Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Làng nghề ở Tây Ninh: Cần được quảng bá qua khách tham quan du lịch
Thứ sáu: 10:47 ngày 17/06/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Một số người quan tâm cho rằng để có thể tạo sức hút du khách đến với các làng nghề, trước tiên là phải chọn một số làng nghề điển hình và mang tính đặc thù của Tây Ninh…

Khách du lịch - một kênh quảng bá sản phẩm cực kỳ hiệu quả.

Trong những năm qua các ngành nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn Tây Ninh đã có nhiều thay đổi. Bên cạnh những làng nghề truyền thống đã có hàng trăm năm đã xuất hiện ngày càng nhiều những làng nghề tiểu thủ công nghiệp mới. Từng làng nghề có những nét đặc thù, nhưng tất cả đều có chung một mục tiêu là góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn, đồng thời góp phần tăng trưởng kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Từ năm 2009 tỉnh đã có quy hoạch phát triển làng nghề và ngành chức năng đang triển khai thực hiện, nhưng đến nay các làng nghề vẫn còn khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về quảng bá sản phẩm.

Theo khảo sát của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ở nông thôn Tây Ninh đang có đến 30 loại ngành nghề sản xuất đang hoạt động thuộc 12 nhóm ngành nghề: làm bánh tráng, làm muối ớt, chế biến sản phẩm mây tre, làm nhang, làm mộc gia dụng, làm nón lá, rèn, may, sản xuất gạch, cơ khí, chế biến khoai mì và chế biến nông- lâm- thuỷ sản. Trong đó có nhiều làng nghề đã hình thành hơn 100 năm và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Điển hình nhất là nghề rèn ở ấp Lộc Trác, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng ra đời từ cuối thế kỷ thứ 19, hiện có đến 80 cơ sở hoạt động dưới hình thức hộ gia đình thu hút gần 200 lao động làm việc. Mỗi năm, nghề rèn ở Lộc Trác sản xuất hàng trăm ngàn sản phẩm các loại. Tuy nhiên, nghề thủ công đang phát triển rất mạnh và thu hút lao động nhiều nhất ở Tây Ninh là nghề mây tre. Trên địa bàn tỉnh có đến hơn 720 hộ tham gia sản xuất các loại sản phẩm từ mây tre với số lao động lên đến hơn 2.600 người. Trong đó tập trung nhiều nhất là ở huyện Hoà Thành với hơn 480 hộ gồm hơn 1.700 lao động rải đều ở 6 xã. Kế đến là huyện Trảng Bàng, nghề mây tre tập trung ở xã An Hoà, An Tịnh với tổng số hơn 150 hộ gồm 730 lao động tham gia. Ngoài ra, còn có một số làng nghề từng cho ra những sản phẩm truyền thống khác ở Tây Ninh như là: làng nghề chằm nón, làng nghề làm nhang, làng nghề làm bánh tráng, làng nghề làm đồ gỗ…

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các làng nghề ở nông thôn Tây Ninh đã tạo công ăn việc làm cho hơn 5.600 hộ gia đình và thu hút gần 16.000 lao động nông thôn và giá trị sản xuất hằng năm đạt trên 350 tỷ đồng. Hoạt động các làng nghề chẳng những góp phần nâng cao đời sống người dân mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Đây là kết quả rất đáng kể. Tuy nhiên, so với tiềm năng thì hầu hết các làng nghề nông thôn Tây Ninh vẫn chưa tương xứng do có nhiều sản phẩm chưa được nhiều người biết đến do khâu quảng bá chưa được chú trọng. Một trong những kênh quảng bá cực kỳ hiệu quả mà nhiều tỉnh khác đã khai thác triệt để là thông qua khách tham quan, du lịch thì ở Tây Ninh chưa được tổ chức bài bản.

Du khách đến xem công đoạn tráng bánh phơi sương

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều du khách đến Tây Ninh tham quan. Chỉ riêng Khu du lịch Núi Bà Đen, trong dịp Tết Nguyên đán thường có hàng triệu lượt khách đến tham quan. Thế nhưng không ít du khách cho rằng đến Tây Ninh ngoài thưởng thức bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng, hoặc mua ít bánh tráng, muối ớt về ăn, du khách thường không biết đến những sản phẩm khác do không được hướng dẫn đến tham quan và mua sắm vật kỷ niệm ở những làng nghề truyền thống. Ở nhiều tỉnh khác, ngành du lịch có sự kết hợp chặt chẽ với các làng nghề. Cụ thể như đến Đà Nẵng, hầu như không du khách nào lại không được hướng dẫn thăm làng chế tác sản phẩm mỹ nghệ từ đá dưới chân núi Ngũ Hành Sơn. Đến Đà Lạt, một trong những điểm du khách được hướng dẫn đến tham quan và mua sắm là cơ sở sản xuất tranh thêu tay X.Q. Tại đây, không chỉ du khách có dịp ngắm nghía những nghệ nhân chăm chỉ bên những khung thêu mà còn có thời gian nhìn ngắm các bức tranh đẹp và mua sắm về làm kỷ vật. Đến tỉnh Ninh Thuận, khách tham quan không thể không đến làng thổ cẩm Mỹ Nghiệp nhìn ngắm những thao tác đưa thoi của những phụ nữ Chăm để dệt thổ cẩm và sản xuất những vật dụng làm từ vải thổ cẩm. Đến tỉnh Bến Tre, rất nhiều du khách được hướng dẫn đến tham quan làng nghề chế tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ chất liệu dừa- từ cây, cọng lá đến gáo và cả xơ dừa… Tất nhiên, khi tham quan có nhiều du khách sẵn sàng bỏ tiền mua sản phẩm để làm kỷ niệm, qua đó sẽ quảng bá hình ảnh làng nghề đến nhiều địa phương khác trong cả nước. Càng nhiều làng nghề cho khách du lịch tham quan thì địa phương càng thu hút du khách đến và sản phẩm làng nghề càng tiêu thụ được nhiều. Cho nên, việc tổ chức hướng dẫn khách tham quan du lịch đến những làng nghề truyền thống sẽ tạo thuận lợi cho cả ngành du lịch và ngành tiểu thủ công nghiệp cùng phát triển.

Làng nghề mây tre

Một số người quan tâm cho rằng để có thể tạo sức hút du khách đến với các làng nghề ở Tây Ninh, trước tiên là phải chọn một số làng nghề điển hình và mang tính đặc thù của Tây Ninh như mây tre, bánh tráng, muối ớt… tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, hoàn chỉnh quy trình chế tác nhằm thu hút sự quan tâm của khách tham quan. Mỗi làng nghề có nơi trung tâm trưng bày sản phẩm vừa phong phú, vừa lịch sự và có người hướng dẫn chuyên nghiệp am tường mọi công đoạn để giới thiệu cho du khách. Song song đó, ngành du lịch đưa việc tham quan các làng nghề tuyển chọn vào chương trình hướng dẫn tham quan khi du khách đến Tây Ninh. Sự liên kết giữa du lịch và làng nghề truyền thống sẽ tạo sự tác động hỗ tương giúp cả hai ngành cùng phát triển nhanh hơn, góp phần tăng thêm sản phẩm du lịch và tăng cường quảng bá hình ảnh Tây Ninh đối với khách du lịch trong và ngoài nước.

SƠN TRẦN

 

 

Từ khóa:
data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục