặc tốt nghiệp, nhưng con số đó sẽ tăng cao hơn trong năm nay", Ruth nói.

 

Trường học Hong Kong đóng cửa từ cuối tháng 1 vì dịch Covid-19. Ảnh: K. Y. Cheng.

Một số phụ huynh Hong Kong lựa chọn ở lại Hong Kong và quản lý việc học tại nhà của con. Trở về nhà sau ngày dài làm việc, Vergi Chan Wai-sze, y tá tại một bệnh viện địa phương, bắt đầu vai trò mới là giáo viên. Vergi có hai người con, con trai 6 tuổi đang học lớp 1 và con gái 4 tuổi học mẫu giáo.

Tại trường tiểu học của con trai Vergi, thay vì giáo viên giảng bài trực tuyến, trách nhiệm này thuộc về cha mẹ với tài liệu học tập do nhà trường cung cấp. Chồng cô đi làm về muộn nên Vergi phải giảng bài cho con. Trước khi dạy học, cô mất nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu và tìm ra cách giải thích phù hợp.

Sau 7h tối, cô dành thời gian chơi với các con, sau đó giám sát con học bài và lên lịch trình làm việc tại nhà cho con vào ngày hôm sau. "Tuần này chúng tôi vẫn đang hoàn thành công việc từ tuần trước. Tôi cảm giác như đang tụt lại phía sau", cô chia sẻ.

Vergi kể tuần đầu tiên dạy học, con trai cô đã khóc vì không hiểu lời mẹ giảng. "Tôi hiểu giáo viên đã cố gắng hết sức nhưng nhiệm vụ giảng bài gây áp lực lớn cho phụ huynh, đặc biệt ở những môn đòi hỏi tư duy cao như Vật lý, Khoa học", bà mẹ nói.

Nguồn VNE