Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Lân sư rồng chuẩn bị vào mùa tết
Thứ bảy: 16:25 ngày 10/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đến hẹn lại lên, các đoàn lân sư rồng ở TP.HCM những ngày này lại tất bật cho một mùa biểu diễn tết kín lịch, với nhiều đổi thay hứa hẹn hấp dẫn hơn so với các mùa trước.

Bài diễn Mai Hoa Thung của Hằng Anh Đường ở Trung tâm TDTT quận 11. Ảnh: T.P

Trong thời buổi ngày càng nhiều loại hình giải trí bắt mắt, hiện đại, làm thế nào để một môn biểu diễn đậm chất truyền thống như lân sư rồng có thể đứng vững?

Tham gia Liên hoan lân sư rồng 2018 của quận 11 - một buổi “tổng duyệt” trước khi bước vào mùa “chạy sô” sắp tới, anh Trần Bá Gia Hòa của đoàn Huy Nghĩa Đường háo hức khoe với chúng tôi tấm áo in tên nhà tài trợ cùng một danh sách khá nhiều nhà tài trợ khác mới của đoàn.

Anh Hòa cho biết các đoàn lân sư rồng ở TP.HCM ngày càng phát triển, không chỉ trong việc nhận “sô” diễn mà còn có thêm các nhà tài trợ. Để có được điều đó, các VĐV lân sư rồng phải không ngừng thay đổi bản thân chứ không chỉ đơn giản là “xào đi xào lại” những bài diễn cũ.

“Thị hiếu của khán giả ngày càng thay đổi, họ đòi hỏi những thứ mới lạ hơn, bắt mắt hơn, sôi động hơn. Vì vậy chúng tôi không thể giữ mãi phong cách truyền thống. Một trong những thay đổi đáng kể là điệu trống, thay vì điệu trống cũ của VN, ngày nay nhiều đoàn lân sử dụng điệu trống của Malaysia. Thêm vào đó, bài diễn Mai Hoa Thung cũng thay đổi ít nhiều, chủ yếu là tăng độ khó, phải nhảy đến khoảng 2,5m thay vì chỉ 2m như trước đây”, anh Hòa kể.

Không chỉ thay đổi về chuyên môn, cả dụng cụ múa lân cũng được đổi mới để bắt mắt hơn. Ông Phùng Cảnh Tường, một nghệ nhân lão làng phụ trách chế tạo vật dụng của đoàn Hằng Anh Đường, cho biết: “Tôi hành nghề này đã hơn 30 năm nay.

Các loại vật dụng, từ đầu con lân, rồng cho đến cột trụ, vật trang trí ngày nay khác trước đây nhiều lắm. Khi mua lân từ Trung Quốc về, tôi cũng phải thêm thắt vào nhiều thứ để trông có chất Việt Nam. Lân hiện tại còn có thêm đèn led để bắt mắt, dù là diễn dưới mưa cũng phải dùng đèn”.

Thay đổi nhiều về phong cách, nhân sự của các đoàn lân sư rồng cũng ngày càng khác dần. Nhiều năm trước, mỗi một đoàn lân sư rồng hầu như đều gắn liền với thương hiệu về võ thuật. Nhưng ngày nay, chuyện các VĐV múa lân xuất thân từ dân học võ lại khá hiếm.

“Tôi không biết gì về võ thuật dù đã tập múa lân được hơn 8 năm. Nói chung tôi thấy múa lân chỉ cần tập luyện thể lực, sức bật là được”, anh Gia Hòa kể. Ngoài công việc ở Huy Nghĩa Đường, anh Hòa còn chạy xe Uber để có thêm thu nhập.

Những ngày này, các đoàn lân sư rồng đang huy động lực lượng tối đa cho một mùa tết kín lịch. Đa số đoàn lân đều có hàng chục sô diễn từ khoảng 28 tết cho đến 15 tháng giêng. Lịch diễn càng nhiều, áp lực phải thay đổi hình ảnh, làm mới bản thân của các đoàn lân sư rồng lại càng lớn.

Diễn sô nhỏ “sợ” hơn sô lớn

Ngoài các sô diễn lớn ở ngày tết, các đoàn lân sư rồng còn làm ăn khấm khá nhờ vào những buổi diễn nhỏ lẻ được mời đến nhân dịp thành lập các công ty, cửa hàng…

“Các đoàn lân sư rồng chúng tôi cũng có thêm thu nhập đáng kể nhờ những buổi diễn này. Diễn các buổi này thì quy mô nhỏ thôi, nhưng không hề dễ dàng chút nào khi nhiều lúc phải diễn ngay trên đường, xe cộ đông đúc nên chúng tôi cũng hơi mất tập trung, nhiều lúc bay lên cột mà suýt té”, anh Gia Hòa kể.

Nguồn TTO

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục