Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Làng trong phố thị
Thứ sáu: 08:14 ngày 17/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Còn nhớ hôm 28.2, Hoà Thành tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thành lập thị xã và các phường thuộc thị xã, trong chương trình có một tiểu mục là những quán lá xinh xinh dựng bên cạnh hội trường, bày các sản vật địa phương cho khách mời tham quan và thưởng thức.

Sau quầy toàn là các chị, các cô áo dài tha thướt. Quầy lại đóng bằng cây tầm vông, có lẽ là sản phẩm của làng nghề tre trúc Long Kim. Màu tầm vông óng chuốt như ngà, hộc dưới đựng đồ hàng, mái trên đều lợp từ thanh tre chẻ và chuốt óng. Rõ là chất liệu dân gian truyền thống, nhưng lại hợp cảnh hợp người với trang phục thời thượng ấy biết bao.

Tất cả các xã, phường đều có mặt; lại có thêm vài doanh nghiệp trẻ như Vương Ngọc, cà phê Gu Việt đến trưng những quầy riêng… Bất ngờ khi cà phê chế biến tại Tây Ninh mà có cả Arabica K’Ho nguyên hạt hoặc đã xay thành bột. Thứ tôi nếm thử đầu tiên chính là một ly cà phê đá mát lạnh có nguồn gốc từ một làng K’Ho nào đấy ở Lâm Đồng.

Dĩ nhiên là vị đắng thơm ngon nồng nàn đã làm tan ngay cơn khát giữa một ngày nắng nóng. Quầy của doanh nghiệp Vương Ngọc cũng xinh nhưng không nếm được vì toàn những rượu mãng cầu nguyên cặp, nguyên chai. Nghe nói, rượu mãng cầu cũng đã trở thành một mặt hàng rất đặc trưng của tỉnh nhà, được khách hàng ngưỡng mộ.

Ở Hoà Thành có cả một làng nghề đan cần xé. Ảnh: Nguyễn Minh Thiện

Nhưng điều thú vị vẫn là ở các gian hàng của làng xã, dù nay một số đã lên phường. Long Thành Trung và Trường Tây toàn những món ăn ngon và tinh tế, màu sắc ướt rượi tươi non như vừa được vớt lên từ dòng sông và những cánh đồng.

Quầy hàng Long Thành Bắc vun đầy những bánh ú và những hộp nhựa xếp đầy bánh in, lại còn những rá ổi vun đầy, trái to và cuống còn treo đầy những lá xanh. Phường Long Hoa lại có những mẹt bánh xinh xắn hình bông trái. Trường Đông sum suê những nhãn, bưởi căng tròn cùng những bịch bánh tráng Tân Nhiên. Và phường Hiệp Tân, đô thị hoá mạnh mẽ là thế, mà đặc trưng lại là những bông sen trắng, sen hồng…

Có lẽ cũng còn thiếu nhiều thứ lắm, những sản phẩm đặc trưng hay thế mạnh của các làng nghề. Đất Hoà Thành vốn hội tụ dân cư từ nhiều miền đất nước. Họ mang theo những mảnh ký ức tốt đẹp nhất của quê hương, để rồi tái sinh chúng trên miền đất mới bao dung và rộng lượng.

Một trong những nơi ấy là khu Long Kim, phường Long Thành Trung có làng nghề tre, trúc, tầm vông. Vài tháng sau, nỗi nhớ đưa tôi về với Long Kim, bây giờ đã là khu phố. Đường bê tông đã thay cho những con đường đất đỏ. Vài ngôi nhà xưởng bằng tôn thép đã cao lên lừng lững một bên đường. Nhưng phần nhiều vẫn là những vuông vườn xanh ngời chuối, dừa cùng cây cối sum suê rợp mát.

Xếp chồng hai bên lề đường vẫn là tầm vông hoặc bán thành phẩm tầm vông. Những người thợ vẫn miệt mài trong nhà xưởng, hay với chiếc máy cắt nhỏ, cắt tầm vông ngay ở lề đường. Cả những chảo lửa than để uốn tre khi cần, luênh loang màu khói trắng… Tất cả như chỉ để làm nổi bật cái “màu tre tươi nhũn nhặn” (Thép Mới- Tre Việt Nam) hoặc là màu ngà vàng óng ả của từng sản phẩm tầm vông.

Như thế Hoà Thành vẫn còn, thậm chí còn phát triển hơn những làng nghề trong phố, sau khi đã đô thị hoá lên phường, lên thị xã. Và, còn biết bao những làng nghề nữa, như nghề đan cần xé Long Thành Nam, bánh tráng Trường Hoà, làm nhang Long Thành Bắc, bột năng bột báng ở Trường Tây…

Tôi nhớ thêm cả anh Sáu Phước, một mình tạo lập riêng một làng nghề đẽo tạc đá ở bên đường quốc lộ 22; nhớ cả chai rượu đinh lăng Long Thành Trung- món quý nhất trong giỏ hàng tết vài năm gần đây nữa…Ước sao phố thì vẫn phố, mà làng thì vẫn làng, để lưu giữ những mảnh ký ức quê hương sâu đậm. Như những mảnh hồn quê trong phố thị Hoà Thành.

Nguyễn

Tin cùng chuyên mục