Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Mặc dù đã thọ trăm tuổi nhưng nhiều cụ ông, cụ bà ở làng trường thọ tại xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam vẫn còn rất minh mẫn, có cụ vẫn đi bộ làng trên xóm dưới lo hiếu hỷ, hội làng…
Cặp vợ chồng 100 tuổi song toàn hạnh phúc
Chẳng hiểu thổ nhưỡng ở đây thế nào, cũng chẳng phải non cao rừng sâu hay chốn bồng lại tiên cảnh… mà ở xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam lại có nhiều người sống trường thọ đến vậy. Ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Chuyên Ngoại cho biết, toàn xã Chuyên Ngoại có gần 9.000 nhân khẩu thì tổng số hội viên Hội Người cao tuổi là 1.644 người, tính trung bình các cụ tuổi từ 80 – 100 tuổi có 559 cụ, tròn 100 tuổi có 9 cụ, trên 100 tuổi trong toàn xã có 4 cụ.
Vợ chồng cụ Thuần đến nay đều đã 100 năm tuổi.
Xã Chuyên Ngoại nằm cách thành phố Phủ Lý 30 km về phía Bắc, dọc theo đê sông Hồng. Được sông Hồng ban tặng những dải phù sa màu mỡ, nơi đây được nhiều người biết đến với nghề ươm tơ tằm lâu đời.
Nơi đây cũng chính là vựa cung cấp tơ tằm cho làng dệt lụa nổi tiếng Nha Xá. Nhưng từ nhiều năm nay, xã Chuyên Ngoại còn nổi tiếng trường thọ, trong xã nhiều cụ đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn vui vầy bên con cháu. Có cụ vẫn đọc vanh vách Truyện Kiều bằng chữ Nôm. Những gia đình có các cụ trường thọ đều là gia đình nề nếp, con cháu thuận hoà.
Hằng ngày cụ Thuần vẫn đi bộ phăng phăng chẳng kém thanh niên.
Cũng như mọi ngày, cụ ông Nguyễn Văn Thuần (100 tuổi, ở thôn Yên Mỹ) có thói quen đi bộ ra ngoài. Cụ Thuần sẽ đến nhà thờ cầu nguyện an lành cho cả gia đình sau đó di chuyển tới một số gia đình trong xóm làng chơi, nói chuyện.
Dù đã 100 tuổi nhưng cụ Thuần vẫn khoẻ mạnh, tinh anh. Cụ ông đi từng bước dứt khoát nhanh như thanh niên trai tráng khiến không ít người kinh ngạc. Không chỉ ông Thuần mà vợ ông là cụ bà Nguyễn Thị Nghệ năm nay cũng đã bước sang tuổi 100. Cụ Thuần cho biết, ở làng này nhiều cụ thọ 100 tuổi, thậm chí hơn 100 tuổi nhưng cơ bản chỉ còn mỗi cụ bà. Chỉ duy nhất gia đình cụ hiện tại còn cả cụ bà và cụ ông.
Dù tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ Thuần vẫn rất tinh anh.
Cụ vẫn ghé qua nhà hàng xóm cười đùa vui vẻ.
Cụ ông và cụ bà đã có 80 năm chung sống bên nhau hoà thuận. Trước đây, ngày nào hai cụ cũng đi tập thể dục bằng cách đi bộ 2-3km. Thế nhưng một hai năm nay sức khoẻ cụ bà Nghệ yếu nên chỉ quanh quẩn ở nhà. Dù cao tuổi nhưng ở xã có bất cứ công việc hiếu hỷ gì cụ Thuần đều có mặt giúp đỡ và không cần nhờ con cháu chở đến tận nơi mà cụ tự đi bộ.
Cụ Thuần nói và cho hay, nhà ở ven sông Hồng nên từ nhỏ cụ bơi lội rất giỏi, từ lúc còn trẻ đến khi về già cụ vẫn được coi là “kình ngư” của xã. Thời còn trẻ, hôm nào thời tiết nóng nực, cụ Thuần cũng ra tắm sông ùm ùm, lặn sâu đến vài ba mét. Giờ già rồi nên cụ không còn đủ sức bơi lội nữa.
Bà Mái (cháu dâu) chia sẻ về cuộc sống của hai cụ.
Do hai cụ có một người con trai đã mất sớm, nên hiện hai cụ sống với người cháu ruột là ông Nguyễn Xuân Đô (70 tuổi). Ông Đô cho biết, gia đình ông có 6 người con, 15 người cháu nội, cháu ngoại. Hàng ngày, ông trông các cháu và chăm sóc vợ chồng cụ Thuần.
“Ăn uống của vợ chồng cô chú Thuần cũng rất đơn giản, sáng ăn nhẹ, còn bữa trưa và tối cô chú cũng chỉ ăn 1 lưng cơm. Thời gian gần đây sức khoẻ cô yếu hơn nên con cháu bê cơm vào trong nhà, còn chú vẫn ăn uống sinh hoạt cùng con cháu. Hiện tại nhà tôi 3,4 thế hệ vẫn giữ nếp ăn uống chung và quây quần bên nhau vui vẻ, hoà thuận”, bà Nguyễn Thị Mái (70 tuổi) chia sẻ.
Vợ chồng cụ Thuần bên con cháu.
Thiệp mừng song toàn hạnh phúc của vợ chồng cụ Thuần.
