Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Thị xã nhỏ bé như bàn tay. Nơi ấy, giữa chốn phố thị, nổi bật lên những dãy nhà sàn; nơi mặt hồ trong như màu mắt người con gái Thái; nơi sông, núi, mây, trời quyện vào nhau như bức tranh thủy mặc. Bao lâu nay, Mường Lay nằm lặng lẽ ở phía bắc tỉnh Điện Biên, được ôm ấp bởi điệp trùng núi rừng Tây Bắc, níu kéo bước chân du khách bởi sự trầm mặc, yên bình.
Thị xã trầm lặng
Chỉ nghe kể về Mường Lay cũng đủ thôi thúc chúng tôi đến với vùng đất này. Từ TP Điện Biên Phủ, xe chạy hơn 100 km, vượt qua những quãng đường ngoằn ngoèo, uốn lượn trên những dốc núi cao thăm thẳm. Đứng trên một điểm cao của quốc lộ 6, người lái xe chỉ tay về hướng Mường Lay, nơi thị xã nhỏ hiện lên mờ ảo trong làn sương trắng mờ và bảo: “Tôi đã đi khắp cả nước, qua nhiều chốn thành thị, nhưng chẳng đâu như Mường Lay. Khác hẳn những thị xã lổn nhổn nhà cao tầng, người, xe tấp nập, Mường Lay bình dị, khiêm tốn, vắng vẻ. Cả thị xã chỉ lác đác vài ngôi nhà được xây dựng khang trang bề thế. Điểm nổi bật ở đây có lẽ chính là sự thanh bình hiếm thấy”.
Đến với Mường Lay, nếu ai chưa biết, cứ ngỡ đây chỉ là một thị trấn nhỏ, với nhan nhản những mái nhà sàn chạy đều tăm tắp hai bên đường. Đó là các “phố nhà sàn”, như những suối tóc dài thiếu nữ. Con đường chính khang trang nằm ở trung tâm thị xã vắng người qua lại. Thi thoảng mới có bóng dáng của một vài chiếc xe máy, ô-tô. Người dân ở đây bảo, xe cộ qua lại chủ yếu là của khách du lịch. Đồng bào dân tộc ban ngày chủ yếu lên nương, lên rẫy, tối về rất ít khi ra đường, cho nên thị xã luôn tĩnh lặng.
Với khí hậu mát mẻ, trong lành đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, Mường Lay là nơi giao thoa của đất trời và sông núi. Chỉ tay về hướng hồ thủy điện, ông Lê Hữu Minh, một người dân địa phương kể: Nhìn hồ nước hiền hòa, phẳng lặng, xanh ngắt này, ít ai nghĩ ngày xưa đây là một phần của dòng sông Đà hung dữ. Sau này, khi làm thủy điện, dòng nước được chặn lại, không chỉ mang đến cho thị xã “đôi mắt” đẹp, mà còn là nguồn cung cấp cá, tôm dường như vô tận. Sáng sớm, những chiếc thuyền mệt mỏi trở về sau một đêm lao động vất vả. Những con cá trơn bóng được người dân đem ra chợ bán trong niềm vui khôn tả.
Khi bóng chiều đổ xuống, mây núi gặp nhau, ôm ấp thị xã nhỏ bé trong sự bình yên đến lạ kỳ. Phải đứng trên núi cao nhìn xuống mới thấy hết vẻ đẹp của Mường Lay. Sông Đà hùng vĩ như một dải lụa mềm quấn quanh những mái nhà sàn lợp ngói đá sát mái dày đặc. Thi thoảng, giữa lòng sông nhấp nhô những con thuyền qua lại, tạo nên điểm nhấn cho bức tranh thủy mặc thêm vẻ trữ tình, lãng mạn. Đêm trăng sáng, chúng tôi đứng trên cầu Bản Xá ngắm thị xã Mường Lay yên bình. Dòng sông đầy ắp ánh trăng. Ánh điện từ những ô cửa nhà sàn rọi xuống dát bạc mặt sông. Một góc thị xã trở nên lung linh, huyền ảo.
Mường Lay yên bình, đẹp là thế, cho nên, tiếp chúng tôi, Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay Vũ Ngọc Vương không giấu được những tình cảm dành cho mảnh đất này. Ông Vương cho biết, ông mới lên nhận công tác ở đây chưa được một năm. Chừng đấy thời gian chưa đủ để hiểu từ cội rễ, nhưng đủ để ông có yêu mến thị xã trầm buồn này. “Trước đây, khi tôi công tác ở TP Điện Biên, chứng kiến cuộc sống khá ồn ã, náo nhiệt. Ngày đầu lên nhận nhiệm vụ ở Mường Lay, điều dễ cảm nhận là sự yên bình, tĩnh lặng. Cái cảm giác buồn lặng khiến người ta thêm nhớ nhà, nhớ những ngày sống ở thành phố. Nhưng rồi cũng quen dần, quen với sự bình lặng, quen với sự chân chất của đồng bào dân tộc, đủ để mỗi lần đi công tác xa, lại thấy nhớ...”.
