Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thủ tướng Phạm Minh Chính:
Lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19
Chủ nhật: 23:59 ngày 08/08/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian tới, Chính phủ sẽ có phương án gặp doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, từng nhóm ngành nghề để bàn sâu hơn, có giải pháp phù hợp hơn. Chính phủ luôn đồng hành, quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ doanh nghiệp lúc khó khăn, trên tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ.

Công nhân sản xuất tại một công ty may trên địa bàn tỉnh.

Sáng 8.8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng trong bối cảnh dịch Covid-19.

Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Thanh Ngọc- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Nghiên cứu, xử lý một số cơ chế, chính sách

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài hơn 1 năm qua ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ kinh tế - xã hội. Nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, thua lỗ, đời sống nhân dân nói chung và công nhân nói riêng gặp khó khăn…

Ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại trong quý II năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hàng loạt chính sách, giải pháp tiếp tục cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, như: giảm tiền điện, lùi thời điểm đóng phí công đoàn, giảm mức đóng bảo hiểm, tạm dừng đóng các quỹ hưu trí và tử tuất; gia hạn nộp các loại thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế trước bạ cho ô tô; giảm trừ chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế, điều chỉnh giảm một số khoản phí, lệ phí; cho vay ưu đãi trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, khẩn trương để xử lý các tình huống khẩn cấp phát sinh, bảo đảm lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả; ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động tại các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành quản lý, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các quốc gia đang tìm cách giảm thiểu phụ thuộc vào một thị trường, dẫn đến thay đổi dòng thương mại toàn cầu, làm suy giảm các thị trường mới nổi phụ thuộc vào xuất nhập khẩu.

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, cả hệ thống chính trị- đứng đầu là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn kiên định mục tiêu kép và dốc toàn lực nhằm kiểm soát dịch bệnh, đồng thời xây dựng chương trình phục hồi nền kinh tế ngay từ thời điểm hiện tại, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết, đón đầu xu hướng. Ðây là cơ hội cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh.

Nhìn chung, các chính sách, giải pháp được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và phần nào giảm bớt những khó khăn, giúp doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động.

Ðồng hành, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp

Trong bối cảnh khó khăn chung, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước cùng cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân, ủng hộ của doanh nghiệp, cuộc chiến chống dịch bước đầu đạt kết quả tích cực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp chủ động, sáng tạo, quyết liệt, linh hoạt, huy động mọi nguồn lực để thực hiện phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh, duy trì sản xuất ở những nơi an toàn và bảo đảm an dân.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, trong 7 tháng năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 105,4 ngàn doanh nghiệp (tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước), trung bình mỗi tháng có gần 15,1 ngàn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Hoạt động xuất khẩu tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, dựa vào tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng như điện tử, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, thuỷ sản... đến các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU... Doanh nghiệp trong nước đang khai thác hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương.

Thủ tướng đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp, bằng bản lĩnh, trí tuệ vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh, không đứt gãy chuỗi sản xuất, bảo đảm cuộc sống của người lao động, góp phần vào tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông những khó khăn chồng chất của các doanh nghiệp thời gian vừa qua. Chính vì vậy, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã rất cố gắng tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ về cơ chế chính sách để các doanh nghiệp duy trì, phục hồi sản xuất.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức, cần có giải pháp tháo gỡ. Hội nghị này là dịp quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, các địa phương, cơ quan, đơn vị. Tinh thần chung là phải đánh giá thực chất, khách quan, toàn diện những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp.

Bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu và nhiệm vụ to lớn cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương là cần có các biện pháp chống dịch quyết liệt, kịp thời, hiệu quả để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng và ổn định đời sống của nhân dân. Ðồng thời, giữ vững và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nỗ lực cao nhất, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.

Thủ tướng đánh giá rất cao và cảm ơn các doanh nghiệp, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng vẫn chung tay góp sức, hỗ trợ người dân, hỗ trợ cho cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ngay sau khi Quỹ vaccine được thành lập đến nay, số tiền các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp lên tới hơn 8.000 tỷ đồng.

Chính phủ đã sử dụng hơn 2.000 tỷ đồng của Quỹ để mua vaccine và sẽ công khai, minh bạch việc sử dụng quỹ vaccine trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đóng góp để hỗ trợ mua vaccine, thuốc, cơ sở khám chữa bệnh, vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch... Có những doanh nhân còn sáng tạo ATM gạo, ATM oxy và bằng nhiều hình thức khác nhau hỗ trợ Chính phủ, nhân dân.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ có phương án gặp doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, từng nhóm ngành nghề để bàn sâu hơn, có giải pháp phù hợp hơn. Chính phủ luôn đồng hành, quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ doanh nghiệp lúc khó khăn, trên tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ.

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục