Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Làng nghề mây tre ở Tây Ninh: Ngắc ngoải chờ… chiến lược!
Chủ nhật: 11:24 ngày 13/03/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong lúc khó khăn, nhiều hộ đã chia tay với nghề truyền thống của gia đình để tìm kế sinh nhai, thì vẫn có những hộ bám trụ với nghề, nhưng cũng chỉ làm công kiếm tiền mà chưa tìm được hướng phát triển mới cho sản phẩm.

(BTNO)- Một thời khi nhắc đến nhóm ngành tiểu thủ công nghiệp ở Tây Ninh là người ta nghĩ ngay đến làng mây tre lá ở xã Long Thành Trung (huyện Hoà Thành) và xã An Hoà (Trảng Bàng). Bởi từ lâu, nơi đây đã trở thành trung tâm của các đầu mối lớn về tầm vông và các sản phẩm mây tre.

Nhưng thời vàng son của làng nghề dường như đã qua đi, khi mà kinh tế đang dần thay đổi và phát triển từng ngày thì ngành nghề này vẫn “lọ mọ” từng bước chân, quanh đi quẩn lại chốn “quê xưa” với những sản phẩm thủ công không khác gì so với vài mươi năm trước. Trong lúc khó khăn, nhiều hộ đã chia tay với nghề truyền thống của gia đình để tìm kế sinh nhai, thì vẫn có những hộ bám trụ với nghề, cũng chỉ làm công kiếm tiền mà chưa tìm được hướng phát triển cho sản phẩm.

Nỗi niềm của thợ

Anh Nguyễn Hùng Dũng, 43 tuổi ở ấp An Hội, xã An Hoà, huyện Trảng Bàng là người có trên 20 năm trong nghề làm giường, ghế bằng tầm vông. Các dụng cụ làm việc của anh không khác gì 20 năm về trước: 1 chiếc máy mài anh sắm từ năm 18 tuổi, 1 máy cưa, 1 máy khoan cũng già nua không kém… Tất cả đều đã cũ kỹ, nhưng lại là “cần câu cơm” của gia đình có 5 miệng ăn. “Lúc trước làm còn có lời, chứ lúc này không có lời nhiều. Hàng mình làm bán cho dân miền Tây là chủ yếu!”- Anh Dũng cho biết.

Anh Nguyễn Cao Trung, 47 tuổi, ngụ ấp Long Kim, xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành cho biết, mỗi ngày hộ của anh tạo công ăn việc làm cho 3 thợ chính với thu nhập của mỗi người bình quân trên 100.000 đồng/ngày, 4 thợ phổ thông mỗi người khoảng 70.000 – 80.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, hiện tại xưởng của anh cũng chỉ có vài chiếc máy khoan, máy cưa, máy bào… và đa phần các công đoạn thủ công vẫn còn là nhiệm vụ chính của những người thợ.

Tầm vông phải được phơi khô, sau đó đem vào sản xuất thì sản phẩm mới đạt chất lượng

Thời điểm hiện tại, việc tìm đầu ra đã khó, tìm nguồn nguyên liệu chế biến còn khó hơn. Anh Võ Thành Tấn - một người làm nghề ở ấp An Hội, xã An Hoà (Trảng Bàng) lắc đầu thở dài: “ Tầm vông bây giờ mắc lắm, lúc trước mua của vựa thì chỉ có 5.000 đồng/cây, nhưng nay tới 12.000 đồng/cây. Giá tầm vông tăng nhưng sản phẩm mình làm ra đâu có dám tăng, tăng không ai mua, vì vậy không có lời lãi”.

Trước thực tế như vậy, việc tìm chiến lược cho ngành hàng mây tre lá là việc làm cần thiết, trong đó việc làm sao để hàng mây tre thủ công của Tây Ninh có thể xuất khẩu ra nước ngoài là một hướng đi tích cực trong bối cảnh hiện nay.

Xuất khẩu: Khó!

Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Công ty TNHH Bình Đông (xã An Hoà, huyện Trảng Bàng) cho chúng tôi xem tờ quảng cáo của một khu resort ở Hy Lạp. Trên đó, hình ảnh của những chiếc ô làm bằng lá mật cật, ghế tre mang dáng dấp vừa hiện đại vừa truyền thống của Á Đông nằm trải dài theo bãi biển. Ông Bình cho biết, đa phần những mặt hàng đó có xuất xứ từ Trung Quốc, trong khi hàng của Việt Nam hiếm và chiếm thị phần rất nhỏ, giá trị sản phẩm chưa cao. Chỉ vào 1 cây chòi do Công ty Bình Đông sản xuất, ông Bình cho biết nó có giá 3.000 USD, nhưng một cây chòi khác của Trung Quốc, đẹp hơn, được đặt kế bên lại có giá đến gần 20.000 USD. “Những sản phẩm này ở các khu resort người ta chỉ sử dụng 1, 2 mùa là thay cái khác, cho nên tìm đầu ra cho các sản phẩm mây tre thủ công của Việt nam ở các nước châu Âu rất lớn nếu chúng ta biết khai thác tốt” – ông Bình chia sẻ thêm.

