Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Qua tra cứu hình ảnh, thông tin, các tài liệu chiến tranh và sự hỗ trợ của một số cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, một số chuyên gia nghi vấn rằng trong sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) và sân bay Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) vẫn còn mộ tập thể chôn cất các liệt sỹ quân giải phóng chưa được quy tập.
Bên trong đường băng Tân Sơn Nhất.
Từ sân bay Biên Hòa…
Bắt đầu từ một dòng bình luận (comment) ngắn ngủi của quân nhân Mỹ Bob Connor trên Internet vào tháng 8/2016, nhóm của kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng đã xác minh thông tin về khu mộ tập thể của các liệt sĩ trong sân bay Biên Hòa.
Sau khi thu thập thông tin, tư liệu, hình ảnh, bản đồ quân sự của quân đội Mỹ do các cựu binh Mỹ cung cấp, cuối năm 2016, ông Thắng đã chuyển toàn bộ dữ liệu trên cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai. Từ thông tin ban đầu đó, tỉnh Đồng Nai đã liên hệ mời các quân nhân Mỹ sang hỗ trợ tìm kiếm hài cốt các liệt sỹ.
Việc chính thức tìm kiếm hố chôn liệt sĩ tập thể tại sân bay Biên Hòa được Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai triển khai từ ngày 15/3 với sự hỗ trợ của 2 cựu binh Mỹ Bob Connor, nguyên trung sĩ cảnh sát bảo vệ sân bay Biên Hòa và Martin E.Strones, nguyên đại tá phụ trách quốc phòng của Mỹ từng tham chiến tại sân bay Biên Hòa và chứng kiến việc chôn cất các liệt sĩ.
Kết quả là đến ngày 14/4, sau một tháng ròng tìm kiếm các anh, cơ quan chức năng đã tìm thấy khu mộ tập thể có hài cốt liệt sĩ trong vành đai sân bay Biên Hòa. Khi tiến hành đào tìm kiếm, lực lượng chức năng đã nhìn thấy một số di vật của các liệt sĩ và dép bộ đội.
Tiếp tục mở rộng hố tìm kiếm, lực lượng chức năng phát hiện được khoảng 150 hài cốt liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 và được an táng ở khu vực sân bay Biên Hòa trong một hố chôn tập thể.
Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng cho biết quá trình thu thập tài liệu về mộ liệt sĩ, các cựu binh Mỹ cung cấp cho ông tài liệu liên quan đến các trận đánh đã diễn ra, trong đó có những hình ảnh, thước phim mô tả hết sức chân thực.
“Đó là những bằng chứng khách quan để chúng ta biết các anh, các chú đã chiến đấu dũng cảm như thế nào trong một cuộc chiến hoàn toàn không cân sức, thật sự rất khủng khiếp, ác liệt”, ông Thắng cho biết.
Tấm ảnh chụp mộ liệt sỹ hy sinh ngày mùng hai Tết Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu
Đến sân bay Tân Sơn Nhất…
Sau khi trở về nước, các cựu binh Mỹ tiếp tục làm cầu nối để tìm kiếm và chuyển tải nhiều tư liệu liên quan đến chiến dịch Mậu Thân 1968. Từ đây, nhóm ông Thắng đã tiếp cận được nhiều tư liệu, hình ảnh về ngôi mộ tập thể liệt sĩ thứ 2 ở phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM).
Khảo sát địa điểm nghi vấn, ông Thắng và các cộng sự lo lắng khi phát hiện khu vực này là công trường đang thi công các công trình phục vụ sân bay.
Lo ngại mộ liệt sỹ (nếu có) sẽ bị xâm hại, ông Thắng đã chuyển các thông tin, tài liệu cho Quân khu 7 và Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội. Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội đã có văn bản đề nghị Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) chỉ đạo kịp thời công tác khảo sát, tìm kiếm mộ tập thể của các liệt sĩ tại khu vực phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất.
Ông Thắng cho biết qua các tài liệu, thông tin, hình ảnh thu thập được thì phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất có một ngôi mộ tập thể đang chôn cất 157 liệt sĩ hy sinh trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Vị trí khu mộ nằm giữa 2 đường lăn. Lúc ấy, quân đội Mỹ đã dùng máy ủi đào một đường hào rộng và sâu để lấp vùi các liệt sĩ.
Năm 1995, TPHCM đã phát hiện một mộ tập thể của các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất đêm 30 rạng sáng ngày 31/1/1968 (tức mùng một Tết), mở đầu chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Các cơ quan chức năng đã quy tập, cất bốc được 181 hài cốt liệt sĩ đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM.
Vậy còn ngôi mộ tập thể nào khác của các liệt sỹ? Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng cho biết một số tài liệu từ phía Mỹ cung cấp (chưa được kiểm chứng) cho biết có hơn 600 liệt sĩ được chôn cất ở khu vực đầu phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất. Thực hư chưa rõ nhưng ông Thắng cho rằng từ hai tấm ảnh phía Mỹ chụp mộ liệt sỹ lúc vừa mới chôn cất, có cơ sở nghi vấn rằng trong sân bay Tân Sơn Nhất còn một mộ tập thể khác của các liệt sỹ nữa.
