Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phong trào văn hóa, văn nghệ trong lực lượng Công an:
Lan toả khí thế mới, tinh thần mới
Chủ nhật: 22:43 ngày 11/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sức lan toả từ phong trào văn hoá, văn nghệ trong thời gian qua của Công an Tây Ninh đã thực sự trở thành nền tảng tinh thần, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hoá, tăng cường hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng lực lượng ngày càng trong sạch, vững mạnh...

Công an tỉnh tham gia chương trình giới thiệu tác phẩm mới về đề tài lực lượng Công an nhân dân, người chiến sĩ Công an Tây Ninh ưu tú

Phong trào văn hoá, văn nghệ trong lực lượng Công an Tây Ninh không ngừng phát triển, tạo sân chơi lành mạnh cho cán bộ, chiến sĩ, lan toả một tinh thần mới, khí thế mới trong đời sống. Qua tiếng hát lời ca, chương trình nghệ thuật của lực lượng Công an, những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tiếp tục được tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, xây dựng lực lượng Công an nhân dân ngày càng bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ.

Lan toả phong trào văn hoá, văn nghệ trong toàn lực lượng

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/ĐUCA, ngày 28.9.2021 của Đảng uỷ Công an Trung ương về “Nâng cao chất lượng công tác văn hoá, văn nghệ đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, Đảng uỷ, Ban Giám đốc Công an tỉnh quan tâm đẩy mạnh phong trào văn hoá, văn nghệ trong lực lượng, hỗ trợ kinh phí, đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, phương tiện cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, chiến sĩ tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ. Khuyến khích, động viên mọi người tích cực tập luyện, tham gia các hoạt động do Công an tỉnh, địa phương tổ chức, từ đó khơi dậy trong cán bộ, chiến sĩ niềm đam mê văn hoá văn nghệ, tinh thần nhiệt huyết và lối sống lành mạnh.

Xác định công tác văn hoá, văn nghệ có vai trò quan trọng trong xây dựng lực lượng, Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị- Công an tỉnh tham mưu Ban Giám đốc ban hành các văn bản, kế hoạch thực hiện tại đơn vị; cử cán bộ, chiến sĩ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn trong lĩnh vực văn hoá, văn nghệ; tổ chức nhiều cuộc thi, sân chơi bổ ích, qua đó phát hiện những hạt nhân văn nghệ để thành lập Đoàn nghệ thuật quần chúng Công an tỉnh tham gia các hội diễn, liên hoan nghệ thuật do Bộ Công an tổ chức. Từ những sân chơi ấy, các tài năng ngày càng toả sáng. 

Mới đây, tại Hội diễn Liên hoan nghệ thuật quần chúng Công an nhân dân lần thứ XII năm 2023 do Bộ Công an tổ chức, Công an Tây Ninh xuất sắc đoạt giải A toàn đoàn với nhiều tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, dàn dựng công phu. Những ca khúc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, vẻ đẹp của vùng đất và con người Tây Ninh trung dũng, kiên cường.

Tình yêu Tổ quốc được gửi gắm vào những lời ca, tiếng hát của người chiến sĩ Công an.

Các hoạt động văn hoá, văn nghệ do Công an tỉnh tổ chức bám sát và phục vụ hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, gắn với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Qua đó, góp phần tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an ninh trật tự để các tầng lớp nhân dân hiểu và tích cực thực hiện.

Thượng tá Nguyễn Hoàng Thông- Phó trưởng Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị cho biết: “Các hoạt động, phong trào về văn hoá, văn nghệ trong thời gian qua được Đảng uỷ, Ban Giám đốc Công an tỉnh quan tâm chỉ đạo sâu sát, tác động mạnh mẽ đến tư tưởng cán bộ, chiến sĩ, giúp họ nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình.

