Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Làng trồng Bưởi Phú Diễn

Cập nhật ngày: 16/12/2010 - 11:12

Những trái bưởi tại mảnh đất Phú Diễn -Từ Liêm đã mang lại một nét rất đặc trưng khiến cho biết bao người hà thành .Giờ đây , đi tới đâu chúng ta cũng nhìn thấy những trái bưởi có mùi vị thơm ngon khó diễn tả.

Qua cầu Diễn, rẽ về đường ga Phú Diễn, người ta thường bỡ ngỡ đứng ngắm phía bên trái đường, trên cánh đồng lúa xanh là những thôn làng có nhà xây cao tầng, đua chen xây dựng cứ liền nhau kéo dài, đó là các làng phố Diễn, Đức Diễn và Đình Quán thuộc xã Phú Diễn huyện Từ Liêm. Đây là một vùng quê nổi tiếng, có nhiều danh nhân, văn tài nổi trội đã thi đỗ đại khoa và làm quan trong các triều vua: Lê, Tây Sơn, Nguyễn. Phương ngôn vùng Từ Liêm xưa có câu: Từ Liêm tam Diễn: Phú- Phù- Phu" chính là chỉ vùng này.

Đầu thế kỷ 20, cả vùng Phú Diễn bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận lụt lịch sử (năm Ất Mão 1915) làm cho xơ xác tiêu điều mấy năm liền. Tuy nhiên, trận lụt đó cũng đưa nhiều phù sa cho đất đồng chiêm, cải tạo ruộng đồng. Vùng Phú Diễn đã có một giống cây đặc sắc: đó là bưởi Phú Diễn, đi vào câu ca: Cam Canh - Bưởi Diễn:

Đức Diễn quê mình người xinh cảnh đẹp

Bưởi làng mình mát ngọt thơm ngon

Mỏng cùi, vàng óng, tôm giòn

Một lần khách nếm chắc còn nhớ lâu

Theo các cụ lão làng của Đức Diễn kể lại, thì khoảng đầu thế kỷ 20, ông Lý Khang lên chơi Đoan Hùng, nhận thấy giống bưởi nơi đây ngon ngọt quá mới xin về trồng. Cây bưởi gốc của nhà ông đã cho cành chiết tới hàng trăm nhà khác, nhưng giá trị trên thương trường thì chưa có ai khẳng định. Sau ngày Cách mạng thành công, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Phú Diễn, Bác trồng cây đa lưu niệm, căn dặn cán bộ nhân dân đẩy mạnh sản xuất, quan tâm tới trồng cây ăn quả. Từ đó phong trào trồng cây ăn quả tại vườn nhà và vườn quả của Người cao tuổi Phú Diễn ra đời. Sau khi có chủ trương đổi mới kinh tế, đảng uỷ Phú Diễn đã mạnh dạn đưa vào nghị quyết việc "chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả, tập trung trồng bưởi - một giống cây đặc sản của địa phương". Thế là cây Bưởi đã từ vườn nhà trở thành hàng hoá chính. Những bí quyết chăm sóc cây bưởi sao cho tôm giòn, vỏ mỏng…đã được phổ biến trong cộng đồng. Nhà nào, vườn nào cũng có thể trồng được bưởi Diễn nếu biết đi theo đúng quy trình chăm sóc. Sau khi thu hoạch lứa Bưởi, người ta dùng cuốc đánh một rãnh hình vành khăn quanh gốc cây với bán kính trên 1,5m . Trong rãnh, người làm vườn bón phân chuồng đã được ủ mục hàng năm gồm: đậu tương xay, phân chim cút, phân gà rồi tưới nước. Khi nước đã ngấm thì lấp kín để rễ bưởi "ăn" ra. Sang xuân, khi cây bưởi đã tạo ra lộc non, lá non người trông vườn đề phòng sâu đục thân bằng cách dùng "bùi nhùi chùi xoong" cọ trực tiếp vào gốc, không để lại vết rêu không để lại ổ sâu, sau đó dùng thuốc lào ngâm với xà phòng quét gốc, phun cành, trừ sâu, quả bưởi đậu được thành trùm non, người chủ vườn cũng phải mạnh tay lọc bớt quả dẹt, méo. Bưởi Diễn không cho quả ngon vào vụ tháng Tám, mà thường cho quả ngon vào dịp Tết nguyên đán. Lúc này vào vườn cây , nhìn no mắt những quả chín lúc lắc treo trên cành, quả tròn, mùi thơm ngào ngạt. Người ưa thích bưởi Diễn thường mua cả vườn quả trong vườn để làm quà Tết biếu khắp nơi.

Người làng Đức Diễn chỉ có sào vườn bưởi, trông nom cẩn thận cũng thu hai ba chục triệu mỗi năm tiền hoa lợi. Cây bưởi đã không còn ở riêng làng Đức Diễn mà được trồng ở các nơi do sự quảng bá của Viện giống và cây trồng hoặc mỗi kỳ hội chợ nông nghiệp. Nhưng người làng Diễn vẫn tự hào :"Chỉ có trồng ở đất ngã ba làng Diễn mới ngon ", phải chăng mỗi nơi, thổ ngơi có khác nhau? Cây Bưởi Diễn được chăm sóc theo một kỹ thuật riêng, đã vượt cái gốc Bưởi Đoan Hùng, trở nên tròn quả và đẹp mã. Trong ruột tôm giòn, ăn vào ngọt mát, dư vị thơm mãi nên ai cũng ưa chuộng. Do vậy, văn hoá làng Diễn đã có sự kết tinh của các miền và lan tỏa đến các nơi khác thông qua sự giao lưu kinh tế với nhau. Giữ được giống cây quý không chỉ đảm bảo nền kinh tế địa phương mà còn gián tiếp giữ gìn những ảnh hưởng văn hoá mà cha ông ta đã gây dựng từ ngàn xưa truyền lại.

Cây bưởi của Phú Diễn bây giờ không chỉ riêng của nơi này nữa, mà đã có mặt ở nhiều nơi trong đất nước ta. Nhiều gia đình, trang trại biết làm ăn đã biến bưởi Diễn thành một giống cây phổ biến, đem lại hạnh phúc giàu có cho mọi nhà. Nhờ có cây bưởi, làng Diễn đã từng bước đổi đời. Phú Diễn ngày nay là một xã thuộc loại giàu có của huyện Từ Liêm. Khi Tết đến không những ở chợ cầu Diễn có Bưởi đặc sản mà ngay tại các chợ khác ở Hà Nội…đều có bưởi Diễn.

K.D (st)