Hai tấm ảnh này được lan truyền trên mạng Internet có nội dung tương tự nên trong một thời gian dài nhiều người lầm tưởng là cùng chụp một mộ tập thể các liệt sỹ trong sân bay Tân Sơn Nhất.
Ông Nguyễn Xuân Thắng là người đầu tiên phát hiện có sự khác nhau về thông tin thời gian. Đó là một tấm ảnh ghi đã lấp vùi các liệt sỹ hy sinh vào đêm mùng Một, có thể là mộ liệt sỹ đã phát hiện, cất bốc vào năm 1995. Tấm ảnh còn lại ghi rõ chôn cất các liệt sỹ hy sinh vào mùng Hai.
Nhóm tìm kiếm của ông Thắng còn xác định được một tấm hình phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất do cựu binh Bob Laymon chụp từ máy bay Boeing 707 khi đang cất cánh trên đường băng 07L-25R ngay sau trận Mậu Thân. Tấm ảnh thể hiện rõ máy ủi và rãnh đào hình vòng cung ở hướng 4 - 5h, phía trên bên phải là quốc lộ 1 (nay là đường Trường Chinh, đường Cộng Hòa và đường tuần tra vành đai sân bay).
“Hình ảnh chụp vệ tinh của Google Earth ngày 27/9/2000 thể hiện rõ dấu vết hai hố đào đầu phía tây sân bay. Mộ khai quật năm 1995 là hố 1 hay hố 2 hay là của hố nào khác (nếu có).
Tôi hy vọng thông tin mình tìm hiểu là sai, nhưng nếu đúng sự thật thì phải tìm kiếm một cách nghiêm túc, nếu không những người biết thông tin này như chúng tôi sẽ có lỗi rất lớn với các liệt sỹ và gia đình họ đang ngày đêm mong ngóng tìm thấy các chú, các anh”, ông Thắng xúc động.
Tấm ảnh chụp mộ liệt sỹ hy sinh ngày mùng một Tết Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu
Trên 1.000 liệt sỹ còn nằm lại sân bay Lộc Ninh?
Anh Lê Nam Trần (38 tuổi, ngụ TP Biên Hoà, Đồng Nai) một thành viên trong nhóm của ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết ngoài sân bay Tân Sơn Nhất, có nhiều thông tin từ phía các cựu binh Mỹ cho biết trong sân bay Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) có một số vị trí chôn tập thể các chiến sĩ đã hy sinh.
“Chúng tôi đã lên khảo sát. Khu vực nghi có hài cốt liệt sĩ đang có dự án, nếu không khảo sát kịp thời thì mọi vết tích còn lại sẽ bị xoá nhoà”, anh Lê Nam Trần lo lắng.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng cho biết hai cựu binh Mỹ Bob Connor và Martin E.Strones khi quay trở lại Việt Nam đã vô cùng xúc động trước tình cảm của người dân Việt Nam.
Họ trở về Mỹ mang theo nỗi đau và sự canh cánh khôn nguôi của các gia đình, thân nhân các liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt và quyết tâm tìm kiếm thông tin từ các cựu binh Mỹ khác từng tham chiến tại Việt Nam về mộ liệt sỹ nhằm hàn gắn, xoa dịu vết thương chiến tranh.
“Họ lân la hỏi các cựu binh về địa điểm chôn cất các liệt sỹ. Một số cựu binh Mỹ thuộc Sư đoàn số 1 Anh Cả Đỏ cho biết đã chôn cất tập thể khoảng gần 2.000 thi thể quân giải phóng tại 4 vị trí trong sân bay Lộc Ninh. Trong đó, hố chôn lớn nhất có khoảng 800 liệt sĩ. Ba hố còn lại số lượng ít hơn. Số hài cốt này là của các anh, các chú đã tấn công vào sân bay Lộc Ninh và các khu vực lân cận và anh dũng hy sinh, được gom về sân bay chôn tập thể. Theo tài liệu của Việt Nam thì các trận đánh diễn ra vào cuối tháng 11/1967. Quân giải phóng có khoảng 1.000 cán bộ chiến sỹ hy sinh”, ông Thắng nói.
Ông Thắng cho biết từ thông tin các cựu binh Mỹ và nhóm của ông cung cấp, ngày 25/6 vừa qua, các cơ quan đơn vị chức năng tỉnh Bình Phước đã tiến hành khảo sát các vị trí nghi có mộ tập thể liệt sỹ và phát hiện một số quân tư trang của quân giải phóng và đạn AK.
Sẽ khảo sát vị trí nghi có mộ tập thể trong sân bay Tân Sơn Nhất
Trong tuần này Bộ Tư lệnh Quân khu 7 sẽ phối hợp cùng Bộ Tư lệnh TPHCM và các sở, ngành liên quan khảo sát, xác minh thêm thông tin về khu vực nghi có mộ tập thể của các liệt sỹ trong sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM Lê Minh Tấn, Sở đang lập kế hoạch trình UBND TP để phối hợp với các cơ quan chức năng khảo sát thực tế. Khu vực nghi vấn có mộ đang thi công xây dựng Trung tâm đăng kiểm thiết bị hàng không và một số công trình phụ trợ.
Nguồn Báo Tiền phong