Chân chất, giản dị nhưng với tinh thần xung kích, tình nguyện, phong trào văn hoá, văn nghệ trong Công an Tây Ninh tạo được cảm xúc, sự tự hào, nhất là khi sân khấu hoá những hình ảnh đầy quả cảm của người lính hy sinh khi làm nhiệm vụ”.

Hoạt động văn hoá, văn nghệ của lực lượng Công an Tây Ninh trong thời gian qua đã trở thành động lực giúp cán bộ, chiến sĩ nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho nhân dân.

Thông qua hoạt động văn hoá văn nghệ của lực lượng Công an giúp người dân hiểu thêm về nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, từ đó có trách nhiệm hơn trong việc chung tay cùng lực lượng chức năng xây dựng tỉnh luôn bình yên và phát triển.

Trung tá Phạm Thanh Thuý chụp ảnh cùng ca sĩ nghệ sĩ thể hiện ca khúc “Ký ức Bàu Rong”.

Tiếng hát cất lên từ trái tim người chiến sĩ

Là một người yêu ca hát, từ khi còn đi học, Đại uý Đặng Thế Trung thường xuyên tham gia các hoạt động văn nghệ do nhà trường tổ chức. Ra trường, anh được bố trí công tác tại Công an thành phố Tây Ninh, ngoài thực hiện tốt công tác chuyên môn, Đại uý Trung còn là một trong những hạt nhân trong phong trào văn nghệ của Công an tỉnh. 

Để cân bằng giữa công tác chuyên môn và các phong trào văn nghệ quần chúng, Đại uý Đặng Thế Trung cho biết: “Nhờ sự quan tâm tạo điều kiện của Ban lãnh đạo, cùng niềm đam mê ca hát từ bé, tôi cố gắng sắp xếp công việc khoa học, bảo đảm thời gian làm việc chuyên môn và tập luyện văn nghệ hợp lý để đạt được những kết quả tốt nhất khi tham gia các hội diễn”.

Hơn 13 năm gắn bó với ngành, tham gia hoạt động văn nghệ 9 năm, Thế Trung đạt được nhiều thành tích nổi bật như: Huy chương vàng đơn ca tại Liên hoan nghệ thuật Công an nhân dân vào các năm 2014, 2018, năm 2020 đạt giải C và năm 2023 đạt giải B tiết mục song ca. 

Trung có chất giọng khoẻ, truyền cảm, để lại nhiều ấn tượng cho người nghe. Anh hát không chỉ bằng niềm đam mê, mà còn hát bằng tiếng lòng của người chiến sĩ Công an nhân dân, các ca khúc thể hiện thường gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước, gia đình, ca ngợi hình ảnh người lính, tự hào về đồng chí, đồng đội như: “Ước mơ của Người”, “Chuyện mẹ kể”, “Lá cờ Đảng”, “Bài ca những anh hùng thầm lặng”… 

Đại uý Đặng Thế Trung chia sẻ: “Có những lúc đứng trên sân khấu, hoà vào âm nhạc, tôi “phiêu” theo những lời ca, tiếng hát cho đến khi khán giả vỗ tay, âm nhạc dừng hẳn thì bản thân mới thoát ra được”. Để có thể hoà mình vào bài hát, cảm nhận và thấu hiểu từng câu từ, thiết nghĩ người trình diễn phải hát bằng cả trái tim.

Nhiều sân chơi về văn hoá văn nghệ được tổ chức, thu hút cán bộ, chiến sĩ tham gia

Trong câu chuyện về hoạt động của đội văn nghệ xung kích Công an tỉnh, Đại uý Đặng Thế Trung và nhiều hạt nhân văn nghệ khác tuy không được đào tạo chính quy, bài bản về lĩnh vực văn hoá văn nghệ nhưng họ đã vượt lên tất cả, tham gia văn nghệ bằng tất cả niềm đam mê và cảm xúc chân thật. Họ nỗ lực học hỏi từng ngày, luyện tập không ngừng để mang đến những tiết mục biểu diễn ý nghĩa, giúp đồng chí, đồng đội nâng cao đời sống tinh thần cũng như lan toả các hoạt động của lực lượng Công an đến gần với người dân địa phương.