Cụ Nghệ hai năm nay sức khoẻ yếu nên chỉ quanh quẩn ở nhà.
Vừa nhặt rau chuẩn bị bữa cơm chiều, bà Mái cho biết, đa phần thực phẩm trong gia đình đều tự trồng và nuôi được như rau nhà, gà, vịt nuôi ngoài vườn… cá nuôi ngoài sông nên không mấy khi phải mua bên ngoài.
“Dù là cháu nhưng tôi thương cô chú như bố mẹ đẻ của mình vậy. Ở tuổi 70 lên chức bà và sắp có chắt nhưng vẫn chỉ là con cháu trong lòng các cụ thôi. Nói gì mà sai ý là các cụ mắng luôn”, bà Mái cười nói.
Bí quyết sống lâu ở làng trường thọ
Chia sẻ về kinh nghiệm sống thọ, không bệnh tật, cụ Thuần cho biết, cụ sống khoa học, không rượu bia hay thuốc lá gì, hàng ngày có tập thể dục và luôn giữ cho mình tâm trạng vui vẻ, nhẹ nhõm nhất có thể. Hơn nữa con cháu đều có công việc ổn định, nghe lời ông bà và sống hoà thuận cũng khiến tinh thần vợ chồng cụ thảnh thơi lúc về già.
Năm nay đã 105 tuổi nhưng cụ bà Đào Thị Thuận vẫn còn khoẻ mạnh. Chồng cụ và con trai đều đã mất rồi, các cháu thì đi làm xa, nên cụ ở một mình trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Từ Đài, xã Chuyên Ngoại.
Bà cụ Thuận năm nay đã 105 năm tuổi.
Cụ Thuận kể, cứ cơm nước chiều xong là bà lại sang nhà bà Lương Thị Nghi (gần 90 tuổi, ở cùng thôn) nói chuyện cho đỡ buồn. Bà Nghi cũng già rồi, loanh quanh mấy cụ già chơi với nhau, ngày nào cũng đi sang nhà nhau. Ở một mình nên việc ăn uống, sinh hoạt cụ đều tự lo được hết.
“Con cá dưới sông, con gà trong vườn, cứ chăm rồi con cháu, hàng xóm họ bắt về giúp cho. Lúa thì giờ không ra cấy gặt được nữa, tôi thuê người. Rau thì vẫn tự trồng, có sẵn trong vườn”, cụ Thuận giải thích và cho biết, gắn bó với công việc, vườn tược, cụ đã quen với sương gió, hiếm khi có bệnh tật.
Hằng ngày cụ Thuận vẫn ghé tới nhà bà Nghi hàng xóm chơi.
Ngồi cạnh cụ Thuận, cụ Nghi cho hay, con cái lớn ở riêng, bà sống với cháu nội. Thời còn sức khỏe thì ra đồng cấy cày cùng mọi người, về già thì bà Nghi trồng rau nơi vườn nhà, rồi sang chơi nhà các cụ hàng xóm hoặc chờ đón các cụ sang cùng uống chén nước, trò chuyện tuổi già.
“Con cháu có công việc và niềm vui của con cháu, chúng tôi có công việc và niềm vui của chúng tôi, không lụy phiền gì đến nhau cả”, cụ Nghi cười nói. Cụ Nghi cũng cho biết, từ lúc còn trẻ đã hay cười, tính tình vui vẻ, ít giận ai được lâu. Cuộc sống của cụ bình an, làng quê không khí trong lành nên dù chẳng được ăn cao lương mỹ vị bao giờ, cụ vẫn thấy khỏe mạnh, minh mẫn.
Theo bà Chiến, những người cao tuổi sống thọ tinh thần luôn thoải mái, gia đình hoà thuận.
Bà Nguyễn Thị Chiến (68 tuổi, Chi hội trưởng chi hội người cao tuổi thôn Yên Mỹ cho biết, trong thôn có 163 cụ từ 60 đến hơn 100 tuổi. Các cụ đều có cuộc sống vô tư không giận giữ ai. Đó cũng là bí quyết giúp các cụ trường thọ.
“Đối với cụ Thuần dù 100 tuổi nhưng ai ốm đau, làng trên xóm dưới có công việc gì cụ đều đến hỏi thăm. Vài năm nay sức khoẻ các cụ yếu hơn. Các con cháu đều yêu thương cụ. Họp hành chi bộ các cụ đều đến rất sớm”, bà Chiến cho hay.
Ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Chuyên Ngoại cho biết, đã nhiều năm nay, Chuyên Ngoại vẫn thường được nhiều người nhắc đến là xã trường thọ, bởi ở đây có nhiều cụ sống thọ hơn 100 tuổi vẫn khỏe mạnh, dẻo dai. “Bí quyết thì tôi chả thấy gì, các cụ ăn uống cũng rất giản dị, hầu hết là tự cung tự cấp. Chỉ có điều, các cụ hay tập thể dục, có thể cũng có yếu tố gen di truyền giúp người dân nơi đây có tuổi thọ cao hơn mức bình quân chung”, ông Sơn chia sẻ.
Thế mới biết, sống thọ chẳng phải xa vời gì ngay gần kề trước mắt nhưng có lẽ với nhiều người tìm cả cuộc đời chẳng tìm nổi sự thanh thản. Với người dân Chuyên Ngoại chẳng có bí quyết nào sống lâu trăm tuổi bằng sự thanh thản trong tâm hồn.
Nguồn saostar