BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lan toả hạnh phúc cho mọi người 

Cập nhật ngày: 20/03/2024 - 17:53

BTNO - Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20.3) năm nay tiếp tục với chủ đề “Hạnh phúc cho mọi người”, nhằm truyền tải thông điệp: Nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, gia đình, toàn xã hội về ngày Quốc tế Hạnh phúc, từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam.

Gia đình 4 thế hệ tiêu biểu

Nâng cao nhận thức của người dân 

Tháng 6.2012, Liên hợp quốc tuyên bố chọn ngày 20.3 hằng năm là ngày Quốc tế Hạnh phúc. 193 nước thành viên (trong đó có Việt Nam) cùng cam kết sẽ ủng hộ ngày này bằng các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân. 

Ngày 26.12.2013 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2589/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20.3 hằng năm” nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, gia đình, toàn xã hội về ngày Quốc tế Hạnh phúc. 

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, để ngày Quốc tế Hạnh phúc có ý nghĩa thiết thực, những năm qua các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, trường học đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần xây dựng một xã hội, cộng đồng hạnh phúc. 

Việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh được Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong tỉnh quan tâm, đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật về gia đình, trẻ em, vai trò của gia đình đối với sự phát triển của xã hội với nhiều hình thức phong phú, nội dung thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức cho hội viên, phụ nữ về xây dựng gia đình hạnh phúc. 

Gia đình 4 thế hệ tiêu biểu

Đến khu phố Ninh Tân, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh, hỏi gia đình ông Nguyễn Văn Bưa (85 tuổi) và bà Đoàn Thị Vân (87 tuổi), hầu như ai cũng biết, bởi đây là gia đình 4 thế hệ tiêu biểu của khu phố.

Người dân trong khu phố thường gọi ông bà với tên thân mật là ông bà Hai. Mặc dù lớn tuổi nhưng ông bà Hai vẫn còn rất minh mẫn. Ông Hai Bưa chia sẻ, trước đây gia đình ông sinh sống ở huyện Gò Dầu, sau này chuyển lên thành phố Tây Ninh để con cái tiện học hành và làm việc. Ông có 4 người con, 3 trai, 1 gái. Cả bốn người con của ông đều tốt nghiệp đại học và làm trong các cơ quan Nhà nước.

Những người cháu nội, cháu ngoại của ông bà đều được học hành đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm ổn định. Hiện tại, ông bà có 2 người cháu nội đang học tại Đại học Y Phạm Ngọc Thạch (TP. Hồ Chí Minh).

Ông bà Hai luôn dạy con cháu lấy chữ “tâm” làm đầu

Mặc dù 4 thế hệ với những cách sống, suy nghĩ khác nhau, nhưng điều ấn tượng với nhiều người đó là các thành viên trong gia đình luôn biết cách ứng xử để giữ hoà khí, yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. 

Về làm dâu gia đình ông bà Hai được 20 năm, đối với chị Châu Thuỳ Nga, ba mẹ chồng không khác gì so với ba mẹ đẻ. Chị Nga hiện là giáo viên dạy Toán, Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP. Tây Ninh). Mỗi chiều về, gia đình ông bà Hai lại rộn ràng hơn, bởi đó là lúc gia đình sum họp, con cháu đi học, đi làm về, cùng nhau chia sẻ việc nhà, chuẩn bị bữa cơm tối đầm ấm.

Chị Nga tâm sự, ở cùng với ba mẹ lớn tuổi phải nói năng nhẹ nhàng, từ tốn. Thói quen ăn uống đôi khi phải thay đổi để phù hợp với ba mẹ và các thành viên trong gia đình. Người già thường đi ngủ sớm và dậy sớm, nên giờ giấc sinh hoạt phải sắp xếp cho phù hợp.

“Từ ngày về làm dâu tới nay đã gần 20 năm, ba mẹ chồng luôn yêu thương, bảo ban tôi từ những điều nhỏ nhất. Tôi chỉ mong các thành viên trong gia đình luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc, bình an bên nhau”- chị Nga chia sẻ.

Nói về cách gìn giữ văn hoá gia đình qua nhiều thế hệ, ông Hai Bưa tâm niệm rằng nhân cách của ba mẹ sẽ tác động trực tiếp đến lối sống của các con, bởi vậy, ba mẹ phải luôn mẫu mực, lấy chữ “tâm” làm điều cốt lõi để giáo dục con cái hướng tới điều hay lẽ phải trong cuộc sống.

Hoàng Yến