Người thổi hồn vào những ca khúc về người chiến sĩ Công an

Bên cạnh các hoạt động văn nghệ sôi nổi, Công an các đơn vị, huyện, thị xã, thành phố còn thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện, khuyến khích, động viên cán bộ, chiến sĩ phát triển văn hoá nghệ thuật, sáng tác các ca khúc nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động, hưởng thụ, nâng cao đời sống tinh thần lành mạnh. Qua đó, xuất hiện nhiều gương điển hình như: Đại uý Châu Tòng An- cán bộ Công an huyện Dương Minh Châu; Trung tá Phạm Thanh Thuý- Đội trưởng Đội Tuyên truyền, giáo dục thuộc Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị… đã sáng tác nhiều tác phẩm ca ngợi về người lính.

Năm 2021, xúc động trước sự hy sinh của chiến sĩ Công an Lê Huỳnh Nhật Minh, người con quê hương Bến Cầu đã ra đi vì nhiễm Covid-19 khi đang làm nhiệm vụ, Trung tá Phạm Thanh Thuý- Đội trưởng Đội Tuyên truyền, giáo dục thuộc Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị đã sáng tác bài vọng cổ “Mẹ ơi đừng khóc vì con” vỏn vẹn trong vòng một giờ đồng hồ.

“Tôi với Minh là đồng đội nhưng chưa từng quen biết. Qua những bài viết, những chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của em, tôi cảm nhận được Minh là một chiến sĩ trẻ yêu đời, hết mình vì nhiệm vụ. Tôi thật sự xúc động và cảm phục trước tình cảm của Minh dành cho mẹ. Thời điểm đó, dù đang chống dịch với rất nhiều gian khó nhưng Minh vẫn lạc quan, chia sẻ những khoảnh khắc tươi vui để mẹ vững lòng. Tình cảm dạt dào đó đã khiến trái tim người mẹ trong tôi lay động, tôi muốn thay Minh gửi đến mẹ em những lời tâm tình, động viên cô vơi bớt nỗi đau quá lớn này”- Trung tá Phạm Thanh Thuý chia sẻ. Bài vọng cổ ấy ra đời và được nghệ sĩ Thanh Nhường- Đoàn Văn công Quân khu 9 thể hiện, ngay lập tức nhận được sự đồng cảm, sẻ chia của đông đảo mọi người, được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao giải A tại cuộc thi các tác phẩm nghệ thuật về chủ đề phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Phong trào văn hóa, văn nghệ trong lực lượng Công an đã lan toả sức sống mới, tinh thần mới, khí thế mới.

Và liên tiếp sau đó, Trung tá Phạm Thanh Thuý đã sáng tác thêm nhiều tác phẩm khác như: “Có một nghề được gọi là lương cao”, “Tấm lòng của mẹ” viết về gương hy sinh của Hạ sĩ Trần Văn Lành- chiến sĩ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an Tây Ninh hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ tìm kiếm người mất tích. Phần lớn những tác phẩm do Trung tá Thuý sáng tác thường xoay quanh tình yêu quê hương, đất nước, những cống hiến của đồng đội trong công tác bảo đảm an ninh trật tự và bình yên cho nhân dân.

Vừa qua, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp với Công an tỉnh tổ chức đợt sáng tác về “Lực lượng Công an và người chiến sĩ Công an ưu tú”, Trung tá Thuý có dịp cùng đi với mọi người đến thăm Di tích lịch sử Bàu Rong tại xã Long Khánh, huyện Bến Cầu. Sau chuyến đi, chị viết bản vọng cổ “Ký ức Bàu Rong” thể hiện lòng tri ân, tưởng nhớ các liệt sĩ Ban An ninh tỉnh Tây Ninh đã anh dũng hy sinh tại mảnh đất anh hùng (Căn cứ Bàu Rong, huyện Bến Cầu).

