Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Làng thuốc ngàn năm trên đất Kinh kỳ

Cập nhật ngày: 15/09/2010 - 11:59
HTML clipboard

“Người Nam dùng thuốc Nam”, cách đây gần một nghìn năm, làng Đại Yên, Ngọc Hà đã nổi tiếng với nghề trồng cây, bốc thuốc Nam. Có một thời cả làng trồng thuốc, nhưng hiện giờ những mảnh vườn thuốc Nam ở Đại Yên chỉ còn đếm trên đầu ngón tay…

Những cụ bà nhắm mắt cũng có thể bốc đúng thuốc.

Đại Yên là một làng trong số “thập tam trại” của đất Thăng Long xưa. Trước đây làng thuộc về thôn Thụy Chương (Thụy Khuê, Tây Hồ). Theo thần phả của đình làng, vào thời nhà Lý ở thế kỷ 11, có một cô gái tên là Trần Ngọc Tường mới 9 tuổi nhưng rất giỏi chữa bệnh bằng các loại lá cây. Cô đã đi theo đội quân của Lý Thường Kiệt trong cuộc chiến chống quân Tống xâm lược. Một hôm, quân sĩ của Lý thường Kiệt đổ bệnh hàng loạt. Trần Ngọc Tường đã tìm các loại lá và chữa khỏi bệnh cho hàng vạn quân sĩ, góp phần không nhỏ cho thắng lợi. 

Ngọc Tường được nhà vua phong là Ngọc Hoa công chúa. Nhưng bà không ở lại trong cung mà về sống ở quê mẹ là làng Đại Bi (tên cổ của làng Đại Yên), truyền lại nghề trồng lá thuốc và chữa bệnh cho dân làng. Để tưởng nhớ công lao ấy, người dân đã tôn bà là thành hoàng làng, đời đời bảo trợ cho nghề và hàng năm cứ đúng dịp 13 đến 15 tháng Ba âm lịch, hội làng được tổ chức linh đình, con cháu dù ở xa cũng cố tề tựu đông đủ.

Từ nhiều thế hệ, người Hà Nội biết đến làng Đại Yên như địa chỉ trồng thuốc Nam duy nhất của toàn vùng. Trước đây ở Đại Yên, gia đình nào cũng có một vườn cây lá thuốc. Những thập niên 80 của thế kỷ XX, cả làng là vựa thuốc Đông dược cung cấp cho Viện Y học cổ truyền Việt Nam, Đại học Dược Hà Nội và hàng thuốc nam còn bày bán rộng khắp các chợ ở đồng bằng Bắc bộ.

Một điều thú vị là người Đại Yên không chỉ chữa bệnh theo cách bắt mạch và kê đơn như thường thấy ở các nhà thuốc y học cổ truyền. Những “lương y” ở Đại Yên lắng nghe khách hàng kể các triệu chứng, hỏi các biểu hiện của bệnh và dựa vào kinh nghiệm sẵn có để bốc thuốc.

Chợ thuốc nhỏ nhoi bên cổng làng.

Các bậc cao niên kể lại rằng: Ngày trước một trong những trò chơi của trẻ làng là đố nhau các loại lá thuốc. Nhỏ tuổi thì thách nhau tìm các loại lá thuốc quanh làng, rồi đố nhau gọi tên. Lên 8 – 9 tuổi đã biết đi cắt lá rồi sao thuốc để mẹ đem đi bán. Những trò chơi tuổi thơ đã khắc sâu vào tâm thức những kinh nghiệm quý báu. Có những cụ bà dù nhắm mắt mà vẫn có thể nói được mình cầm loại lá gì, héo hay tươi và chữa được những bệnh gì…

Làng thuốc Nam Đại Yên mà tiêu biểu là những người làm thuốc nam là một thứ văn hoá phi vật thể quý giá mà hàng ngàn năm qua ông cha ta truyền lại. Đã đến lúc nhà nước cần có một chính sách đãi ngộ và tôn vinh những người làm thuốc nam Đại Yên. Đừng để làng nghề truyền thống ấy biến mất giữa xã hội hiện đại.

K.D (st)