Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Làng xưa Ninh Thạnh
Thứ tư: 08:16 ngày 22/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sách Từ điển địa danh Hành chính Nam bộ, NXB Chính trị Quốc gia in năm 2008, trang 755 có mục từ Ninh Thạnh. Ðấy là: “Thôn thuộc tổng Hoà Ninh, h. Tân Ninh, p.Tây Ninh, t.Gia Ðịnh từ năm Minh Mạng thứ 19 (1838)”.

Sắc phong của vua Bảo Đại cho đình Ninh Thạnh.

Tuy vậy, khi đối chiếu với các mục từ khác có liên quan thì thời điểm 1838 e rằng chưa chính xác. Bởi cũng sách ấy, trang 457 có mục từ Hoà Ninh. Ðấy lại là: “Tổng (cấp chính quyền quản các thôn) thuộc h.Tân Ninh, p.Tây Ninh, t.Gia Ðịnh từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836)… đến đầu Pháp thuộc đặt thuộc hạt thanh tra Tây Ninh có 14 thôn… Ngày 12.11.1872 nhập các thôn Vĩnh Cư và Xuân Sơn thành  th. Vĩnh Xuân; Khương Ninh và Khương Thạnh thành th. Ninh Thạnh… Từ 5.1.1876 các thôn gọi là hạt tham biện Tây Ninh”.

Như vậy, theo mục từ này thì phải tới năm 1872 mới bắt đầu có tên thôn Ninh Thạnh.

Vậy nếu cần xác nhận chính thức rằng Ninh Thạnh có từ bao giờ, nên tiếp tục rà soát và ráp nối các mục từ liên quan khác. Chú ý rằng trong các đoạn đã trích, có nhắc đến 2 thôn Khương Ninh và Khương Thạnh được nhập vào nhau để trở thành Ninh Thạnh. Mục từ Khương Ninh cho biết đấy là thôn: “Có từ năm Minh Mạng thứ 17, thời điểm lập phủ Tây Ninh và đặt phủ lỵ tại đây kiêm lý luôn huyện Tân Ninh”. Tiếc rằng sách này lại không có mục từ thôn Khương Thạnh thuộc Tây Ninh. Nhưng chỉ một mục từ Khương Ninh kể trên cũng cho thấy cái nền tảng của thôn Ninh Thạnh đã có từ năm 1836 (Minh Mạng thứ 17). Ðể rồi đến năm 1872 thì cái tên Ninh Thạnh chính thức được khai sinh. Nói cách khác, Ninh Thạnh đã có từ thời Nguyễn, triều vua Minh Mạng dưới hai cái tên là Khương Ninh và Khương Thạnh. Ðến thời Pháp thuộc (sau năm 1862) thì mới có chuyện ghép 2 thôn lại cho chúng dễ bề cai trị. Và chưa hết, đến ngày 6.3.1891, nhà cầm quyền lại tiếp tục: “Giải thể làng Vĩnh Xuân nhập vào làng Ninh Thạnh”.

Di vật của đình Ninh Thạnh.

Như vậy, tính từ đầu thời khai mở nền hành chính, Ninh Thạnh đã là kết quả của việc sáp nhập 4 thôn, làng. Ðó là Vĩnh Cư, Xuân Sơn, Khương Ninh và Khương Thạnh. Tính tới năm 1891, Ninh Thạnh đã trở nên một cái làng thật lớn. Lớn đến độ có những vùng đất nay đã thuộc các huyện Tân Biên, Tân Châu hay Dương Minh Châu thì đã từng có thời thuộc về Ninh Thạnh. Ngày nay thật khó mà minh định được ranh giới của làng xưa. Nhưng ít nhất còn có một tên xã thuộc huyện Tân Biên có một phần Ninh Thạnh. Ðấy là xã Thạnh Bình. Sách Truyền thống Cách mạng huyện căn cứ Dương Minh Châu, do Ban Tuyên giáo Huyện uỷ xuất bản năm 1997, trang 42 có đoạn: “Tỉnh uỷ chỉ đạo mở rộng tổ chức hành chánh xã Ninh Thạnh quá rộng được tách một phần và lấy phần đất rộng phía bắc xã Thái Bình lập thêm xã Thạnh Bình…”. Và sau đó: “Huyện căn cứ Dương Minh Châu được thành lập gồm 5 xã: Ninh Thạnh, Thạnh Bình, Chơn Bà Ðen, Phước Ninh, Ðịnh Thành…”. Ðấy là vào tháng 5.1951, theo sách Lịch sử LLVT huyện Dương Minh Châu. Và xã Ninh Thạnh của huyện căn cứ nổi tiếng ấy cũng chỉ là một phần của làng Ninh Thạnh xưa, dưới quyền cách mạng kiểm soát. Vẫn còn một xã Ninh Thạnh nữa trong vùng tạm chiếm.

