BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lãng phí đất nông trường ở huyện Tân Châu 

Cập nhật ngày: 27/11/2020 - 00:54

BTN - Hiện nay, hơn 3.000 ha đất nông trường của Công ty Mía đường Tây Ninh ở huyện Tân Châu đang bị bỏ hoang gây lãng phí.

Cả ngàn héc-ta đất ở ấp Hội An, xã Tân Hội có đường giao thông thuận lợi bị bỏ hoang phế.

Năm 1980, UBND tỉnh thành lập Công ty Mía đường Tây Ninh và quy hoạch hàng ngàn héc-ta đất để làm nông trường. Tuy nhiên, do ngành mía đường hoạt động ngày càng không hiệu quả, năm 2017, UBND tỉnh thu hồi hơn 3.800 ha đất của Công ty Mía đường Tây Ninh và bàn giao hơn 3.400 ha cho huyện Tân Châu quản lý. Ðiều đáng quan tâm là từ đó đến nay, việc thu hồi và giao đất cho huyện chỉ mới diễn ra trên văn bản.

Những năm trước, toàn bộ khu Ðập Tràn hồ Nước Trong (xã Tân Hội, huyện Tân Châu) thuộc Nông trường Nước Trong (của Công ty Mía đường Tây Ninh). Ðây là vùng đất bán ngập khá rộng. Mùa mưa, khi hồ Nước Trong tích nước đầy, toàn bộ khu vực này chìm trong nước.

Trong phần đất có nhiều cây tràm nước, sen, điên điển và nhiều loại cây hoang cỏ dại. Hiện nay, nhiều cây tràm đã bị đốn hạ, chỉ còn trơ lại gốc. Nhiều nơi, người dân vừa thu hoạch xong vụ mì. Cạnh đó là khoảng đất trống đang được người dân rào chắn lại dùng làm nơi nuôi thả trâu.

Ông Nguyễn Văn Minh- cán bộ nông nghiệp xã Tân Hội cho biết, khi nghe tin Công ty Mía đường Tây Ninh giao trả khu đất này lại, nhiều người dân vào phát rừng tràm, lấn đất trồng mì. Có người bao chiếm đất làm nơi nuôi trâu, nuôi bò. Năm 2019, chính quyền địa phương cử lực lượng chức năng vào kiểm tra, bắt quả tang một số người khai thác, vận chuyển cây tràm trái phép, đã lập biên bản, xử lý; đồng thời buộc hộ nuôi trâu, nuôi bò ở đây di dời đi nơi khác.

Cách hồ Nước Trong khoảng 5km là một vùng đất bằng phẳng, rộng khoảng 1.000 ha thuộc ấp Hội An, xã Tân Hội. Có đường giao thông thuận lợi, nhưng toàn bộ khu đất này đang bị cỏ mọc um tùm.

Theo ông Minh, trước đây Công ty Mía đường Tây Ninh trồng cây cao su trên phần đường này. Sau khi thanh lý cao su, đơn vị chủ quản cho người dân thuê lại để trồng mía, mì. Từ khi UBND tỉnh có quyết định thu hồi, giao cho địa phương quản lý, khu vực này bị bỏ hoang.

Ông Bùi Trọng Bình- Phó Chủ tịch HÐND huyện Tân Châu cho biết, HÐND tỉnh và HÐND huyện đã nhiều lần giám sát về tình hình quản lý đất đai trên địa bàn huyện. Thực tế, việc chậm bàn giao đất cho địa phương quản lý nên không được đưa vào sản xuất, gây lãng phí. Ngoài ra, đất của Công ty xen kẽ với đất của người dân, ranh giới không rõ ràng nên tình trạng lấn chiếm đất công diễn biến phức tạp. Sắp tới, HÐND huyện sẽ tiếp tục giám sát việc thực hiện quản lý đất đai trên địa bàn để đề xuất UBND tỉnh sớm có biện pháp chấn chỉnh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trên địa bàn tỉnh có 7 công ty là nông, lâm trường quốc doanh được cơ cấu lại phương án sử dụng đất. Vừa qua, Thường trực HÐND tỉnh tổ chức đợt khảo sát về công tác quản lý, sử dụng đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

Ðoàn ghi nhận một số vấn đề như có các dự án, công trình được công bố trong Kế hoạch sử dụng đất hằng năm phải thu hồi đất hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất nhưng sau 3 năm chưa thực hiện, trong đó, huyện Tân Châu có 4 dự án.

Tuy nhiên đến nay, UBND tỉnh chưa có văn bản đề nghị HÐND tỉnh huỷ bỏ, dẫn đến việc hạn chế các quyền sử dụng đất của người dân trong khu vực quy hoạch, như không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm, ngoài ra, còn ảnh hưởng về giá trị đất, giao dịch thế chấp vay vốn ngân hàng…

Việc triển khai thực hiện phương án sử dụng quỹ đất do UBND tỉnh thu hồi từ các công ty nông nghiệp giao về địa phương quản lý, bố trí sử dụng còn hạn chế. Việc xử lý chậm gây lãng phí đất đai.

Ðất bán ngập ở khu Ðập Tràn hồ Nước Trong bị người dân lấn chiếm làm chỗ nuôi trâu, bò. Ảnh Vũ Ðông

Qua khảo sát của HÐND tỉnh cho thấy, công tác quản lý nhà nước về đất đai ở các địa phương còn khó khăn, hạn chế, như: công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân chưa có trọng tâm, trọng điểm; còn nhiều hộ gia đình, cá nhân không nắm quy định, dẫn đến những vi phạm pháp luật đất đai; việc triển khai các quy định, hướng dẫn thi hành pháp luật đến cơ sở có nội dung chưa đầy đủ, dẫn đến một số cán bộ phụ trách công tác quản lý đất đai chưa nắm rõ quy định; công tác thống kê, kiểm kê và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất còn hạn chế, tiến độ thực hiện chậm so với quy định; chưa xác định ranh giới diện tích đất trồng lúa theo quy định và còn sai lệch giữa thực tế và trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dẫn đến việc hoạch định, xác định, quản lý đất đai trên địa bàn gặp khó khăn.

Ngoài ra, công tác lập quy hoạch sử dụng đất chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, dẫn đến một số chỉ tiêu sử dụng đất thấp. Một số khu vực, vị trí theo quy hoạch sử dụng đất chưa đồng bộ với quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới và các quy hoạch chuyên ngành khác, gây nhiều khó khăn trong giải quyết các thủ tục đất đai trên địa bàn.

Công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất còn hạn chế. Một số dự án chậm đưa vào sử dụng, đầu tư trên đất không đúng tiến độ nhưng chưa xử lý. Một số dự án đã được HÐND tỉnh thông qua thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa thực hiện trong thời gian dài, có rà soát nhưng đến nay chưa trình HÐND tỉnh huỷ bỏ. Công tác quản lý, sử dụng đất các công ty nông nghiệp trên địa bàn chưa đạt hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Ðại Dương