Bao nhiêu năm nay, mẫu mã của sản phẩm mây tre lá Việt Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng vẫn chưa thật sự "bắt mắt" khách hàng (ảnh: Sản phẩm ghế tre của công ty TNHH Bình Đông)

Ngành mây tre lá ở Tây Ninh nói riêng và cả nước nói chung đang phải cạnh tranh rất khốc liệt với các nước Trung Quốc, Philippines, Indonesia tại thị trường châu Âu. Sản phẩm mây tre của Việt Nam có thế mạnh là bền, tốt nhưng lại chưa đa dạng về mẫu mã và cách bày trí.

Trong khi đó, tại làng nghề mây tre lá truyền thống ở ấp Long Kim xã Long Thành Trung (huyện Hoà Thành) thì lại đang trở thành “làng gia công” cho Công ty Bình Đông và các công ty ở TP.HCM. Ước tính có khoảng 60% hàng của Long Kim là gia công từng công đoạn cho công ty TNHH Bình Đông. Một số hộ cũng làm thành phẩm nhưng chỉ đếm được trên đầu ngón tay như hộ ông 2 Thưởng, 6 Đức…

Theo ông Bình nhận xét: Ở ấp Long Kim, sản phẩm sản xuất thủ công và khá lạc hậu về kiểu dáng. Trong khi đó, sản phẩm mây tre tại các nước láng giềng như Indonesia, Trung Quốc được sản xuất vô cùng đa dạng và bắt mắt về kiểu dáng nên được khách hàng ưa chuộng. Đối với chúng ta, tại các làng nghề hầu như không đầu tư dẫn đến hàng không chất lượng, kiểu dáng sản phẩm cũ. Nguyên nhân là do thiếu sự đầu tư, yếu kém năng lực, không đổi mới hình thức sản xuất và tìm ra mẫu mã mới, không có người quản lý tốt và không giao dịch tốt để bán được hàng giá cao.

Ông Hồ Ngọc Quới, chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) mây tre lá Long Thành Trung, huyện Hoà Thành thì trình bày “chiến lược” của HTX: “HTX đang trong quá trình tái hoạt động. Thời gian trước, một số hộ còn trụ được thì làm hàng gia công cho Bình Đông (Công ty TNHH Bình Đông, xã An Hoà, Trảng Bàng) và một số công ty khác ở TP.HCM. Do thời điểm này giá cả tăng vọt nên chúng tôi vẫn còn làm cho các công ty trên, sau này chúng tôi sẽ trực tiếp làm và bán sản phẩm cho các công ty ở TP.HCM…”

Tuy nhiên, với “chiến lược” này của HTX Mây tre lá Long Thành Trung thì e rằng việc “bình mới rượu cũ” vẫn sẽ là điệp khúc trên con đường đi tìm hướng phát triển cho hàng mây tre Long Thành Trung.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Phó chủ tịch UBND xã Long Thành Trung cho biết: UBND xã đang tìm mặt bằng cho HTX làm văn phòng, đồng thời xin hỗ trợ trên 100 triệu đồng để trang bị các phương tiện cho HTX. Điều này cho thấy, chính quyền địa phương rất quan tâm đến sự phát triển của làng nghề truyền thống này.

Đường làng quê Tây Ninh rợp bóng mát của những bụi tầm vông. Điều này cho thấy nguồn nguyên liệu ở tỉnh ta không thiếu; nhưng lại thiếu vốn, thiếu nhân lực cải tiến và phát huy thế mạnh của một làng nghề truyền thống

Đối với các hộ sản xuất nhỏ lẻ thì được Quỹ hỗ trợ khuyến công hay Ngân hàng chính sách xã hội cho vay với mức 4 triệu đồng và hoàn trả trong 3 năm, nay mức này được tăng lên 20 triệu đồng. “2 năm trước gia đình tui vay 4 triệu đồng. Số tiền này mua không tới 500 cây tầm vông nữa thì làm sao phát triển sản xuất?”- anh Võ Thành Tấn chia sẻ. Còn anh Nguyễn Hùng Dũng thì cho rằng: “Làm nghề này phải mua tầm vông trữ cho khô rồi mới làm. Cho nên, với mức 20 triệu đồng thì làm sao tích trữ được lượng tầm vông lớn để sản xuất?”

Thế nhưng, có một thực tế cần nhìn nhận rằng, dù ngành chức năng có hỗ trợ hết mình thì những hộ sản xuất nhỏ lẻ trên cũng khó có thể phát triển. Bởi đa phần những gia đình này làm nghề theo truyền thống và hầu hết họ đã ở độ tuổi 40 - 50, không còn sức trẻ để “bươn chải” và cạnh tranh đầu ra của sản phẩm trong khi thị trường ngày càng khốc liệt. Đáng tiếc là, hầu hết lớp người kế cận của ngành hàng này tại khu làng nghề thì chưa có...

Việc buôn bán bây giờ, ngoài sản phẩm chất lượng thì đòi hỏi cách tiếp cận người tiêu dùng phải tốt. Bên cạnh đó, việc nắm bắt tâm lý khách hàng để “bán cái người ta cần” cũng là vấn đề quan trọng. Trong khi đó, trong “chiến lược” phát triển của những hộ sản xuất nhỏ lẻ, gia công thì khái niệm tiếp thị sản phẩm, tham gia triển lãm là một cái gì đó rất mơ hồ…

THANH PHƯƠNG- MINH NGUYÊN

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục