Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
“So với năm ngoái, năm nay diện tích cây bông huệ ở xã Hảo Đước giảm khoảng gần 80%” – ông Trương Thành Nhân, Phó Chủ tịch xã cho biết.

Chị Trần Thị Thanh, một người trồng huệ ở ấp Trường, xã Hảo Đước (huyện Châu Thành) cho biết, năm ngoái vợ chồng chị trồng 4 công huệ. Thời gian đầu, cây huệ sinh trưởng và phát triển bình thường nhưng đến khi ra bông thì đổ bệnh, khiến cây bị “sượng”. Bông huệ trổ ra cong queo như cái móc câu, đã vậy từ màu trắng chúng chuyển sang màu vàng ệch. Cây huệ cứ héo úa dần rồi chết. Vụ đó, vợ chồng chị Thanh bị lỗ hơn 60 triệu đồng.
Năm nay, chị Thanh tiếp tục trồng huệ nhưng chỉ trồng có 1 công. Đám huệ trông không được đẹp. Theo chị, nguyên nhân chính của tình trạng đó là do nhện đỏ- một loài sâu bệnh tấn công. Đã vậy cây huệ còn bị rệp sáp- một loại côn trùng gặm nhấm khiến nhiều cây bị chết. Chị Thanh cho biết thêm, mặc dù đám huệ của chị phát triển không tốt nhưng chị không dám bón nhiều phân vì nếu chẳng may vài bữa tới đám huệ ngã bệnh đồng loạt thì càng bị lỗ nhiều hơn.
![]() |
Đám huệ nhà chị Thanh chỉ mới lơ thơ vài bông |
Ở cùng ấp với chị Thanh có ông Võ Văn Đấu, năm ngoái ông trồng 3 công huệ nhưng do thất bát nên năm nay ông quyết định chỉ trồng hai công. Hiện tại, đám huệ của ông cũng có một số cây bị bệnh vàng lá nhưng nhìn chung chúng vẫn đang sinh trưởng và phát triển tốt. Đến thời điểm này, ông Đấu đã kiếm được hơn chục triệu đồng từ tiền bán bông huệ. Hiện tại, mỗi bông huệ có giá 3.000 đồng trong khi vào thời điểm này năm ngoái, nó chỉ có giá 1.200 đồng. Theo dự báo, Tết năm nay, giá huệ có thể lên khoảng 8.000- 10.000 đồng/bông, vì ít người trồng, hàng bị hút.
Nhờ trúng mấy mùa huệ liên tục, vợ chồng chị Thuỷ và anh Hùng- cũng ở ấp Trường đã xây được căn nhà khang trang. Tuy nhiên năm nay anh chị chỉ dám trồng hai công huệ. Ấy là do hai vợ chồng còn bị ám ảnh bởi vụ huệ thất bại hồi năm ngoái: lỗ hơn 180 triệu đồng trên một mẫu huệ. Là một người có thâm niên trồng huệ nhiều năm, nhưng chị Thuỷ nói không biết phải làm thế nào để phòng chống sâu bệnh trên cây huệ. Hai công huệ mà anh chị trồng năm nay phát triển khá chậm. Trước tình hình sâu bệnh tấn công cây huệ ngoài đồng ruộng suốt mùa này qua mùa khác, chị Thuỷ đã quyết định thử nghiệm trồng huệ trong chậu như trồng cây kiểng! Vợ chồng chị đã mua 1.000 cái chậu bằng nhựa hết 4 triệu đồng. Trong mỗi chậu anh chị trồng 3 cây huệ. Chậu trồng không có đất mà chỉ có tro. Theo chị Thuỷ thì huệ trồng trong chậu phát triển tốt hơn nhiều so với trồng ngoài đồng ruộng. Từ nay đến Tết âm lịch, chúng sẽ ra bông. Theo lời chị Thuỷ, ở làng huệ Hảo Đước, ngoài chị ra chưa có nhà nào trồng huệ trong chậu như chị.
“So với năm ngoái, năm nay diện tích cây bông huệ ở xã Hảo Đước giảm khoảng gần 80%” – ông Trương Thành Nhân, Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế của xã cho biết như vậy. Ông Nhân cho rằng, nguyên nhân chính khiến diện tích trồng huệ giảm mạnh là do loài cây này rất khó tính, dễ bị nhiễm bệnh. Mặt khác, giá bông huệ năm ngoái không mấy hấp dẫn, sau khi trừ chi phí người trồng chẳng còn kiếm được bao nhiêu, thậm chí do tình hình sâu bệnh nên nhiều người trồng huệ đã bị lỗ rất nặng. Thêm vào đó, năm nay cây khoai mì lại được giá nên nông dân đã chuyển từ trồng huệ sang trồng mì. Ở ấp Trường năm ngoái, có tổng cộng khoảng 30 mẫu huệ, năm nay chỉ còn khoảng 2 mẫu. Riêng tại ấp Bình Lợi, một trong hai ấp có diện tích trồng huệ lớn nhất xã, người dân ở đây đã chuyển từ trồng huệ sang trồng mì, chỉ còn lác đác vài hộ trồng ít liếp gọi là cho vui, cho đỡ nhớ nghề cũ.
Một thời gian dài, phong trào trồng huệ ở Hảo Đước đã phát triển rầm rộ. Rất nhiều hộ nông dân cũng đã thoát nghèo nhờ loài cây có giá trị kinh tế cao này. Tuy nhiên, sau vài năm cây huệ bị sâu bệnh tấn công liên tục cộng với một số yếu tố khác, thời hoàng kim ấy đã trôi qua, phong trào nhà nhà trồng huệ ở đây coi như đã bị “thoái trào”. Người trồng huệ đành phải ngoảnh mặt, quay lưng với loại cây từng gắn bó với mình.
Đ.V.T