Viên ngọc quý vùng Tây Bắc
Ngắm nhìn sự yên bình của Mường Lay hôm nay, chẳng mấy ai biết, thị xã nhỏ “như bàn tay” này đã trải qua những năm tháng sóng gió, đầy khó khăn, vất vả khi người dân vừa sống bên dòng sông Đà hung dữ, vừa chống chọi với bao cơn lũ quét. Trưởng ban Quản lý dự án thị xã Mường Lay Nguyễn Quốc Quân cho biết, trước đây, Mường Lay là thị xã nhỏ của tỉnh Lai Châu, là một trong những thị xã nhỏ bé nhất cả nước, với diện tích chưa đến 12.000 ha, gồm hai phường, một xã. Trung tâm thị xã nằm trong thung lũng hẹp, nơi giao cắt giữa ngã ba sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay. Năm 1990, thị xã bị nhấn chìm hoàn toàn trong một trận lũ quét lịch sử. Sau đó, nhiều người đã ra đi, để lại vùng đất vốn đã trầm buồn lại thêm cô quạnh. Sau gần 30 năm, trải qua bao cuộc đổi dời, gượng dậy và phát triển mới hình thành nên Mường Lay như ngày hôm nay.
Trước đây, ngoài tuyến quốc lộ 12 và quốc lộ 6 đi qua thị xã, Mường Lay chỉ có những tuyến đường nhỏ như “con dao của người dân tộc Thái”. Mỗi khi mưa xuống, một số xã, phường gần như bị cô lập vì đường vào trở nên lầy lội, không thể di chuyển. Ngày nay, tuyến đường dẫn vào khu Nậm Cản - trung tâm hành chính của thị xã được mở rộng hai chiều, cùng hàng chục tuyến đường khác cũng đang được khẩn trương xây dựng, hoàn thiện. Một chiếc cầu hiện đại được cất lên, nối hai bờ sông, không chỉ giúp thị xã khang trang hơn mà còn thuận tiện cho việc giao thương, buôn bán với các vùng khác.
Mường Lay giờ đây mang một khuôn mặt mới, khoác lên mình chiếc áo đẹp hơn, nhưng sự trầm lặng vẫn là đặc điểm hiếm có của mảnh đất Tây Bắc này. Nói như Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay Vũ Ngọc Vương, thị xã như một viên ngọc quý giữa mây trời Tây Bắc bao la, cần được khai thác để trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn. Mường Lay đẹp đẽ, trầm lắng, không chỉ ở đất trời, ở sông núi. Đó còn là vẻ đẹp hiền hòa, giản dị của những con người. Có lẽ, bên chén rượu đong đầy, sóng sánh cay nồng của người dân khi đón khách mới có thể cảm nhận hết tình người ấm áp. Họ mời khách những chiếc bánh Khẩu Xén, loại bánh được làm từ sắn tươi, loại sắn nạc chỉ có ở đất này. Để làm được bánh Khẩu Xén, các cô gái Thái phải trải qua nhiều công đoạn, từ lựa chọn nguyên liệu cho đến cách chế biến. Miếng bánh giòn tan, thơm ngát và đậm đà hương vị của sắn tươi, làm chén rượu thêm phần đậm đà.
Cũng nơi đây, bên đống lửa nồng đượm, những cô gái Thái tuổi 18, đôi mươi mềm mại, uyển chuyển cùng những điệu xòe làm mê mẩn lòng người, khiến bước chân du khách thêm phần chộn rộn. Chợt nhớ lời ví von của một thi sĩ: “Hoa ban nở thành người con gái Thái”. Người con gái Thái mang vẻ đẹp nhuần nhụy, tinh khôi, thánh thiện đã làm cho miền Tây Bắc trở nên ý nhị nhưng cũng đầy sống động. Những cô gái Thái duyên dáng, nữ tính được kế thừa nét đẹp của người con gái Tây Bắc tự bao đời. Sự hòa quyện giữa cảnh sắc, thiên nhiên, con người ở Mường Lay chắc chắn sẽ biến nơi đây trở thành một điểm đến hấp dẫn.
Chủ tịch UBND huyện Vũ Ngọc Vương chia sẻ: “Nhiều năm nay, Mường Lay là nơi dừng chân để thưởng ngoạn cảnh sắc của không ít khách thập phương. Nhiều bạn trẻ đi “phượt” chọn nơi đây là một trong những điểm đến để khám phá. Nhưng chừng đó là chưa đủ, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển du lịch của thị xã. Một số lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc như Kin Pang Then, đua thuyền đuôi én... đang được khôi phục. Khu vực lòng hồ được quy hoạch để trở thành điểm ngao du của du khách thập phương. Mường Lay đang làm tất cả để trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực Tây Bắc”.
Cũng theo Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay, tiếng là người thành thị, nhưng phần lớn người dân vẫn gắn bó với nương rẫy, sông suối..., cuộc sống bấp bênh. Hy vọng ngành “công nghiệp không khói” sẽ phát triển, mang lại nguồn thu cho địa phương, cũng là cách giúp người dân nơi đây thoát nghèo. Nhiều nhà nghỉ, khách sạn đã mọc lên; những con thuyền đậu ở bên bờ hồ thủy điện đợi khách tham quan. Mường Lay đang chuyển mình.
Chia tay Mường Lay, bỏ lại sau lưng thị xã yên ả, tĩnh mịch trong sương mờ, chúng tôi nao nao bao nỗi nhớ. Nhớ những phút giây yên bình giữa lòng hồ mênh mông, núi non trùng điệp, lắng nghe người lái đò kể về những huyền thoại bên dòng sông Đà hung dữ một thời. Nhớ những chén rượu cay nồng, mềm môi, điệu xòe quyến rũ và bàn tay nhỏ nhắn còn chưa kịp nắm chặt của người con gái Thái. Hẹn ngày trở lại, với một Mường Lay thu hút được nhiều khách du lịch, nhưng vẫn giữ được sự yên bình, quyến rũ của thị xã giữa núi rừng Tây Bắc.
Nguồn Báo Nhân Dân