Cho đến năm 1956 (theo Từ điển địa danh hành chính Nam bộ), các xã Thái Bình, Hiệp Ninh và Ninh Thạnh còn bị lấy ra một phần để lập xã mới Thái Hiệp Thạnh làm quận lỵ quận Phú Khương và cũng là tỉnh lỵ tỉnh Tây Ninh. Dù bị chia năm xẻ bảy nhiều lần, cho đến năm 1972, Ninh Thạnh vẫn còn là một xã lớn với diện tích đất tự nhiên là 41.550 ha, gấp 5 lần xã Thái Bình và gần 20 lần xã Hiệp Ninh cùng thời điểm đó (theo Bảng kê diện tích, dân số trong sách Tây Ninh xưa của tác giả Huỳnh Minh). Diện tích ấy còn lớn gấp hơn 27 lần phường Ninh Thạnh ngày nay (1.511,19 ha).

Ðứng ở đâu trên đất Ninh Thạnh ngày nay cũng có thể thấy núi Bà Ðen sừng sững. Bởi đã từng có cả trăm năm núi hoàn toàn thuộc về Ninh Thạnh. Có lẽ vì thế mới có tên tổng Chơn Bà Ðen- tức là vùng chân núi Bà Ðen, do người Pháp thiết lập năm 1865. Cũng do vậy mà đến năm 1935, khi vua Bảo Ðại muốn học tập các tiên vương, phong sắc cho Bà Linh Sơn thánh mẫu, thì sắc ấy viết rằng: “Sắc Tây Ninh tỉnh, Thái Bình quận, Hoà Ninh tổng, Ninh Thạnh thôn, phụng sự Bà Ðen Linh Sơn Thánh Mẫu tôn thần”. Nghĩa là: “Sắc cho làng Ninh Thạnh, tổng Hoà Ninh, quận Thái Bình, tỉnh Tây Ninh, thờ phụng Bà Ðen Linh Sơn thánh mẫu tôn thần…”.

Sách Truyền thống cách mạng phường Ninh Thạnh cũng viết: “Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xã Ninh Thạnh là căn cứ cách mạng có núi Bà Ðen là vị trí chiến lược quan trọng. Ðịch muốn biến Ninh Thạnh thành “chiến luỹ thép”, tiền đồn phía Bắc Tây Ninh để bảo vệ sào huyệt chúng… Vùng đất này là nơi tranh giành ác liệt nhất giữa ta và địch…”.

Ninh Thạnh xưa cũng có đình làng như các làng Thái Bình, Hiệp Ninh. Và cả ba ngôi đình đều thuộc về phần đất thị tứ được tách ra lập nên xã mới Thái Hiệp Thạnh, vừa quận lỵ vừa là tỉnh lỵ. Nay vẫn chưa thể xác định gốc tích đình Ninh Thạnh là ở đâu; dù hai ngôi đình Thái Bình và Hiệp Ninh đều đã trở thành di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Có lẽ đấy cũng là một sự “thiệt thòi” cho làng xưa Ninh Thạnh. Tuy nhiên, trên đất thành phố hôm nay vẫn còn hai ngôi đình, mà các Ban quý tế đều cho rằng ngôi của mình mới là đình Ninh Thạnh. Một là ở khu phố 1, phường 1 được mang tên mới là đình Thái Ninh. Hai là ở khu phố 2 cùng phường gọi là đình Thái Vĩnh Ðông. Hiện đình Thái Ninh vẫn còn giữ được vài hiện vật xưa, như những viên đá tán kê chân cột đình xưa. Ðặc biệt là có một cái khạp đựng nước được đục ra từ nguyên khối đá granite. Khạp trông giống như một cái tô lớn, có đường kính miệng khoảng 70cm và cao gần 60cm. Trên thành khạp, dày độ một tấc có khắc 3 chữ Hán, dường như là tên của cơ sở làm ra. Ðình Thái Vĩnh Ðông lại có lý lẽ mạnh hơn về gốc gác của mình, là nhờ còn giữ được tấm đại tự chữ Thần, được chế tác từ năm 1897. Từ đó mà suy đoán đình Ninh Thạnh được hoàn thành vào năm ấy. Ngoài ra, ngôi đình này còn giữ được sắc phong cho thành hoàng đình Ninh Thạnh. Bản sắc phong ấy cũng do vua Bảo Ðại, vào năm Bảo Ðại thứ 12 (1937) ban. Tiếc rằng Thành hoàng được phong lại là: “Quan ba Ðỗ Hữu Vị tử trận tôn thần” (Bản dịch của Trương Ngọc Tường). Ông Vị là con của quan Tổng đốc Sài Gòn Ðỗ Hữu Phương, thời Pháp đã chiếm miền Nam. Và ông “tử trận” là do phục vụ cho nước Pháp thời Thế chiến thứ nhất (1914-1918).

Miền đất có núi Linh Sơn, danh thắng và chốn linh thiêng của đất nước, có một số người không thể chấp nhận một vị thành hoàng như vậy. Trong bản chép tay vào năm 1968 của ông Dương Văn Phú, một vị cựu Trưởng Ban quý tế đình Ninh Thạnh xưa, còn có đoạn sau: “Ðình này thờ “Thần hoàng bổn cảnh”. Năm 1937, Hội đồng Hương chánh xã Ninh Thạnh do ông Nguyễn Văn Tánh làm Hương cả thỉnh sắc ông Ðỗ Hữu Vị về làm “thần” thay thế ông thần cũ. Từ đó đến sau, trong làng lộn xộn, dân chúng không yên…”.

Chuyện làng Ninh Thạnh xưa, đến đây xin tạm thời khép lại.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục