Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Làng mai Bến Kéo nhộn nhịp ngày giáp Tết
Thứ hai: 09:52 ngày 09/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Từ lâu, mai vàng Bến Kéo đã là thương hiệu nổi tiếng của người dân trồng mai ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành. Chỉ còn khoảng mười ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Đây cũng là thời điểm bận rộn nhất nhưng cũng nhộn nhịp, vui tươi nhất của làng mai.

Nhiều người dân có thêm thu nhập nhờ lặt lá mai tại các vườn mai Bến Kéo.

Chiều 16 âm lịch, tại nhà ông Nguyễn Văn Đây có khoảng 5 người thợ lặt lá mai. Vườn nhà ông có khoảng 40 gốc, chủ yếu là mai cổ, cội to cao từ vài mét trở lên. Ông Đây bắt đầu chơi mai từ hơn 20 năm nay. Từ những ngày ông mua gốc mai giá cả chỉ vàng vì thấy đẹp, rồi dần dà vườn ngày càng nhiều, ông bắt đầu bán lại cho những người có nhu cầu chơi mai, rồi nuôi dần những gốc mai nhỏ lớn lên. Tết này ông Đây đã 72 tuổi, nên hầu như mọi việc chăm mai ông đều thuê mướn. Từ lặt lá, xịt thuốc, thay phân… nên “tính ra, mỗi năm bán vài gốc mai chỉ vui thôi, chớ lời lóm gì nhưng vui lắm”. Vườn ông Đây cây có giá cao nhất khoảng 30 triệu đồng, còn lại trung bình từ 5 đến 10 triệu đồng/gốc.

“Ở Bến Kéo này chỉ có tôi là có mai cổ, gốc già. Tôi trồng chơi vì đam mê nên gốc nhỏ nhỏ bán tui thấy tiếc, cứ để vậy nuôi hoài. Thích trồng rồi ai mua thì bán lại, chứ nói tiếng kinh doanh chắc không có lời lãi gì đâu. Cứ tính ngày xưa mua cả chỉ vàng một gốc, giờ bán cũng chỉ được 10 triệu đồng tính ra đâu lời lãi gì. Nhưng được cái vui. Những ngày tết này, không khí cả xóm rộn ràng, thấy hồ hởi lắm”- ông Đây nói.  

Còn tại vườn nhà vợ chồng chị Thuỷ, anh Cưỡng có hơn 10 người đang lặt lá mai cho hơn 200 gốc. Chị Thuỷ cho biết, ngày xưa chị làm nghề mua bán, anh làm ruộng ở ven sông. Cách nay 10 năm, anh chị bắt đầu làm thêm nghề trồng mai bán tết. Nhà chị hiện có 2 vườn với khoảng trên dưới 400 gốc mai, phải mướn 10 thợ lặt lá. Nhờ chăm mai tốt, tạo dáng mai đẹp nên mới giữa tháng Chạp nhưng vườn mai của vợ chồng chị Thuỷ đã có thương lái và người dân đến mua hơn 1/3 vườn. “Họ chọn cây rồi đặt cọc. Đến khoảng 23 tháng Chạp mới bắt đầu đến lấy mai và trả tiền hết” - chị Thuỷ cho biết.

Ông Nguyễn Văn Đây bên những chậu mai đã lặt lá.

Ngoài trồng mai, vợ chồng chị Thuỷ còn nhận “nuôi mai” cho các gia đình không có điều kiện chăm sóc mai sau tết. Hiện chị “nhận nuôi” khoảng 20 gốc. Giá nuôi khoảng 1,7 - 2 triệu đồng/gốc lớn. 

Những ngày này cũng là thời điểm người dân của ấp Bến Kéo có thêm nguồn thu nhập từ mai. Ngoài việc lặt lá mai tính tiền công nhật từ 280.000-300.000 đồng/ngày, có nhiều người còn nhận bứng mai, mua bán mai vườn. Anh Đặng Hoàng Mông cho biết, ngày thường anh đi làm mướn, ai thuê gì làm đó. Riêng từ ngày Rằm tháng Chạp trở đi, anh dành thời gian nhận làm công tại các vườn mai, từ lặt lá, đến bứng gốc. Mai ở Bến Kéo đa phần trồng dưới đất, nên khi mua, chủ vườn sẽ tìm người bứng gốc mai cho khách. Anh Hoàng Mông cho biết, mỗi năm anh đều nhận vườn để bứng gốc cho khách, giá trung bình 50.000 – 200.000 đồng/gốc. Riêng những gốc mai to, cần nhiều người thì có giá từ 1.000.000-1.500.000 đồng/gốc. Những gốc to mình phải kiếm thêm người phụ bứng, mang lên xe cho khách.

“Năm ngoái tôi nhận 4 vườn, cứ có khách mua mai là chủ vườn gọi cho tôi. Tiền bứng mai do người mua trả. Thường là từ 23 tháng Chạp trở đi là việc mua, bán mai bắt đầu bận rộn, tất bật. Có khi bưng chén cơm lên chưa kịp ăn là có người mua cần bứng mai. Vậy là lại chạy. Tuy cực nhưng vui lắm. Năm ngoái, chỉ trong 1 tuần lễ, tôi kiếm được hơn 5 triệu đồng, cũng có thêm chút tiền lo cho cái tết đủ đầy hơn” - anh Hoàng Mông cười, cho biết.

Năm nay, tuy thời tiết có hơi “đỏng đảnh”, nhưng với tay nghề lâu năm, các chủ nhà vườn ở Bến Kéo đã xử lý để mai đơm đầy những búp hoa, nở kịp Tết nguyên đán phục vụ thú chơi tao nhã của người dân với mong ước một năm mới an lành, may mắn.

Ngọc Diêu

Tin cùng chuyên mục