Bài hát thể hiện sự tri ân đối với những hy sinh, mất mát của các thế hệ cha anh đi trước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng thời để cán bộ chiến sĩ, nhất là lực lượng đoàn viên, hội viên ghi nhớ luôn phải sống xứng đáng với truyền thống anh hùng của Công an nhân dân Việt Nam nói chung và Công an tỉnh Tây Ninh nói riêng.

Lớn lên từ miền quê nghèo khó, vọng cổ, cải lương là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với những người dân nơi nữ Trung tá sinh sống, do đó, nghệ thuật dân tộc từ những bài ca vọng cổ, cải lương đã thấm vào chị từ thuở ấu thơ.

Sau này, công tác trong lực lượng Công an, được nghiên cứu nhiều tài liệu lịch sử, đi nhiều địa bàn, tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ nên Trung tá Thuý rất đồng cảm với những đồng đội ngày đêm vất vả, hy sinh, nỗ lực gìn giữ bình yên cho cuộc sống. Đó cũng chính là niềm cảm hứng lớn lao để chị nghiên cứu, tìm tòi, sáng tác nhiều bài ca vọng cổ hay, ý nghĩa về đề tài Công an nhân dân.

Nhắc đến những đóng góp trong các sáng tác về lực lượng Công an không thể không kể đến tác giả Đại uý Châu Tòng An, cán bộ Công an huyện Dương Minh Châu, một chàng trai trẻ đam mê ca hát và đã sáng tác nhiều bài hát về lực lượng vũ trang. Theo Đại uý An, điều quan trọng nhất khi viết ca khúc về lực lượng Công an nhân dân là phải lựa chọn ca từ phù hợp, dễ tiếp thu.

Nếu quá khuôn mẫu, hình thức, bài hát sẽ trở thành một chuỗi khẩu hiệu khô cứng, khó tiếp cận với mọi người. Nghệ thuật là món ăn tinh thần, một bài hát phải được sử dụng thường xuyên mới có thể đi vào lòng khán giả. Khi sáng tác phải thấu hiểu về nhân vật mới tạo ra một tác phẩm hay, truyền cảm. Mỗi ca khúc là tiếng lòng của tác giả về người lính, quê hương, mảnh đất nơi anh đang gắn bó.

Khi được hỏi về những khó khăn gặp phải khi bắt tay vào sáng tác, Đại uý Châu Tòng An chia sẻ: “Khó khăn thì nhiều lắm, bởi tôi không được đào tạo bài bản về âm nhạc. Lúc sáng tác bài đầu tiên “Tự hào chiến sĩ Công an Tây Ninh”, tôi không biết ký âm như thế nào, cũng chưa quen biết ai để nhờ chỉ dạy, nhưng quyết không nản lòng, tự tìm tòi trên YouTube, học rồi tự viết và nhờ đơn vị thu âm chỉnh sửa giúp.

Hoàn thành bài hát đầu tiên, nhiều người không tin do tôi tự viết nhưng đến khi bài thứ 2, thứ 3 lần lượt ra đời, mọi người mới công nhận, có tác phẩm được đăng tạp chí. Điều làm tôi cảm thấy vui nhất chính là những cố gắng của mình đã được công nhận, tâm tư, tình cảm dành cho quê hương, đồng chí, đồng đội được lan toả, lắng nghe và chia sẻ. Hiện tại, bản thân đang ấp ủ một số tác phẩm, hy vọng rằng những đứa con tinh thần sẽ ra đời sớm hơn dự kiến”.

Sức lan toả từ phong trào văn hoá, văn nghệ trong thời gian qua của Công an Tây Ninh đã thực sự trở thành nền tảng tinh thần, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hoá, tăng cường hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng lực lượng ngày càng trong sạch, vững mạnh, giúp cán bộ, chiến sĩ Công an hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho nhân dân.

P.T - H.T

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục